Cầu thủ nhập tịch vẫn là... ngoại binh: Họ nói gì?
Quy định mỗi CLB chỉ được cho ra sân một cầu thủ nhập quốc tịch ở một trận đấu khó trở thành hiện thực, ít ra ở mùa giải 2010.
>> Giới hạn cầu thủ nhập tịch: Rối!
Chưa áp dụng ở mùa giải 2010
Mặc dù là người trực tiếp chủ trì Hội thảo về vấn đề cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch vào cuối tuần trước nhưng Phó chủ tịch LĐ phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn đã cương quyết từ chối trả lời phỏng vấn vì bận việc chuẩn bị 50 năm ngày thành lập Trung tâm HLTT Hà Nội (nơi ông Viễn làm giám đốc).
Huỳnh Kesley (áo xanh) cho rằng, việc những cầu thủ như anh có mặt làm cho V-League cạnh tranh gay gắt hơn chứ không bất lợi. Ảnh: V.S.I |
Cũng có thể ông Viễn bận thật mà cũng có thể ông ngại đăng đàn vì vấn đề cầu thủ nhập tịch hiện được coi là khá nhạy cảm.
Cũng vì nhạy cảm mà một số quan chức khác của LĐ tuy đồng ý trả lời nhưng đều đề nghị được giấu tên. Một quan chức lãnh đạo cấp cao của LĐ cho biết:
Chúng tôi sở dĩ cũng chưa mời đại diện của các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tư pháp hay Văn phòng Chính phủ đến hỏi ý kiến, vì muốn có những động thái tham khảo về mặt chuyên môn trước xem các CLB thấy thế nào, ích lợi hay không ích lợi nếu chỉ cho một cầu thủ nhập tịch ra sân".
Một thực tế hiện nay là bức tranh cầu thủ nhập tịch ở VN không hoàn toàn sáng sủa mà cũng có những góc khuất thiếu tích cực. Thường những người nhập tịch đều xuất phát từ tình yêu VN, coi VN là quê hương thứ hai và muốn sinh sống lâu dài tại VN, xây dựng gia đình và có con cái ngay ở VN.
Còn cầu thủ, đã xảy ra trường hợp trên thực tế, nhập tịch xong, không đá bóng được nữa, không thích nữa là lại đi. Tại hội thảo, rất nhiều CLB đã nói lên vấn đề này. Tất nhiên, cũng có một vài CLB đưa ra những ví dụ về cầu thủ nhập tịch đã đem lại hình ảnh tốt như Kesley, Hoàng Max, Hoàng La...
Hơn nữa, chúng tôi cũng đang lường trước được việc CLB này có vài cầu thủ nhập tịch nhưng khi không sử dụng nữa lại chuyển nhượng cho CLB khác cũng đã có sẵn vài cầu thủ nhập tịch.
Và hậu quả là cùng lúc cho ra sân quá nhiều cầu thủ nhập tịch, rất bất lợi cho bóng đá VN. Thế nên, việc nhập tịch cầu thủ không phải chức năng, quyền hạn của LĐ mà của Nhà nước và một số bộ ngành có liên quan.
Tuy nhiên vì là nơi quản lý bóng đá VN nên LĐ cũng phải xin phép để đưa ra tiếng nói riêng. Chẳng hạn như cầu thủ muốn nhập tịch phải có tuổi đời còn trẻ và có đóng góp nhất định cho bóng đá VN”.
Khi được hỏi, LĐ sẽ áp dụng ngay chủ trương hạn chế cầu thủ nhập tịch ra sân ngay mùa giải 2010, vị quan chức cấp cao này nói rằng, việc hạn chế này chưa áp dụng ở mùa giải tới mà LĐ còn phải xin chỉ đạo từ Chính phủ.
Một quan chức khác ở cấp điều hành cho hay, LĐ sẽ có những quy chuẩn khắt khe hơn cho những cầu thủ muốn nhập tịch để trình lên Chính phủ, ngoài việc họ phải thỏa mãn những tiêu chí chung của công dân nước ngoài được nhập quốc tịch VN thì những cầu thủ muốn nhập tịch phải dưới 25 tuổi và còn phải có tài năng hoặc có nhiều đóng góp cho bóng đá VN.
Riêng với những cầu thủ ngoại nhưng mang dòng máu VN như Đặng Văn Robert (bố người Việt, mẹ người CH Czech, đã nhập tịch VN vào đầu năm 2009) hay Lee Nguyễn người Mỹ gốc Việt, sẽ “được coi là cầu thủ nội”.
Cầu thủ nhập tịch, họ nói gì?
Huỳnh Kesley (Bình Dương): Tôi đã sống khá lâu ở VN, đã lấy vợ người VN và có cậu con trai mang dòng máu VN. Hãy nhìn bóng đá VN, sự có mặt của cầu thủ ngoại hay cầu thủ nhập tịch như tôi đã khiến cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn và các cầu thủ nội buộc phải cố gắng hơn nếu muốn được thi đấu.
Điều đó có lợi chứ không có hại gì cả. Việc gọi cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển cũng tương tự như vậy. Sẽ không hợp lý khi chúng tôi đã là cầu thủ nội mà lại bị khống chế.
Thủ môn Đinh Hoàng La cho rằng, 3 cầu thủ nhập tịch trong đội hình mỗi CLB không phải là vấn đề lớn. Ảnh: Đức Anh |
Đoàn Văn Nirut (HA.GL): Tôi đã sống ở VN 6 năm, có rất nhiều bạn thân là người Việt và tôi luôn nỗ lực học tiếng Việt để hội nhập với quê hương mới của mình. Hiện giờ, tôi có thể nói chuyện bằng tiếng Việt rành rẽ với bất kỳ người VN nào. Tôi cũng luôn thực hiện mọi nghĩa vụ và quyền lợi như bao người VN khác.
Tôi rất mong muốn VFF xem xét kỹ lưỡng lại vấn đề, để chúng tôi mỗi khi bước ra sân không tự thấy mình như là một công dân hạng hai và luôn nỗ lực phấn đấu, đóng góp cho bóng đá VN. Ở Thái Lan, có nhiều người Việt nhập tịch và họ cũng được đối xử công bằng như một công dân Thái, không hề bị Chính phủ Thái Lan hạn chế bất cứ điều gì.
Đoàn Văn Sakda (HA.GL): Lương của tôi ở CLB HA.GL khoảng 50 triệu đồng/tháng, hằng tháng tôi đều đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ và tôi luôn ý thức phải hòa nhập với quê hương thứ hai của mình. Nếu VFF hạn chế những quyền lợi đầy đủ của một công dân VN thì quả thật đó là một sự tổn thương rất lớn cho những người đã nhập tịch như chúng tôi.
Đinh Hoàng La (Ninh Bình): Khi đã quyết định cho cầu thủ nhập tịch thì CLB cũng đã suy tính rất kỹ và cầu thủ đó cũng phải có chất lượng thì mới được nhập tịch. Không thể có chuyện tôi hoặc Max, một trong hai người phải ngồi ngoài khi phong độ đều tốt. Hồi không được gọi trở lại đội tuyển VN, tôi cũng đã thắc mắc và cảm thấy LĐ rất bất công trong chuyện này.
Đinh Hoàng Max (Ninh Bình): Tôi vừa đi Campuchia về thì được nghe tin không vui này. Với tôi, 3 cầu thủ ngoại cộng với nhập tịch thi đấu không phải là vấn đề lớn. Tôi đã là người VN và muốn cống hiến cho bóng đá VN. Nếu tôi bị coi là “ngoại binh” và không được thi đấu sẽ là thiệt thòi lớn cho những ai đã yêu mến VN và quyết tâm nhập tịch như tôi.
Phan Văn Santos (Ninh Bình): Tôi cảm thấy chạnh lòng nếu đây là quyết định cuối cùng của VFF. Tôi đã vất vả lắm mới thuyết phục được gia đình của mình cho tôi nhập quốc tịch VN. Việc hạn chế này như sự tước đoạt quyền được lao động chính đáng với những cầu thủ nhập tịch như tôi.
(Theo TNO)