Đội hình tiêu biểu lượt đi V-League 2010: Đà Nẵng áp đảo
- Một nửa chặng đường V-League 2010 đã để lại những gương mặt tương đối ấn tượng, dĩ nhiên, thuộc quyền sở hữu của những đội bóng có thành tích tốt như Đà Nẵng, HN T&T hay Bình Dương... Lựa chọn của Thể thao VietNamNet về đội hình tiêu biểu lượt đi.
>> V-League 2010: Xong một nửa!
Thủ môn: Brasnic (SLNA)
V-League đang chứng kiến sự trở lại của trào lưu dùng thủ môn ngoại, trong đó Brasnic được coi là bản hợp đồng giá trị nhất. Có Brasnic trong khung gỗ, SLNA là đội ít thủng lưới nhất sau lượt đi (chỉ 11 bàn thua). Điều đáng nói là gần một nửa số bàn thua đó, Brasnic chia sẻ với đồng đội Đức Thắng, khi SLNA cần tập trung ngoại lực cho việc tấn công.
Hậu vệ:
Võ Hoàng Quãng (Đà Nẵng):
Tuyển thủ quốc gia và U-23 này đã trưởng thành rất nhanh trong đội hình Đà Nẵng. Ở một mùa giải mà Đà Nẵng phải căng sức ra đấu trên 3 mặt trận, với quân số chấn thương lên đến 3/4 lực lượng thì sự ổn định của Hoàng Quãng thực sự là một món quà vô giá.
Châu Lê Phước Vĩnh (Đà Nẵng):
Không được coi là trung vệ thép, bởi dáng vóc mảnh khảnh và lối chơi có phần công tử, nhưng Phước Vĩnh lại là cầu thủ đeo bám hiệu quả nhất V-League. Phước Vĩnh chơi khá giống Như Thành, nhưng anh quyết liệt hơn trong những thời điểm cần thiết trước vòng cấm của đội nhà.
Cristiano (HN T&T):
Cựu cầu thủ Benfica tuy đã ở bên kia sự nghiệp nhưng trong một môi trường như V-League, anh vẫn là một trung vệ đẳng cấp. Từng đá cho HN T&T ở hạng Nhất trong vai trò tiền vệ trụ, nhưng khi gánh suất trung vệ, Cristiano mới phát huy hết khả năng.
Không chỉ cản phá tốt, phán đoán tinh tế, hỗ trợ cho thủ thành Hồng Sơn rất nhiều trong khâu chống bóng bổng, Cristiano còn rất nguy hiểm trong những lần lên tham gia tấn công với khả năng sút xa. Anh đã từng ghi bàn vào lưới Bình Dương.
Cao Xuân Thắng (SLNA):
Ở SLNA, Xuân Thắng không phải người có tiếng nói quan trọng nhất, (người đó là Huy Hoàng), nhưng anh lại là cầu thủ đa năng và có nhiều đóng góp âm thầm. Đầu mùa giải, Xuân Thắng và Huy Hoàng tạo thành cặp trung vệ nội chém đinh chặt sắt.
Sau đó, khi Helio hoàn tất thủ tục nhập tịch, Xuân Thắng dạt sang đá biên. Anh có nhiều cơ hội tham gia tấn công hơn, dù khả năng tốt nhất của anh chỉ là tạt bóng. Với cách chơi lăn xả đậm chất Nghệ, Thắng "đầu bò" cùng ê kíp phòng ngự SLNA tạo nên một hàng thủ bền vững nhất lượt đi.
Tiền vệ:
Nguyễn Vũ Phong (Bình Dương):
Không phải lúc nào cũng được đá tiền vệ cánh sở trường, nhưng Vũ Phong luôn biết cách chơi tròn vai trở lên. Anh là nhân tố không thể thiếu, dù cầm quân ở Bình Dương là HLV Mai Đức Chung hay Đặng Trần Chỉnh.
