Sẽ có một Tổng Công ty chuyên xây dựng đường cao tốc?
20:19' 03/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Việc phải bắc một cây cầu phao bắc qua sông Hồng giữa thời bình và quốc lộ 5 vừa mới đưa vào sử dụng chưa lâu đã phải nghĩ đến việc xây thêm một con đường mới (khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng quy hoạch hiện nay của ngành giao thông vận tải (GTVT)... Trả lời phỏng vấn bên hành lang QH chiều nay (3/11), Bộ trưởng Bộ  GTVT Đào Đình Bình thừa nhận "Việc quy hoạch của chúng ta chưa được tốt". Ông cũng cho biết thêm Bộ GTVT có thể sẽ lập một Tổng Công ty chuyên xây dựng đường cao tốc.

Bộ trưởng Đào Đình Bình

Rút thời gian thi công xây dựng cầu Thanh Trì

Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết: ''Hôm qua, tôi đã thị sát tiến độ xây dựng cầu Thanh Trì và cầu Yên Lệnh. Tại cầu Thanh Trì, hiện nay gói thầu chính đang được các nhà cầu Nhật Bản thi công khẩn trương. Chúng tôi đã đặt vấn đề với các nhà thầu Nhật Bản về việc rút ngắn thời gian thi công của cây cầu này. Họ cho biết, thời gian xây dựng có thể được rút bớt 8 tháng''.

- Thưa Bộ trưởng, có nhiều công trình xây dựng đúng tiến độ mà rút cuộc vẫn không đảm bảo chất lượng: bị lún, bị nứt. Vậy việc rút thời gian thời gian thi công như thế, liệu có đảm bảo chất lượng không?

- Chúng tôi cũng đã thường xuyên nhắc nhở các nhà thầu là phải chú trọng:  tiến độ nhanh nhưng chất lượng phải đảm bảo. Đối tác nước ngoài này đã được chúng tôi tin cậy.

- Việc rút ngắn thời gian thi công như vậy có khiến cho nhà thầu đặt vấn đề tăng giá thi công không? Và liệu nguồn vốn có bị ảnh huởng không?

- Bây giờ chưa được đặt ra. Có thể khi bàn bạc cụ thể rồi chắc họ cũng nói cụ thể cái này. Cái gì chẳng có giá của nó.. Còn mọi việc bây giờ mới chỉ là bàn định hướng  thôi. Về vốn, đây là một dự án có mức đầu tư lớn, lên đến 410 triệu USD, mà nó sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết rằng đảm bảo vốn đối ứng cho công trình. Khó khăn lớn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng.

..."Lại là quy hoạch, nói mãi rồi"

- Việc mới đây phải đặt cầu phao qua sông Hồng có đem đến cho Bộ GTVT một lời khuyến cáo: liệu có còn cây cầu nào lưu lượng tăng quá  bất thường để có kế hoạch sớm hơn chứ không phải "nước đến chân mới nhảy". Và thưa bộ trưởng, việc này khiến chúng ta lại phải đặt lại vấn đề ''muôn năm cũ'': việc quy hoạch có vấn đề?

-Vấn đề quy hoạch đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới nói đến quy hoạch, trong quy hoạch chung có quy hoạch phát triển  ngành và phát triển  theo vùng lãnh thổ. Chúng ta đã làm được quy hoạch phát triển chung và phát triển theo ngành. Sắp tới, Chính phủ sẽ  tập trung xây dựng quy hoạch phát triển theo ngành, theo lãnh thổ, trong đó có vấn đề phát triển GTVT theo vùng lãnh thổ... Vấn đề này đã được đề cập từ lâu, tất cả đã nằm ở những quyết định của Thủ tướng nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lực của chúng ta.  Vấn đề là chúng ta có huy động các nguồn lực đó không?

- Thưa Bộ trưởng,  thực tế chúng ta đã có bài học về quốc lộ 5, khi xây dựng đã không tính đến hành lang mở rộng đường, không tính đến điểm giao cắt lập thể? Vì thế khi đưa vào sử dụng thì lại phải  xây dựng thêm cầu vượt. Và  bây giờ thì đang tính đến xây dựng đường 5 mới?

