Chung kết Hà Lan - Tây Ban Nha: Chào tân vương
Cho dù đội nào giành chiến thắng trong trận chung kết World Cup 2010 diễn ra ở sân Soccer City tại Johannesburg vào rạng sáng thứ Hai tới đi chăng nữa thì bóng đá thế giới cũng sẽ có một nhà vua mới. Một thiên đường đang mở ra trước mắt Hà Lan và Tây Ban Nha, những đội tuyển chưa bao giờ đăng quang trong lịch sử World Cup.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Trận chung kết thứ 3
Tây Ban Nha đang hướng đến lần đăng quang thứ nhất - Ảnh: Getty |
Bóng đá Hà Lan từng sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại tầm cỡ thế giới nhưng cho đến nay, xứ sở hoa tulip vẫn chưa một lần được bước lên đỉnh cao nhất ở các vòng chung kết World Cup. Cúp vàng thế giới vẫn ngoảnh mặt với “vùng đất thấp”, nơi mà độ cao trung bình của mặt đất thấp hơn mực nước biển, dù đội tuyển quốc gia nước này đã từng có mặt trong hai trận chung kết World Cup. Ở những năm 1970, thế hệ của “Thánh” Johan Cruyff và Johan Neeskens đã đưa Hà Lan đến với các trận đấu cuối cùng ở World Cup 1974 và 1978 nhưng đau đớn thay, họ đều thất bại trước các đội tuyển của nước chủ nhà.
Năm 1974, Hà Lan thua Đức (bấy giờ là Tây Đức) 1-2 trong trận chung kết ở Munich, Neeskens mở tỉ số từ chấm phạt đền ở phút thứ hai, nhưng Paul Breitner rồi Gerd Mueller đã giúp đội chủ nhà ngược dòng thành công, giành Cúp vàng thế giới lần thứ hai. Bốn năm sau, Hà Lan tiếp tục thất thủ 1-3 trước Argentina tại Buenos Aires trong trận chung kết kéo dài 120 phút. Cho dù thất bại nhưng với dàn cầu thủ chất lượng, trình diễn thứ bóng đá tổng lực có sức hủy diệt khủng khiếp do cố huấn luyện viên huyền thoại Rinus Michels dày công xây dựng, Hà Lan được ví như một “Cơn lốc màu da cam”.
Sau bao nhiêu năm tích tụ năng lượng, “Cơn lốc màu da cam” đã quay trở lại, nổi lên ở World Cup 2010 cho dù lối đá của Hà Lan bây giờ không còn giống với những gì họ thể hiện khoảng 30 năm về trước. Dưới bàn tay của huấn luyện viên Bert van Marwijk, Hà Lan không còn quá biến hóa nhưng vẫn nguy hiểm. Con đường mà Hà Lan trải qua ở World Cup 2010 không hề bằng phẳng, khi họ rơi vào bảng đấu khó khăn với Đan Mạch, Nhật Bản và Cameroon. Ở vòng 1/8, Hà Lan thắng Slovakia 2-1. Tại tứ kết, họ làm nên bất ngờ khi lội ngược dòng, thắng Brazil cũng với tỉ số 2-1. Ở bán kết, Hà Lan buộc đại diện cuối cùng của Nam Mỹ, Uruguay, phải chơi trận tranh giải ba.
Sau những gì đã thể hiện, thầy trò Van Marwijk hoàn toàn xứng đáng có mặt trong trận chung kết của World Cup 2010. Họ đang sở hữu những cá nhân xuất sắc mà đáng kể nhất là bộ đôi Wesley Sneijder và Arjen Robben, những người vừa tham dự trận chung kết Champions League giữa Inter Milan và Bayern Munich. Hà Lan không tấn công quá nhiều, nhưng nhờ vào những cầu thủ có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu mà họ đã giành được những chiến thắng còn hơn cả sự mong đợi. Sau hai lần đón hụt vinh quang, niềm hy vọng của người Hà Lan đã trở lại, khi trận chung kết World Cup mà họ tham dự không còn sự góp mặt của đội tuyển nước chủ nhà.
