QH làm Luật để đón đầu WTO!
(VietNamNet) -
Trong phiên thảo luận tổ chiều qua (7/11), nhiều ĐB đề xuất: "Các bộ phận chức năng của QH nên tóm lược những nội dung chính, quan trọng của các bộ luật để đưa ra cho các ĐB thảo luận tại hội trường chứ không cần đọc lại toàn bộ văn bản luật. Cũng chiều qua, lần đầu tiên thấy các ĐBQH "sốt ruột" khi nhắc tới mấy chữ WTO: "Phải thông qua và sửa đổi ngay trong năm 2004 những luật nào liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế...".Bộ kêu "quá tải", ĐB than "oải quá rồi"
Hiện nay chúng ta mới có 200 luật, trong khi nhu cầu phải có khoảng 800 luật mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi QH phải tăng "tốc", tăng số luật thông qua trong mỗi năm. Nhưng làm thế nào để việc thông qua luật được nhanh hơn mà vẫn đảm bảo được chất lượng? Trong buổi thảo luận tổ chiều hôm qua tại các tổ, nhiều ĐB than phiền: "chúng ta đang chạy theo số lượng", người khác lại bảo: "tốc độ làm luật chậm quá, nước người ta làm ào ào ấy chứ". ĐB Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh kêu: "Về chương trình xây dựng luật năm tới, tôi nghĩ một Bộ, ngành chỉ nên làm 1 luật/năm. Chứ cứ tình trạng làm tới 2 luật, 1 pháp lệnh trong một năm như Bộ Công an thì sẽ quá tải". ĐB Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng có ý kiến tương tự: "Luật chưa hoàn chỉnh vì Quốc hội phải làm quá nhiều việc, mà công việc soạn thảo luật thì rất công phu, mất nhiều thời gian. Nếu năm 2004 chương trình làm việc của chúng ta như vậy thì nhiều quá, chỉ nên làm vừa phải thôi. Mỗi năm một bộ, ngành làm một luật đã là vĩ đại rồi, chứ đánh tới 2-3 luật thì sợ không đảm bảo". ĐB Nguyễn Thị Vân Lan (TP. Đà Nẵng) nói ngắn gọn: "Chúng ta thấy Quốc hội đang chạy theo số lượng...".
ĐB Mai Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra mẫu thuẫn là ở chỗ, số luật phải thông qua thì nhiều nhưng ĐB kiêm nhiệm quá ít thời gian, như vậy rất khó đạt được chất lượng như mong muốn. "Họp mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ một tháng, công việc vẫn phải hoàn thành, họp QH cũng không thể bỏ buổi nào. ''Nếu phải kéo thêm thời gian họp nữa thì thấy oải quá", ông nói. Hoà thượng Thích Thanh Tứ thành thật: "Đúng là Quốc hội làm việc mệt rồi! Tôi ngồi cả sáng nay bấm nút mà cũng thấy mệt". ĐB Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường đụng đến vấn đề... tế nhị, đó là cần tăng kinh phí cho việc làm luật: "Chúng ta cứ chạy theo số lượng, nhưng con người, vật chất chỉ có đến vậy thì có nên đặt số lượng lên hàng đầu? Hiện nay cả Quốc hội mỗi năm chỉ được 200 tỷ đồng. Trong khi đó, có con đường được đầu tư tới 1.200 tỷ đồng. Chúng ta có thể đầu tư cho một con đường như vậy thì cũng nên đầu tư thêm cho hoạt động chính sách. Một chính sách đúng trong một giờ có thể tạo được cho nhân dân nhiều tỷ đồng".
Nên để dân "giúp" ĐB
Vẫn ĐB Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh thắc mắc: "Tôi có một số đề xuất sửa đổi nhưng không được ghi nhận. Thế mà chả anh nào có ý kiến về việc này cả, cũng chẳng có ai giải thích vì sao không ghi nhận". ĐB Hằng Nga (TP.HCM) cũng băn khoăn: "Thời gian thảo luận ít quá, tôi thấy nhiều ĐB muốn có thời gian phát biểu nữa để hoàn thiện hơn những điều khoản trong những bộ luật nhưng không có thời gian. Tôi thấy chất lượng làm luật chưa đạt hiệu quả như mong muốn của chúng ta". ĐB Nghiêm Vũ Khải (tỉnh Hà Giang) cho rằng: "Kỳ họp này chưa thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các ĐB". ĐB Mai Quốc Bình (TP.HCM) hài hước: "Có lúc tôi thấy thảo luận mà cứ như bàn chơi vậy đó, ĐB bàn cứ bàn. Điều đáng nói là họp nhiều mà tác động của ĐB đến việc làm luật không nhiều...".
Việc phải chờ quá nhiều văn bản dưới luật thì luật mới được thực hiện khiến cho tiến trình làm luật chậm lại khiến nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Hà Nội Nguyễn Tiến Thắng đề nghị: "Làm thế nào để khi luật ra là phải thực hiện được ngay, chứ chúng ta cứ phụ thuộc nhiều vào các văn bản hướng dẫn quá! Phải giảm bớt văn bản dưới luật đi!". ĐB Hà Nội, Nguyễn Thị Anh Nhân than phiền: "Tôi đọc luật thấy nhiều chỗ quy định cái này giao cho Chính phủ". Đọc xong gấp lại mà cứ thấy chưa thoả mãn. Thường thì luật nào vừa được thông qua cũng phải chờ có văn bản hướng dẫn mới thực hiện được, nhưng cũng chính đó lại là những vấn đề rất quan trọng nên nên rất phiền cho các cơ quan thực thi pháp luật".
Để rút ngắn thời gian thông qua luật của ĐB QH mà vẫn đảm bảo chất lượng, ĐB Nguyễn Tiến Thắng "nhắn nhủ": "Quốc hội phải bảo UBTVQH làm công tác chuẩn bị sớm hơn, vì muốn làm luật thì phải đưa ra lấy ý kiến. Mà lấy ý kiến thì mất thời gian lắm!".
Sáng kiến của ĐB Mai Quốc Bình được các ĐB ở đoàn TP.HCM đồng thuận hơn cả: "Theo tôi, các Uỷ ban của QH chỉ cần tóm lược những nội dung quan trọng, cần thiết đưa ra cho các ĐB thảo luận (chứ không cần đọc lại cả bộ luật vì các ĐB đã được phát văn bản đến tận tay rồi) Và cũng nên đưa những nội dung này lên inrtenet, báo chí để nhân dân đóng góp ý kiến, xây dựng. Trung Quốc họ làm theo cách như vậy nên mỗi kỳ chỉ cần họp nửa tháng nhưng mỗi năm lại thông qua được rất nhiều bộ luật".
Làm luật cho "WTO"
Một trong yêu cầu cấp bách của việc làm luật là sự đòi hỏi của đời sống. Và vì thế, định liệu thứ tự trước, sau như thế nào, việc đầu tiên là phải xét đến đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội chứ không phải "xếp hàng" theo kiểu "luật nào soạn thảo trước thì thông qua trước... Đó là ý kiến của nhiều ĐB.
ĐB Hà Nội Nguyễn Tài Lương đề nghị: "Chúng ta nên bắt đầu từ nhu cầu của cuộc sống, sau đó các cơ quan địa phương tổng hợp đưa lên trình Chính phủ. Chính phủ gửi ý kiến đó đến UBTVQH và các Uỷ ban của Quốc hội sẽ trực tiếp soạn thảo văn bản". ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) phân tích: "Chúng ta nên thống nhất, tập trung thông qua hoàn thành một số luật đang có yêu cầu cấp bách của đời sống xã hội. Riêng trong năm 2004 nên ưu tiên: Luật khiếu nại tố cáo, Luật thuế sử dụng đất (song hành với Luật đất đai sửa đổi), Luật giáo dục sửa đổi... Làm luật không nên xếp hàng mà nên tính đến yêu cầu cấp bách của đời sống". ĐB Mai Quốc Bình đề nghị QH nên cân nhắc để có kế hoạch thông qua trong cùng một thời gian các luật có nội dung gần nhau và có tác động lẫn nhau để dễ thực hiện khi ban hành và cũng để các ĐB "thuộc bài" hơn trong thảo luận. Ông phân tích: "Năm 2004, tại sao không thông qua một lèo những luật có liên quan chặt chẽ với nhau như Luật thuế sử dụng đất, Luật kinh doanh bất động sản... sau khi thông qua Luật đất đai kỳ này. Và năm 2006 là gia nhập WTO rồi, các luật liên quan đến hội nhập kinh tế như Luật thương mại, Luật phá sản... nên thông qua trước trong năm 2004 để có bước chuẩn bị.". Hình như đây là lần đầu tiên, các ĐB bắt đầu quan tâm đề cập đến việc "làm luật'' để "đón" WTO.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk): "Năm 2005 chúng ta sẽ gia nhập WTO. Do đó, năm 2004, khi lên chương trình xây dựng pháp luật phải lưu ý làm kịp những luật, pháp lệnh cần thiết nhất để kịp thời điều chỉnh lĩnh vực này. Nếu chúng ta không làm kịp sẽ không đáp ứng được điều kiện gia nhập WTO, điều này đồng nghĩa với việc không họ được chấp nhận. Ta nên cử người sang Trung Quốc để tìm hiểu họ đã làm thế nào mà học tập".Kim Thoa đề nghị cụ thể: "2004, cần thông qua Luật thương mại sửa đổi vào ngay kỳ họp thứ 5 để đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thương mại khi gia nhập WTO".
- Bích Ngọc - Lan Anh
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004 có tổng số 62 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có 42 dự án thuộc chương trình chính thức và 20 dự án thuộc chương trình dự bị. |