...Giờ thì bàn chuyện làm 'cái bánh' to lên!
(VietNamNet) - Ngày 30/10, không khí "xin cho" trong nghị trường đã bớt "nóng" bởi chỉ còn lác đác ĐB "tranh thủ" đề cập đến chuyện xin vốn. Còn lại, đa phần ĐB bắt đầu lo lắng khi nhìn lại kích cỡ của "cái bánh" ngân sách. Nhiều giải pháp "làm phình" ngân sách được đưa ra. Có ĐB còn sốt ruột thúc giục: "Chúng ta cần triệt để, không bỏ sót bất cứ nguồn thu nhỏ lẻ nào"!
Bộ trưởng - Đại biểu Quốc hội Võ Hồng Phúc |
Nhà nước là... chùm khế ngọt?
Tận dụng mọi nguồn thu mà trước đây Chính phủ đã "bỏ qua" hoặc không có khả năng quản lý thu, đó là những giải pháp được các ĐB đưa ra như những phương án hữu hiệu và khả thi nhất để giải quyết tình trạng thiếu nguồn thu cho ngân sách hiện nay. Còn ĐB Trần Thanh Khiêm (tỉnh Cà Mau) lại có ý kiến: "Chống tiêu cực lãng phí, tham nhũng mạnh hơn nữa cũng đảm bảo tăng thu cho ngân sách".
Trong khi đó, nói về những tiêu cực tồn tại trong việc đấu thầu xây dựng, mà theo ĐB Nguyễn Ngọc Trân (tỉnh An Giang), là một "lỗ hổng" làm lọt vốn của Nhà nước thì giải pháp trước mắt phải là: "Cần ban hành sớm pháp lệnh về đấu thầu. Đấu thầu hiện nay cũng là một điểm yếu và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng XDCB". Ông còn trích dẫn ý kiến của một ĐB cùng tổ: "Có ý kiến nói, trước đây người ta ví: Bên A là chùm khế ngọt/ bên B trèo hái mỗi ngày. Bây giờ người ta lại nói tới tình hình tiêu cực bên A hạch sách bên B nên: Bên B là chùm khế ngọt/ bên A trèo hái mỗi ngày. Cuối cùng, cả hai ý này lại dẫn đến: Nhà nước là chùm khế ngọt/ A, B trèo hái cả ngày"...
ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) lại có một hình ảnh ví von khác: "Chính phủ cũng giống một gia đình ít vốn mà đông con. Một người con muốn mua ôtô để đi chơi, một người muốn nhà lầu để ở, một người muốn có tiền để đi học, còn người khác muốn có tiền để đầu tư sản xuất... Khó lắm! Vì người nào cũng có nhu cầu, mà toàn là nhu cầu bức bách. Vấn đề đặt ra ở đây là cái tài của Quốc hội ta. Chúng ta phải đầu tư vào khu vực nào, ngành trọng điểm nào mà tăng trưởng kinh tế ở đó phải từ 10-12% để là đầu tàu kéo luôn cả đất nước đi lên...".
Còn ĐB Lê Quốc Dung (tỉnh Thái Bình) lại xót xa: "Nhà nước vẫn phải nai lưng ra đầu tư cho xã hội mà chưa khuyến khích được xã hội đầu tư trở lại"...
Không bỏ sót nguồn thu nào?
Vốn ít - thì rõ rồi! Vấn đề là Chính phủ sẽ "xoay xở" thế nào với số vốn đó để đem lại hiệu quả lớn nhất. ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) có ý kiến: "Với nguồn vốn ít ỏi như vậy, việc đầu tư hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào cách điều hành của Chính phủ. Hiện chúng ta có quá nhiều công trình đầu tư không có hiệu quả!". Ông nói thêm: "Trong năm 2004 sẽ thêm 10 tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương (năm trước là 5 tỉnh), đó là một tín hiệu đáng mừng. Dù mức điều tiết về Trung ương chỉ là 1% như tỉnh Vĩnh Long, Tây Ninh, Long An nhưng Chính phủ nên khích lệ biểu dương lãnh đạo của các tỉnh đó. Theo tôi, trước chúng ta thay nhau xin xã nghèo, huyện nghèo thì giờ lãnh đạo các tỉnh phải biết suy nghĩ, tính toán thế nào để không cần ngân sách Trung ương mà vẫn có thể tự túc được. Có vậy mới cắt được cơ chế xin cho...".
ĐB Trần Thanh Khiêm (tỉnh Cà Mau) lại tỏ ra sốt ruột: "Chúng ta cần triệt để, không bỏ sót bất cứ nguồn thu nhỏ lẻ nào!". "Chính phủ có thể quản lý chặt chẽ các nguồn thu về đất bằng cách khai thác hiệu quả các khoản thu về đất, nhà, đấu giá về quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với những vi phạm, hạn chế dẫn đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành, địa phương, cần có biện pháp xử lý kiên quyết để năm 2004 không phát sinh nợ mới!" - ông nói.
Ông cũng đề xuất thêm: "Với Cà Mau, chỉ cần Chính phủ đầu tư đúng mức cho trên 200.000ha nuôi trồng thuỷ sản thì không phải đợi đến năm 2005 đạt 500 triệu USD mà có thể có tác dụng ngay để góp phần cho ngân sách Trung ương" (!).
Khai thác nguồn thu từ đất đai không chỉ là ý tưởng làm tăng ngân sách của riêng ĐB Khiêm, ĐB Vũ Tuyên Hoàng (tỉnh Quảng Nam) cũng kiến nghị: "Chính phủ không nên lấy ngân sách để hỗ trợ trả nợ XDCB cho công trình ngoài kế hoạch. Phải quản lý chặt chẽ hơn thị trường bất động sản để bổ sung nguồn thu. Đây là khoản thất thoát khá lớn của chúng ta trong những năm qua".
ĐB Nguyễn Lân Dũng (tỉnh Đăk Lăk) cũng nhiệt tình đóng góp thêm giải pháp: "Tôi xin phát biểu 2 ý kiến với mục tiêu làm thế nào cho cái bánh to ra. Phương án một cũng như ý kiến của các đại biểu trước - đó là tìm cách thu tiền của người bán quyền sử dụng đất. Thứ hai, cần tịch thu các nguồn tài sản bất chính. Thứ ba, Nhà nước chấm dứt nuôi doanh nghiệp thua lỗ. Thứ tư, kiểm tra nguồn chi ODA không hợp lý. Thứ năm, tích cực thu các khoản phạt của các vụ án chưa được thi hành. Thứ 6, ưu tiên các mặt hàng xuất khẩu. Thứ bảy, mở rộng phát triển du lịch. Thứ nữa là nên xem xét việc tăng học phí, vì nhiều người dân hiện nay không ngại đóng nhiều tiền mà chỉ sợ chất lượng dạy không tốt. Cuối cùng, theo ý kiến của ĐB Lân Dũng, chúng ta phải triệt để thực hiện tiết kiệm".
Đồng tình với phương án của ĐB Lân đưa ra, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) cho biết: "Nếu thực hiện nghiêm công tác thi hành án thì mỗi năm sẽ có một khoản thu hàng nghìn tỷ. Đơn cử, với các án dân sự trong năm qua, nếu thực hiện thi hành triệt để thì chúng ta có thể thu được 3.000 tỷ đồng - số tiền này có thể đầu tư cho toàn ngành y tế hoạt động trong vòng 2 năm".
Chỉ thấy xin, chưa thấy tỉnh nào dự báo "sẽ làm được"
Sau hai ngày đăng ký nhưng... hết giờ thảo luận, phát biểu về tình hình thực hiện và phương án phân bổ ngân sách, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (TP. Hà Nội) dõng dạc: "Phân bổ ngân sách cho các bộ ngành và địa phương là việc quá khó với Quốc hội, nhưng vẫn không thể không làm. Mấy ngày qua, hầu hết đại biểu đều muốn lên tiếng xin vốn cho tỉnh mình. Như vậy là tốt, nhưng làm thế là không mang tính đại cục mà chỉ mang tính địa phương. Tôi cứ thấy các tỉnh đề xuất năm sau tỉnh tôi cần cái gì, thế nhưng chưa thấy tỉnh nào dự báo 5 năm nữa tôi sẽ làm được gì, phát triển được gì".