Vũ Phong mùa này không sút xa hiệu quả như trước, nhưng bù lại, khả năng khoan phá của anh đã được cải thiện đáng kể. Từ một khởi đầu bết bát, Bình Dương đã vượt qua khó khăn để có mặt trong Top 3, đó là chiến công của những chú ong thợ như Philani, Anh Đức, Trường Giang, và đặc biệt là quả bóng Bạc Vũ Phong.
Leandro (Hải Phòng):
Hải Phòng chơi không xuất sắc ở lượt đi, nhưng Leandro là ngoại lệ. Có anh ở trên sân là có những trò tiểu xảo và cả những khoảnh khắc thăng hoa.
Dù Hải Phòng có mua về hàng loạt cầu thủ chất lượng như Aniekan, Đinh Hoàng Max, Lazaro... nhưng Leandro vẫn là linh hồn của đất Cảng. Mặc dù vậy, sự phụ thuộc quá nhiều vào Leandro đã khiến lối chơi của Hải Phòng rất dễ bị bắt bài.
Nguyễn Rogerio (Đà Nẵng):
Tàu con thoi ở khu trung tuyến. Cầu thủ đã được nhập tịch này chơi bóng như người không phổi suốt 4 năm qua mà không hề có dấu hiệu tuổi tác. Anh là cầu nối không thể thiếu trong tất cả các phương án công và thủ của Đà Nẵng. Giai đoạn cuối lượt đi, khi Rogerio bị chấn thương và đá không đúng sức, Đà Nẵng cũng vô cùng chật vật.
Huỳnh Quốc Anh (Đà Nẵng):
Trong số những cầu thủ trót "dính chàm" từ scandal SEA Games 23, Quốc Anh là người tu chí nhất và quyết tâm làm lại nhất. Quốc Anh chưa thể trở lại là chính mình thời đỉnh, nhưng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam thiếu những chân chạy biên đẳng cấp thì sự nỗ lực, cần cù đủ đưa Quốc Anh vào danh sách tiêu biểu lượt đi.
Tiền đạo:
Vidovic (SLNA):
SLNA chỉ là một đội bóng nằm nhóm giữa, nhưng họ sẽ không thể có được vị trí ấy nếu thiếu chân sút Vidovic. Cầu thủ có cái đầu trọc này ghi được 6/17 bàn và tham gia làm bóng trong hầu hết những bàn còn lại. Vidovic không uyển chuyển, thanh thoát, nhưng kỹ năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp của anh vẫn rất đáng nể.
Merlo (Đà Nẵng):
Lựa chọn Gaston Merlo trong đội hình tiêu biểu là việc đương nhiên, bởi anh ghi đúng một nửa số bàn thắng cho đội vô địch lượt đi (11/22 bàn). Nói về Merlo chỉ có thể dùng hai chữ: toàn diện. So với mặt bằng chung của bóng đá Việt, các hậu vệ, kể cả ngoại binh, không ai có khả năng một chọi một với Merlo.
HLV: Phan Thanh Hùng (HN T&T)
HN T&T giàu nhưng lực lượng không phải là mạnh nhất. Đã thế, họ lại còn thường xuyên mất quân vì thẻ phạt hoặc chấn thương, mà trường hợp của những Công Vinh, Benicio... là minh chứng.
Trong bối cảnh ấy, sự xoay sở của HLV Phan Thanh Hùng mang ý nghĩa rất lớn lao. Ông Hùng bị coi là người quá lành, nhưng ông cũng dần thay đổi cá tính của mình theo chiều hướng thích nghi và... được việc. HN T&T rất hay ghi được những bàn thắng quan trọng về cuối trận, và đó là cái duyên thay người của ông Hùng.
Mặc dù vậy, để hoàn thành tâm nguyện leo cao của bầu Hiển, ông Hùng cần phải giải quyết triệt để ở giai đoạn hai tình trạng thua những trận lãng xẹt trên sân khách. Khi ấy, HN T&T mới là một đội bóng lớn và Phan Thanh Hùng mới là một học trò ưu tú thực sự của Calisto.
-
Thể Thao VietNamNet