,
221
862
Ngân sách
ngansach
/thoisuquochoi/ngansach/
131365
"Bánh" nhỏ - kẻ cười, người khóc?
1
Article
861
Thời sự Quốc hội
thoisuquochoi
/thoisuquochoi/
,
Quốc hội thảo luận tổ về ngân sách:

'Bánh' nhỏ - kẻ cười, người khóc?

Cập nhật lúc 21:52, Thứ Năm, 23/10/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mới dạm bàn về ngân sách mà chiều 23/10, không khí thảo luận tổ của QH đã có vẻ căng. Căng đến mức mà ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng phải "giải trình" đến hơn một giờ đồng hồ sau rất nhiều câu hỏi của các ĐB đoàn TP.HCM. Còn ĐBQH, Chủ tịch TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thì "ấm ức": "Đáng lẽ ra, thu nhiều thì phải chi nhiều chứ?...".

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng thường bị các nhà báo vây quanh trong các kỳ họp Quốc hội

"Bánh" vẫn còn nhỏ

ĐB Hà Nội, Nguyễn Mạnh Cường Uỷ viên Uỷ ban kinh tế ngân sách của QH thắc mắc: "Về cơ bản, Uỷ ban tán thành với báo cáo của Chính phủ nhưng vẫn có một số mặt còn "vênh". Dự kiến thu 132.000 tỷ đồng, tăng 8.000 tỷ nhưng QH dự tính rằng tổng thu còn cao hơn bởi vì năm 2003 thu từ xuất khẩu rất cao. Theo chúng tôi thì số ước thu  về ngân sách năm nay có thể cao hơn so với báo cáo của Chính phủ".

Với những câu "chất vấn" tương tự như thế ở đoàn TP.HCM, Bộ trưởng Hùng giải trình: "Các anh ở trên Quốc hội bảo ta có thể đánh giá mức thu năm nay được cao hơn vì mới được 9 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch, tôi nghĩ là có thể nhưng biết đâu từ nay đến cuối năm có lũ lụt thiên tai gì thì sao? Dầu thô là nguồn thu chính của ngân sách nhưng giá cả bấp bênh. Có ai dám bảo từ nay đến hết năm giá dầu thô tăng hay giảm?".

Phó giáo sư Tôn Thất Bách, vẫn ĐB Hà Nội cẩn trọng: "Không nên so sánh dự toán 2003 với 2004 vì không có cơ sở khoa học. Chính phủ nên bóc tách Ngân sách chi thu để giải trình. Cũng về vấn đề này, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng: "Năm nay, chúng ta làm cật lực thật đấy nhưng nếu quản lý tốt hơn thì có lẽ còn hơn thế. Chúng ta chỉ có hai nguồn thu chính: bán dầu thô và thu thuế nhập khẩu, nhưng năm sau dự tính giá dầu luôn ở trạng thái bấp bênh, không lường trước được. Còn năm tới, gia nhập AFTA thì phải

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng:

Những năm trước con số 500 - 1.000 tỷ thu của các tỉnh là hiếm lắm, chỉ đếm đầu được mấy tỉnh, nhưng năm nay xây dựng dự toán mới thì chỉ còn 1-2 tỉnh dưới 100 tỷ. 31 tỉnh trở lên đã tham gia vào "câu lạc bộ 500" - tức là trên một nửa số tỉnh có số thu trên 500 tỷ rồi! trong đó 14 -15 tỉnh, thành thu trên 1.000 tỷ đồng. TP. HCM năm vừa rồi thu được 43.000 tỷ đồng, Hà Nội là gần 22.000 tỷ, Vũng Tàu 31.000 tỷ. Với tỉnh Bắc Kạn, tuy vẫn là 2 tỉnh cuối cùng thu dưới 100 tỷ năm. Cả tỉnh chỉ thu được 44 tỷ, con số này tuy chưa cao nhưng đã tăng nhiều so với những năm trước (năm 2000 là 17 tỷ).Chi cho địa phương là gần 81.000 tỷ, tỉnh nào ít thì chi 700 - 800 tỷ. 

giảm thuế - giữ được mức thu như dự tính là rất khó".

