Bóng đá Nam Định: Tiền ít, tình cũng không đầy
Có thể, câu chuyện mà chúng tôi kể dưới đây, không phải là nguyên nhân cốt lõi cho sự xuống dốc của bóng đá thành Nam. Nhưng cũng vì điều đó mà, hễ có cơ hội, là các cầu thủ Nam Định lại ra đi bằng được.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Duy Hoàng giờ không còn đá bóng nữa. Anh làm một công việc chẳng liên quan gì tới bóng đá đã được hơn 1 năm nay. Đáng ra thì Hoàng không phải chia tay với bóng đá sớm đến thế, anh vẫn chưa tròn 30. Và đáng ra, Hoàng có thể đã là một chỗ dựa cho các cầu thủ trẻ, chiến đấu cho sự sinh tồn của đội bóng.
Nhưng, ước muốn được chơi bóng ở Nam Định của Duy Hoàng đã bị chính đội bóng khước từ. Hoàng khi rời Nam Định, chơi ở HAGL đã bị chấn thương đầu gối.
Những cuộc phẫu thuật ở Thái Lan (tiền do bầu Đức chu cấp) giúp cựu trung vệ của U-23 Việt Nam (SEA Games 2003) hồi phục ít nhiều và anh muốn trở về Nam Định vừa tập trở lại, vừa chơi bóng dựa trên kinh nghiệm của chính mình.
Nam Định không muốn trả bất cứ xu nào cho Duy Hoàng, trong khi đề nghị của anh không phải là tiền chuyển nhượng, mà chỉ cần 1 mức lương như các cầu thủ khác.
Đức Dương (trái) chưa khẳng định được nhiều ở XM.HP mùa này nhưng hẳn cũng không bao giờ hối hận vì quyết định chia tay Nam Định. Ảnh: V.S.I
Kết cục là Hoàng chia tay hẳn với bóng đá. Anh không nghĩ là môn thể thao này, và chính mảnh đất mà anh gắn bó, lại bạc đến thế.
Xuân Phú, Đức Dương, Quang Huy khi đã trở thành người của Xi măng Hải Phòng rồi, vẫn chưa hết ấm ức vì việc họ ra đi cùng 4 cầu thủ khác ở cuối mùa năm ngoái mà CLB vẫn còn chưa trả hết tiền thưởng và lương tháng cuối.
CLB Nam Định nói, họ cho phép các cầu thủ ra đi sớm (khoảng 3 tháng) mà không đòi hỏi các cầu thủ tiền đền bù, nên đó chính là sự bù đắp tương xứng, rất fair.
Nhưng, các cầu thủ Nam Định lại khẳng định, việc họ ra đi sớm đã có CLB mới đền bù, còn việc họ bị quỵt lương và thưởng là chuyện hoàn toàn khác. Hơn nữa, họ còn tiết lộ một chi tiết khá giật mình, là tất cả các cầu thủ đã thỏa thuận đánh đổi tiền ra đi sớm ấy với việc CLB đã không đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho họ (với tư cách là người lao động).
Thậm chí, họ còn bảo, các cầu thủ đáng ra đã hết hợp đồng từ cuối năm 2008, nhưng chấp nhận chơi thêm 1 mùa miễn phí (không lấy tiền lót tay), để tri ân với nơi đã đào tạo họ nên người, đã cho họ một cái nghề.
Văn Sỹ rời Nam Định trong sự ầm ĩ từ những tranh cãi về việc đội bóng không cho anh đi tập trung cùng với các cựu tuyển thủ đá giao hữu với các cựu tuyển thủ Pháp vô địch TG năm 1998-ước nguyện hoàn toàn chính đáng.
Sau đấy, anh về với Ninh Bình như thể trốn chạy khỏi thành Nam. Giờ thì cả gia đình anh đã chọn Ninh Bình làm nơi sinh sống, chứ không phải Nam Định, dù anh đã có một ngôi nhà khang trang nằm cách sân Thiên Trường chỉ chục bước chân.
Megastar Nam Định (đỏ) gần như mất phương hướng ở mùa giải năm nay. Ảnh: Đức Anh
Người Nam Định vẫn cứ mỉa mai những người bỏ xứ ra đi, hầu như không có ai thực sự thành danh ở những CLB mới. Họ tin rằng, chỉ có ở Nam Định, thì các cầu thủ mới có thể thành tài và thành danh.
Trung Kiên thất bại ở TMN.CSG. Lương Phúc lang bạt hết Huế rồi lại HPHN. Thế Hiếu chôn vùi tên tuổi ở Quảng Ninh. Quang Minh sang Ninh Bình rồi mất hút. Văn Nhiên ở HAGL không còn được gọi lên tuyển.
Nhưng, kể cả khi những bậc đàn anh thất bại trong việc chinh phục những thách thức mới, thì các cầu thủ còn ở lại Nam Định vẫn muốn ra đi. Vụ 8 cầu thủ Nam Định chia tay cuối mùa trước là như thế.
Vì ra đi đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ sẽ được đảm bảo hơn, được chơi bóng trong những môi trường có tính cạnh tranh và tham vọng cao hơn. Có thể chưa thành công, nhưng không có nghĩa là những thế hệ tiếp sau sẽ đi vào lối mòn.
Đức Dương là trụ cột ở XMHP. Trọng Lộc giờ là nhạc trưởng tuyến giữa HPHN. Ngọc Lung được chơi thường xuyên trong màu áo Ninh Bình. Khương Quốc Tuấn bắt đầu hòa nhập ở ĐTLA.
Và điều quan trọng nhất, trong số họ, không ai phải xuống hạng và cũng không ai mang tiếng là “chuột nhảy khỏi tàu”.
(Theo TTVH)