- Theo tôi, đây không phải là vấn đề quy hoạch mà là việc quản lý hành lang của các tuyến đường đang có nhiều bất cập. Các địa phương khi xây dựng các khu dân cư, các khu công nghiệp thì nhắm thẳng vào quốc lệ hiện có mà ít để ý đến đường hành lang và đường xương cá. Và vì thế đã nhiều lần, trong kỳ họp thứ 2 của QH, chúng tôi đã có kiến nghị với chính quyền các địa phương cần phải để ý đến các hành lang an toàn giao thông. Từ đó, khi xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp, phải hoạch định đường nội bộ, cho phép tiếp nối với đường quốc lộ ở  những điểm cho phép.

- Khi xây dựng những tuyến giao thông huyết mạch, sự phối hợp về quy hoạch giữa các bộ ngành, liên quan đã tốt chưa, thưa bộ trưởng?

- Theo Luật xây dựng, khi  xây dựng quy hoạch GTVT thì các bộ ngành đều cùng tham gia và lẽ tất nhiên, người ta phải nghĩ đến sự phối hợp với quy hoạch của bộ, ngành mình nhưng nói thật sự phối hợp đó chưa tốt lắm. Ví dụ như trên đường cao tốc từ Gia Lâm đi Bắc Ninh. Trước đây, khi xây dựng tuyến đường cao tốc này, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương. Mọi ý kiến đều thống nhất. Thế nhưng gần đây, do sự phát triển của địa phương, Bộ Xây dựng bắt buộc cho làm thêm một cây cầu vượt nữa đi qua đường cao tốc để nối các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Việc xây dựng này không ảnh hưởng đến sự phát triển của đường cao tốc nhưng điều đó cũng thể hiện tầm nhìn của chúng ta chưa bao quát. Thủ tướng cũng đã nói rồi. Chúng ta mới phát triển quy hoạch ngành  mà chưa chú ý quy hoạch vùng. Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng quy hoạch vùng.  Ví dụ như chúng ta không chỉ bó hẹp trong quy hoạch không gian nhỏ bé của Hà Nội mà phải chú ý đến quy hoạch tổng thể của cả vùng phía Bắc. Từ đó chúng ta có một không gian rộng lớn với sự phát triển tổng thể, không chỉ bó hẹp trong một ngành, trong một vùng.

- Thưa Bộ trưởng, liệu năng lực của chúng ta có thực hiện được điều ấy không ạ?

- Vì nhu cầu bức bách mà cán bộ phải phấn đấu, phải học tập, phải trưởng thành. Tôi tin rằng  là chúng ta đủ khả năng. Còn đối với quy hoạch khó chúng ta mời chuyên gia. Tất nhiên, không ai hiểu chúng ta bằng chúng ta.

Cái sai nào của Bộ GTVT cũng có lý do (?)

- Các nguồn lực đầu tư theo quy hoạch này đã được tính toán kỹ chưa thưa Bộ trưởng?

- Phần lớn chúng ta đang xác định nhu cầu. Và từ như cầu đó thì đặt ra cho các cơ quan Chính phủ và Chính quyền các địa phương tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư. Thí dụ như, Bộ GTVT, ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư, sử dụng trái phiếu Chính phủ, Bộ đang tiến hành hai hình thức huy động hai nguồn vốn khác. Đó là: sử dụng nguồn vốn của các nhà đầu tư theo dạng BOT, phát trành trái phiếu đầu tư. Hiện nay Chính phủ đã cho phép chúng tôi hình thành Tổng công ty xây dựng đường cao tốc. Một Tổng công ty như thế sẽ có khả năng huy động trái phiếu công trình để phát triển hạ tầng đỡ khó khăn hơn?

- Thưa Bộ trưởng, nguồn vốn ấy được huy động trước khi có quy hoạch hay sau khi có quy hoạch?