Với phương án phân chia ngân sách 2004, Bộ trưởng Hùng bộc lộ sự khó xử: "Cái khó của chúng ta trong cân đối ngân sách hiện nay là mức thu so với nhu cầu chi ở hầu hết địa phương đều không cân đối. Thu thì chỉ có 31 tỉnh trở lên là hơn 500 tỷ đồng, nhưng chi thì không có tỉnh nào dưới 500 tỷ đồng". Chia sẻ điều này với  ông Bộ trưởng Tài chính, Phó Chủ tịch TP.HCM Mai Quốc Bình nói: "Qua báo cáo của ông Bộ trưởng Tài chính tôi thấy cách tính toán chi tiêu khá là chu đáo, hợp lý. Nếu tôi ở cương vị và vai trò của đồng chí Bộ trưởng chắc cũng phải làm như vậy thôi. Chúng tôi ghi nhận đấy là điểm tốt, tạo niềm tin cho nhân dân về việc quản lý ngân sách của Nhà nước. Nhưng ngân sách của nhà nước đang nhiều nguồn chi quá. Làm sao để 47 tỉnh thành còn lại phải có cơ chế đảm bảo nguồn thu, đây là bài toán khó đấy!".

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ví von: "Khó nhất là thu ít, chi nhiều. Cũng giống như chăn hẹp, nhiều người kéo, muốn ấm thì phải co lại, miếng bánh nhỏ, nhiều người chung nhau nhưng ai cũng muốn phần to. Vấn đề ở đây là phải làm cho cái bánh nó to lên. Có nghĩa là phải bàn về ngân sách ngay từ phương án sản xuất và phát triển".  

"Đầu tàu" phải được chi nhiều?

Tại đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên kiến nghị: "Các nguồn ngân sách phải được hoạch định cho rõ ràng. Có năm ấn cho Hà Nội thu nguồn ngân hàng, đến khi không thu được thì phạt. Được thì không chia, không được thì phạt là không thoả đáng. Tỷ trọng phân bổ đầu tư ngân sách cho Hà Nội chưa hợp lý trong khi tỷ trọng thu thì lớn, năm nay đầu tư xây dựng cơ bản chỉ còn 36,9%. Năm 2004, phân bổ cho Hà Nội đều giảm - chỉ còn một nửa. Thu nhiều thì phải chi nhiều. Một số địa phương dự định tăng hơn so với năm ngoái thì cũng phải cân nhắc".

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng ở đoàn TP.HCM lại nhìn về vấn đề này một cách khác: "Chi cho TP.HCM 10.000 tỷ nghe có vẻ lớn, nhưng với một thành phố lớn là động lực phát triển của cả một khu vực, lại có tới gần 6 triệu dân thì ăn thua gì? Cần lưu ý rằng, chúng ta còn phải tính ngân sách cho 83 triệu dân nữa!".

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên và Phó Chủ tịch UBTP.HCM Mai Quốc Bình là "cố gắng dồn sức, tạo điều kiện cho "đầu tàu" để đẩy cả một khu vực cùng vươn lên. Thế nhưng, cũng  phải đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng khó khăn. Rồi còn phải quan tâm tới giáo dục, khoa học công nghệ... Ông cũng khuyến cáo: "Tôi có làm QH mấy năm, không thấy ai thoả mãn về ngân sách cả!".

Còn ĐB Giàng Văn Quẩy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang thì tỏ ra vui vẻ trước "phương án" phân chia "miếng bánh" ngân sách năm 2004. Ông nói: "Phân bố ngân sách "phần hơn" cho những vùng động lực và khó khăn là hợp lý. Chúng tôi là vùng đặc biệt khó khăn. Việc phân bổ như năm nay là đảm bảo cho chúng tôi khắc phục khó khăn và phát triển kinh tế. Tất nhiên, không thể nói là thoả mãn được. Đây chỉ là bước đầu thôi, phải sau vài ba năm phân bổ theo cách này thì chúng tôi mới mạnh được".