Cho lần đầu tiên
Nếu như Hà Lan đã ba lần có mặt ở bán kết và hai lần được tham dự trận chung kết, thì phải đợi đến giải đấu diễn ra trên đất Nam Phi, Tây Ban Nha mới lần đầu tiên lọt vào đến bán kết, rồi trận đấu cuối cùng ở một vòng chung kết World Cup. Bóng đá Tây Ban Nha đang ở trong giai đoạn cực thịnh, khi họ sở hữu giải vô địch quốc gia Primera Liga được đánh giá ở vị trí hàng đầu thế giới. Một thế hệ vàng của xứ sở đấu bò, từ thủ môn Iker Casillas, hậu vệ Carles Puyol, tiền vệ Xavi hay tiền đạo David Villa, đều đang ở trong giai đoạn đỉnh cao phong độ. Tây Ban Nha đã giành được chức vô địch EURO 2008 và bây giờ, họ cần thêm danh hiệu ở World Cup 2010 để thực sự được thừa nhận ở cấp độ châu Âu cũng như thế giới.
Không quá mạnh mẽ và bùng nổ, Tây Ban Nha chơi thứ bóng đá hiệu quả đến mức khó chịu. Honduras ở vòng bảng là đối thủ duy nhất cho đến nay tại World Cup 2010 mà Tây Ban Nha thắng với hai bàn cách biệt, 2-0. Có thêm một chiến thắng khác mà Tây Ban Nha ghi được hai bàn, 2-1 trước Chile. Còn lại, với điệp khúc 1-0, thầy trò huấn luyện viên Vicente del Bosque đã chinh phục hết mục tiêu này đến mục tiêu khác để có mặt trong trận chung kết. Họ đã lần lượt vượt qua Bồ Đào Nha ở vòng 1/8, Paraguay ở tứ kết và Đức ở bán kết, đều với tỉ số 1-0. Có khá nhiều sự thay đổi về lối chơi khi Tây Ban Nha được chuyển giao từ Luis Aragones sang Del Bosque, nhưng xét cho cùng, kết quả mà đội tuyển này giành được vẫn gần như không đổi.
Trong số 7 bàn thắng mà Tây Ban Nha ghi được, 5 bàn thuộc về Villa, giúp anh đang dẫn đầu danh sách chạy đua giành danh hiệu Chiếc giày vàng ở World Cup 2010. Hai năm trước, Villa đã góp công lớn trong việc giúp Tây Ban Nha đăng quang tại EURO 2008, sau chiến thắng 1-0 trước Đức ở trận chung kết mà chính anh đã vắng mặt vì chấn thương. Tuy nhiên, với 4 bàn ghi được trên đất Áo và Thụy Sĩ, Villa vẫn giành được danh hiệu Chiếc giày vàng của EURO 2008. Bây giờ, anh lại đứng trước cơ hội đoạt “cú đúp” cùng đội tuyển Tây Ban Nha, ở World Cup 2010. Villa và các đồng đội chỉ còn đúng một trận chung kết ở Johannesburg để biến mọi giấc mơ thành sự thật.
Đối đầu Hà Lan - Tây Ban Nha Hà Lan và Tây Ban Nha chưa từng gặp nhau ở một giải đấu lớn nào. Ở các trận đấu chính thức, họ mới gặp nhau tại vòng loại EURO 1984. Còn lại, hai đội đối đầu ở các trận giao hữu. Tổng cộng, Hà Lan và Tây Ban Nha đã gặp nhau tám lần, Hà Lan thắng bốn, Tây Ban Nha thắng ba và hòa một trận. Trong hai lần gặp nhau gần đây, Hà Lan đều giành chiến thắng trước Tây Ban Nha, ở các trận giao hữu diễn ra vào các năm 2000 và 2002. 1.753 |