- Nếu chúng ta có bao nhiêu tiền rồi tính làm bấy nhiêu thì không bao giờ có tầm nhìn và bước đi phù hợp với tốc độ phát triển. Phải từ yêu cầu thực tế để chúng ta tìm kiếm nguồn vốn. Chúng ta không thể thực hiện những việc xa vời.

- Còn với trên 1.000 tỷ đồng tiền nợ từ những công trình dở dang thì Bộ sẽ xử lý thế nào?

- Tôi khẳng định là các công trình này đều năm trong quy hoạch, kế hoạch nhưng nguồn vốn bố trí chưa đủ. Hiện nay Bộ GTVT còn nợ trên 1.000 tỷ đồng, nhưng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo cho các Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp tục nghiên cứu xem xét để đề ra giải pháp. Ví dụ giải pháp phát hành trái phiếu vừa qua đã giúp một loạt các công trình giao thông trước đây chưa có nguồn đã được tiếp tục thực hiện.

- Bộ trưởng đánh giá gì về kết luận thanh tra nhà nước vừa rồi nói về việc 9 dự án nâng cấp đường sắt vừa rồi đã lỗ 15 tỷ?

- Kết luận thanh tra là trách nhiệm của thanh tra. Chúng tôi đã có giải trình về vấn đề này. Hiện chưa có kết luận cuối cùng của Chính phủ về những con số này nên tôi không bình luận.

- Trước sự việc hầm chui Văn Thánh bị lún nứt ,Bộ trưởng đã có một chuyến viếng thăm hầm và đưa ra kết luận "nún lứt" do sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, kết quả điều tra cuối cùng lại à do công trình bị "rút ruột" nên không đảm bảo chất lượng. Hiện nay cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng xảy ra tình trạng nún lứt thì Bộ trưởng có ý kiến gì?

- Chúng ta phải căn cứ vào quy định của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ bản để xem xét. Tất cả các công trình do địa phương làm chủ đầu tư, mà đã là chủ đầu tư thì các địa phương và các đơn vị thực hiện phải chịu trách nhiệm với chất lượng của công trình. Nhưng với tư cách quản lý nhà nước, chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi có yêu cầu.

- Gần đây xảy ra tình trạng các cây cầu mới xây dựng và đưa vào sử dụng đã bị tháo dỡ ốc vít và ăn trộm nhiều chi tiết. Vậy Bộ GTVT có trách nhiệm gì trong vai trò quản lý nhà nước đối với những công trình giao thông lớn này?

- Cầu Tân Đệ khi mới đưa vào sử dụng cũng đã bị rất nhiều người dân tháo trộm ốc vít hay một số chi tiết của cầu do chưa hiểu biết. Vấn đề là việc đó không đe doạ đến sự an toàn của cây cầu, đó chỉ là những chi tiết lặt vặt nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đó là những hành vi đáng lên án nên chúng tôi đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

  • Lương Bích Ngọc
    (thực hiện)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Cán bộ phải tận tâm phục vụ doanh nghiệp'' (03/11/2003)
Hãy gõ, cửa sẽ mở (03/11/2003)
Căn hộ chung cư được rao bán nhiều, ít khách mua (03/11/2003)
"Luật Doanh nghiệp giúp doanh nhân tự tin lập nghiệp" (03/11/2003)
Buôn lậu tại Hà Nội tăng hay giảm - ai biết? (03/11/2003)
Chưa có một hệ thống Du lịch mua sắm (03/11/2003)
Giá bông tăng (03/11/2003)
6 bài học kinh nghiệm về nhập bò sữa (03/11/2003)
Vàng và USD rủ nhau hạ nhiệt (03/11/2003)
Đầu tư 2.400 tỷ đồng cho ba dự án thuỷ lợi lớn (03/11/2003)
Điện thoại di động ngoài luồng tăng giá mạnh (02/11/2003)
29 dự án nhận được viện trợ, cho vay từ Nhật Bản (02/11/2003)
Còn 5 giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực hiện đúng lịch trình (02/11/2003)
Tổng kiểm tra điện thoại di động.... ''mô hình''? (01/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang