,
221
10683
World Cup 2010>Thư nam phi
thunamphi
/thethao/thunamphi/
1291726
Kí sự Nam Phi: Ở nơi tất cả gọi nhau là “darling”
1
Article
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

Kí sự Nam Phi: Ở nơi tất cả gọi nhau là “darling”

Cập nhật lúc 11:30, Thứ Sáu, 09/07/2010 (GMT+7)
,
“Darling ư?”. Tôi đã mỉm cười tự hỏi mình như thế khi nghe đến tên của thị trấn nhỏ ấy lần đầu tiên trên đường tàu đến Cape Town. Nhưng tôi không tự đặt ra bất cứ câu hỏi nào nữa khi đến cái nơi nhỏ bé và yên bình cách Cape Town một giờ xe chạy này nữa. Phải, ở nơi có cái tên dễ thương nhường ấy (Darling nghĩa là “cưng”, “người yêu thương”, “đáng yêu”), ai cũng cảm thấy mình là một “darling”.

 
TIN LIÊN QUAN
 
/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif
 

 Được “darling”, ở nơi có tên gọi Darling
   
Ở cái thị trấn mà con đường dẫn vào đẹp đến ngỡ ngàng mà bình dị ấy, người ta không gọi những ai đến thăm là “you” (bạn) mà là “darling” (cưng). Ừ, “darling”, như tên của cái nơi nhỏ bé có vài con phố nhưng đáng yêu đến mức một nhà văn Nam Phi đã gọi đấy là “cái góc nhỏ đáng yêu nhất thế giới” (the most Darling corner of the world).

Darling ngay từ cửa ngõ của thị trấn, cách đấy 5 cây số, với tấm biển chào du khách. Darling từ cách mà 4 bà già đi nhờ xe đã gọi tôi ngay khi họ bước lên chiếc xe taxi cà tàng mà tôi thuê chạy từ Cape Town. Cái tên ấy dường như có vẻ quá hợp đối với không khí tỉnh lẻ của một thị trấn nằm cách xa đường quốc lộ, giữa những núi đồi trùng điệp và vườn nho làm rượu chạy đến hết chân trời.

Con đường nhựa chạy hết lên lại xuống như sắp bước vào trong mây bỗng nhiên trở nên xa lạ với cái không khí rất hợp với chất Viễn Tây của thị trấn, với những con phố ngắn cũn cỡn, những cửa hàng thấp và nhỏ nhưng được xây rất đẹp theo kiểu Hà Lan, những biển hiệu đâu đâu cũng thấy chữ “darling” và “Hello darling” (chào người yêu dấu) như mở lòng với tất cả.

Đúng là chất Viễn Tây như của những năm 1860, chỉ thiếu những tửu quán với cửa xoay bằng gỗ, những người cao bồi cầm súng colt và những con ngựa buộc dây ở ngoài cửa. Nhưng ở Viễn Tây, khi những đoàn người xe kéo nhau đi tìm vùng định cư mới hay náo nức đi tìm vàng, khi người ta dẫm đạp lên nhau để kiếm tìm vận may và tài lộc, có mấy ai gọi nhau là “darling”?

Mô tả ảnh.
Biển chỉ dẫn đến thị trấn Darling.
Một chiều mùa đông Nam Phi, tôi tò mò và thích thú tột độ khi biết có nơi mang tên Darling và tôi đến đây để nghe người ta gọi bất cứ ai đến thăm họ là “darling”. “Darling” theo kiểu của dân uống rượu ngồi với nhau trong cùng một quán. Vùng rượu nho nổi tiếng của Nam Phi chạy dài qua mảnh đất này. Những vườn nho cho thứ rượu hảo hạng được trồng ở nơi đây, mà cảm giác đầu tiên khi đến một hầm rượu của Darling là “chao ôi, mình thích nằm dài dưới một họng rượu, nhắm mắt và há mồm ra để rượu đổ ập vào ồ ạt”. “Darling” theo kiểu bà chủ quán ăn nổi tiếng “Marmelade Cat” gọi các thực khách đến ăn và đến mua hàng thủ công mỹ nghệ trong một không gian đậm chất jazz và những bản nhạc dìu dặt mang âm hưởng của New York những năm 1940, như “As time goes by” trong phim kinh điển “Casablanca”.

“Darling” như chị mèo lười mang tên “Marmelade” (bà chủ Sandi Collins đặt tên quán của mình theo tên con mèo ấy đúng lúc nó bước vào quán khi bà đang trang trí để chuẩn bị khai trương). “Darling” như những bức tranh hay các tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ sĩ ở đây đã thực hiện và chất đầy trong gallery nghệ thuật của thị trấn, như lễ hội hoa mùa xuân tổ chức hàng năm vào tháng 9, một dạng hội hoa Keukenhoff của Nam Phi. “Darling” như các biển báo nhà nghỉ, quán ăn, rạp hát, hiệu thuốc, bến xe và sự thân thiện của những người dân sống trong một thị trấn mà phong cách của nó đặc sệt dân dã. “Darling” không phải chỉ vì thị trấn được đặt theo người đã lập ra nó vào năm 1853 có tên Henry Darling, mà vì nó thực sự “darling”. Darling vì ở đây không có World Cup, darling vì có Evita se Perron. Trên thực tế, Evita se Perron, hay Evita Bezuidenhout, chính là Darling và “bà” cũng rất darling.