Ông Trần  Đình Đàn, ĐB Hà Tĩnh lại dè chừng khi trả lời phỏng vấn PV VietnamNet bên ngoài hành lang: "Thoả mãn hay chưa về ngân sách thì cũng khó nói lắm...".

Nghèo thì đừng sĩ hão!

Qua tranh luận về phân chia ngân sách, nhiều  ĐB chú trọng đến vấn đề then chốt nhất: làm thế nào để tăng thu, giảm chi? Và một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện điều này lại là chống lãng phí. ĐB Mai Quốc Bình ở đoàn TP.HCM là người bức xúc nhất về chuyện lãng phí. Ông nói: "Ngân sách vẫn bị sử dụng lãng phí. Lãng phí trước hết là trong quản lý tài sản công: xây dựng trụ sở to ra, đất rộng ra, sắm nhiều xe. Nên chăng chúng ta thiết kế bố trí lại các trụ sở của các cơ quan Trung ương một cách tập trung. Các bộ ngành có trụ sở đóng rải rác nhau, chúng ta có thể bán các trụ sở đó để lấy tiền xây những toà nhà cao tầng trên 20 - 30 tầng, mỗi bộ ngành là một vài tầng, đỡ chi phí đi lại và nhiều khoản dịch vụ khác. Như vậy vừa chỉnh trang lại đô thị, vừa tiết kiệm được chi phí. Việc thu phí cầu đường cũng vậy. Theo tôi cứ đánh thuế một lần vào nhập khẩu xăng dầu rồi ngành nào cần ưu đãi giá xăng dầu để sản xuất thì ta bù lỗ chứ mỗi cung đường, mỗi cây cầu lại xây một trạm thu phí như thế này thì lãng phí cả về kinh phí, cả nhân sự".

Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên cũng bức xúc: "Hoạt động tài chính của nhiều đơn vị kinh doanh không giải trình được vì rất mất bất bình thường. Hà Nội cũng phải mất hai năm làm rất quyết liệt về vấn đề này. Cụ thể như bắt các chủ dự án Hoả Lò, cấp nước Gia Lâm... phải giải trình được chi tiêu. ĐB Nguyễn Mạnh Cường bức bối: Một nền tài chính lành mạnh không thể xuất bao nhiêu cũng không rõ, khấu hao ném vào đâu cũng không biết. Hay dở gì, Bộ Tài chính cũng tự khâu vá lấy cho lành lặn...". ĐB Hà Nội Phương Hữu Việt nêu một thực trạng: nhiều cơ quan có hội trường nhưng cả năm chỉ dùng có vài lần. Mình đã nghèo thì phải bỏ bệnh sĩ hão đi.

Đừng coi ngân sách là tiền chùa

ĐB đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Anh Nhân "kêu": "Có người nói tiền ngân sách là tiền chùa, có quyền chi tiêu bừa bãi nhưng chúng ta hãy nhớ đó là tiền của dân. Phải chi tiêu thế nào cho hiệu quả để người dân đỡ xót". Vẫn ĐB Nguyễn Mạnh Cường phản ứng quyết liệt vì nợ, vì lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương: "Năm 2003 thất thu cao vì gian lận thương mại. Nợ xây dựng cơ bản đến11.000 tỷ đồng - chiếm 50% vốn đầu tư, bộ ngành nợ đến 7.000 tỷ đồng là không thể chấp nhận được. Và chúng ta xử lý cái này cũng mất vài năm. Tôi đã từng nghe có địa phương tuyên bố: Nếu bắt chúng tôi tự trả nợ thì chắc là 50 năm sau mới trả xong. Nếu các địa phương và bộ, ngành xin ngân sách, trước khi quyết định, chúng ta bắt họ ký cam kết không lãng phí, thất thoát thì chắc là không bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào dám ký. Mỗi năm chúng ta vẫn trả nợ vay hàng chục ngàn hàng tỷ đồng. Mặc dù lãi suất thấp, có ưu đãi nhưng chúng ta vẫn phải có lộ trình để trả nợ vay. Chúng ta đừng để con cháu mai sau phải trả nợ vay...".

  • Bích Ngọc - Lan Anh
,

Tin khác

Tin khác của 'Ngân sách'

,
,