Giải quyết thất thoát có thể đem lại cho ngân sách một khoản lớn. ĐB Đào phát biểu: "Quốc hội cần nhanh chóng thành lập một trung tâm kiểm toán của Quốc hội, kiểm toán theo kiểu của Quốc hội - tức là phải kiểm toán từng hạng mục cụ thể để loại bỏ luôn được những hạng mục không hiệu quả ngay trong quá trình thực hiện. Chứ đừng để tình trạng tiền trảm hậu tấu như hiện nay!".
ĐB Hà Nội Nguyễn Tài Lương cũng tán đồng với sáng kiến lập đơn vị kiểm toán riêng cho Quốc hội.
Phương án tiền lương có "phá sản" vì... dầu thô?
Với dự kiến thu 24.820 tỷ đồng, dầu thô sẽ là một trong những nguồn thu chính của NSNN (tổng nguồn thu NSNN dự kiến trong năm 2004 là 148.320 tỷ đồng). Theo kế hoạch của Chính phủ, kết quả thực hiện phương án cải cách tiền lương trong năm tới sẽ phụ thuộc vào nguồn thu từ bán dầu thô.
ĐB tỉnh Hà Tây Tào Hữu Phùng đã đưa ra một dự đoán khá sáng sủa: "Năm tới chúng ta sẽ tăng thêm sản lượng 0,5 triệu tấn dầu và dự kiến tính giá thu về dầu thô chỉ bằng 95,5% với với năm 2003 là không hợp lý. Theo chúng tôi, năm tới nước ta vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu từ dầu thô bằng 100% năm trước, tương đương với 26.000 tỷ đồng, thậm chí có thể tăng thêm 1.200 tỷ đồng nữa".
Tuy vậy, ĐB Phạm Quang Dự (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại thận trọng cảnh báo: "Năm 2003 chúng ta tiếp tục may mắn vì giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn giữ ở mức cao. Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay giá dầu thô cũng đã giảm khoảng 40 USD/tấn và có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Vừa qua, một thành viên của OPEC đã dự đoán, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của cả thế giới trong quý 2 năm 2004 sẽ giảm đi 2 triệu thùng/ngày, trong khi khai thác thì dư thừa mất 1 triệu thùng/ngày, chưa kể sắp tới dầu Iraq sẽ vào. Và một khi giá giảm thì việc kiểm soát sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng rớt giá thảm hại như năm 1998".
ĐB Dự cho biết thêm: "Dự kiến năm tới chúng ta sẽ tăng thêm sản lượng 0,5 triệu tấn dầu thô. Mặc dù mỏ Bạch Hổ năm nay giảm sản lượng mất 1 triệu tấn (còn 12 triệu tấn), nhưng năm 2004 chúng ta sẽ có thêm nguồn mới là mỏ Sư tử đen. Mỏ dầu này vào 13h trưa 29/10 đã cho dòng dầu đầu tiên với 3 giếng dầu. Vào năm sau, mỏ Sư tử đen có thể cho cỡ trên dưới 1,5 triệu tấn. Diễn biến giá vẫn tiếp tục diễn ra khôn lường. Trong năm 2004, nếu giá dầu rớt thì chúng tôi cũng không hiểu sẽ lấy nguồn nào để thực hiện phương án cải cách tiền lương?".
ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) cũng thẳng thắn: "Chẳng có gì là tốt nếu chúng ta cứ trông chờ thu ngân sách từ việc bán tài sản, tài nguyên của đất nước, vì tài nguyên thì cũng chỉ có hạn"...
Nói như ĐB Nguyễn Lân Dũng, "Quốc hội sẽ là người cầm dao cắt bánh". Bánh phải cắt sao cho không chỉ ai cũng có phần mà còn phải đủ no (?!). Bày tỏ sự lo lắng trước trách nhiệm lớn lao này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng như vừa trút một gánh nặng: "Do lần đầu tiên Quốc hội quyết định và công bố NSNN nên ban đầu chúng tôi rất lo lắng. Qua phát biểu của các ĐB chúng tôi đã thấy yên tâm hơn phần nào".
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc sau khi cảm ơn các đại biểu đã "thông cảm chia sẻ" cho những người làm ngân sách, ông cho biết, ngay sau kỳ họp Quốc hội kỳ này sẽ tổ chức họp triển khai ngân sách 2004 và giao ngân sách cho các bộ ngành, địa phương.
-
Lan Anh