Darling, vì có Evita
   
Evita Bezuidenhout, người tự cho mình là phụ nữ da trắng nổi tiếng nhất Nam Phi, không chờ được tôi khi tôi đến Darling trễ mất nửa tiếng. Bà đi có việc và hẹn gặp lại tôi trong buổi diễn tiếp theo của bà ở nhà hát nhỏ mang tên Evita se Perron, nơi bà sẽ diễn vở kịch trào phúng đả kích Blatter, FIFA và World Cup có tên “FIFA Fo Fum”.

Evita từng bảo, ở Darling không có World Cup và triết lí của người dân nơi đây là không thích sự ầm ỹ và náo nhiệt của World Cup lan tới làm phá vỡ cuộc sống nơi này. Phải, bóng đá vẫn phải diễn ra ở một nơi nào đó. Đấy là việc của sân cỏ. Ở nơi này, khi màu xanh không có cái vị ngai ngái của cỏ mà thơm mát của những vườn nho, màu vàng và đỏ không phải màu của những chiếc thẻ mà trọng tài rút ra mà là màu của nắng và đất đồi, thì World Cup hẳn là một cái gì đó quá xa lạ. Con mèo nổi tiếng của thị trấn có tên Marmelade có lẽ tin điều đó.

Những con mèo ngồi sưởi nắng trước mái hiên của bảo tàng Evita se Perron cũng thế. Một điều tiếc nuối lớn lao cho tôi khi không gặp được nhân vật nổi tiếng Nam Phi và thế giới, người đã làm cho Darling trở nên nổi tiếng và “darling” như hiện tại, người đã nhờ một cú lạc đường qua đây vào năm 1995 mà yêu cái thị trấn này, ở lại, mua một sân ga bỏ hoang, xây dựng một nhà hát nhỏ và tạo nên cho mình một cái tên gắn với Darling.

Nhưng tại sao lại “Evita se Perron”, mà không phải Evita Peron, như tên của vị đệ nhất phu nhân nổi tiếng trong lịch sử Argentina, nổi tiếng đến mức có những vở kịch và phim về bà? “Se Perron”, trong tiếng afrikaans nghĩa là “ở sân ga”. Evita Bezuidenhout đã mua lại sân ga có tấm biển cũ kĩ màu vàng đề “Darling” để làm nơi lập nghiệp, và người diễn viên kịch ấy đã ngày càng trở nên nổi tiếng hơn với những vở hài kịch châm biếm hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia Nam Phi và thế giới từ cái nhà hát nhỏ bé không lúc nào thiếu ánh sáng đèn của mình. Evita cũng không tha cả Nelson Mandela!

Mô tả ảnh.
Ở đâu cũng có Darling.
Trên thực tế, Evita ấy là ai? Một nửa đàn bà là đàn ông. Evita thực chất là một nam nghệ sĩ có tên thật Pieter-Dirk Uys (đọc là “Ace”), người từng nổi tiếng chống apartheid từ những năm 1970. Ông không thích và chỉ trích World Cup, nhưng ông ủng hộ đội Bafana Bafana. Ông tài trợ cho đội bóng địa phương có tên New Tigers và phát triển chất hài của mình qua những vở diễn với nhân vật chính luôn là Evita se Perron. Những bức ảnh của ông dán trên tường cho thấy Uys dường như đã chịu ảnh hưởng của nhân vật Bà Doubtfire trong bộ phim cùng tên của Hollywood. Một người đàn ông bị vợ “hắt hủi” đóng vai nữ bảo mẫu để gần gũi với các con, qua đó giành lại tình yêu của mình. Uys không giành lại điều gì hết, ngoại trừ việc khiến Darling trở nên nổi tiếng và đáng yêu hơn.

Mà hình như kiểu nam đóng nữ to béo và đeo kính theo kiểu bà Doubtfire đang là mốt ở Nam Phi. Ở Durban, trong suốt thời gian World Cup, một nam nghệ sĩ khác là Ben Voss đã hóa thân mình vào một nhân vật nữ to béo ục ịch. Cũng hài hước, cũng chỉ trích sâu cay World Cup, trong một thể loại kịch mà trước đây thuộc về người da đen. Người ta bảo, Ben Voss đang thể hiện sự thay đổi trong xã hội Nam Phi, khi là người da trắng đầu tiên thủ vai trong một thể loại kịch da đen.
   
Tôi chụp ảnh với tấm biển nhà ga cũ từ thế kỉ 19 có tên “Darling”, bên cạnh một chú mèo vàng khó tính của Evita se Perron. Tấm biển vàng óng theo ánh nắng chiều. Chiếc xe rời Darling với một vệt cầu vồng phía sau lưng và để lại một câu hỏi trong tủm tỉm cười, “Rời khỏi cái nơi tuyệt vời darling này, còn có người không quen biết nào gọi mình là “darling”?

(Theo Thethaovanhoa)

Nam Phi có Darling, có cả My Darling...

Những ngọn núi cao vút, những cánh rừng xanh thẳm và những con đường gập ghềnh như gợi nhớ cái chất nhạc sâu lắng của Beatles trong “The Long and Winding Road” sẽ dẫn ta đến rặng núi Blouberg ở tỉnh Limpopo, phía bắc Nam Phi. Và ở đó, trong ngỡ ngàng của tất cả, hiện ra một thị trấn nhỏ có tên “My Darling” (người thương của tôi). Không có gì nhiều để ngắm ở đó, ngoài những rặng núi xanh phía trước trong mờ sương mây. Không gì nữa, ngoài sự lãng mạn của núi rừng ở đó. Lãng mạn và đẹp biết bao, những cái tên tôi tìm thấy trong hành trình Nam Phi vạn dặm.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,