Bóng chuyền VN, lời cảnh báo...
- Kết thúc Vòng 1 giải VĐQG môn bóng chuyền và Cúp Đức Long lần thứ nhất, dù có những nét vui nhưng sân chơi bóng chuyền Việt Nam (BCVN) để lại nhiều dư âm buồn và lo lắng cho người hâm mộ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Lưu.
1. Khơi nguồn
Năm 2010 là năm Đại hội TDTT toàn quốc và TTVN sẽ tham dự ASIAD Quảng Châu với sự hiện diện của 2 đội tuyển BC nam, nữ; điều đó có nghĩa những người làm BCVN tất phải có cái nhìn nghiêm túc vào mọi hoạt động tập huấn, thi đấu để góp phần vào đó, ở cấp CLB, địa phương hay quốc gia.
"Đâu là nét mới"???
Tiếc thay, bộ máy Liên đoàn BCVN khóa mới dù làm việc năng nổ và trách nhiệm song hiệu quả chưa cao nếu nhìn lại những gì đã diễn ra ở 2 bảng A, B trên sân bãi Tây Nguyên trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua.
Vòng 1 giải VĐQG đã khép lại. Câu hỏi “đâu là nét mới?” rất khó có câu trả lời.
Thứ tự ở vòng 1 có thay đổi, 4 đội bóng tạm dẫn đầu là Tràng An.Ninh Bình, Thể Công, Hoàng Long-Long An (nam), THVL. Bộ Tư lệnh TT, Bình Điền Long An, Giấy BB (nữ) và đã không còn 2 cái tên quen thuộc là V.Thái Bình và Ngân hàng Công thương.
Đã có người nhanh nhẹn nêu sự khởi sắc của 2 đội nữ Giấy Bãi Bằng và TH Vĩnh Long khi họ có mặt ở Đức Long Cup và sau đó THVL lên ngôi, chúng tôi cho rằng chưa phải. Nếu nói Vòng 1 xuất hiện nét mới nào đó về chuyên môn để BCVN có thêm hy vọng mới e càng chưa đúng và để hướng về phía trước, thiết nghĩ nên mạnh dạn nhìn thẳng vào mấy vấn đề sau.
2. Mất phiên hiệu & Sự chững lại của một lớp cầu thủ
Dễ thường đã quen, việc các thứ hạng cao ở BC không còn là những đại gia như Seaprodex, Quảng Ninh, Hàng không Việt Nam trước đây hay Sansnet Khánh Hòa, Quân đoàn 4, Thể Công của hôm nay.
BTLTT (áo đỏ) đang chững lại. Ảnh: Quang Thắng
Giải nữ, NHCT xem như đã chấm dứt thời oanh liệt sau khi Hà Thu Dậu chuyển thành nữ HLV, ở CLB V.TB là nét mệt mỏi của Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười, 2 trung tâm lớn là HN và TP.HCM vẫn tụt hậu và không còn những tên tuổi lẻ loi nào được mời chào như xưa.
Tại Long An, chấn thương của Ngọc Hoa kéo lùi cả khí thế của các cô gái BC ở ĐBSCL đến nỗi thi đấu thê thảm trước đàn em THVL chơi xuất thần và bị thua xứng đáng đến 2 lần.
Riêng ở BTLTT, là một trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu của BCVN (nữ), sự trở lại của Kim Huệ chỉ được vài trận đầu, cặp chủ công Phạm Yến và Đỗ Thị Minh tỏ ra bất ổn, nhất là Minh.
Trong khi đó thì chuyền hai lão luyện Đặng Thị Hồng ở CLB Dầu khí được HLV ngoại cho ngồi ngoài nhìn đàn em Thu Trang rèn tay nghề (!) thành thử giải nữ đã bộc lộ mặt bằng rất thấp về chuyên môn.
Rất đáng chia sẻ khi nhìn thấy nhiều cựu binh lớn tuổi vẫn phải xuất trận, chẳng hạn những Kim Thoa (1971), Thu Dung (1975), Trần Thị Hiền và Bé Tư, hay Hồng Huy (1973) hoặc Thanh Tùng, Thu Phương, Ôn Văn Luân và mấy gương mặt khác.
Giải nam, đáng lo nhất là Thể Công, đã có thể thay thế các cầu thủ Minh Dũng, Duy Quang, Văn Thành, là lớp trẻ nhiều tiềm năng như Phương, Hưng và Quân và Anh Tuấn tuy nhiều tiến bộ song xâu chuỗi lại thấy họ thiếu tiếng nói chung, họ dư thừa khát vọng nhưng thiếu thời gian để tiếp tục thể hiện mình.
Ở thành phố biển Nha Trang, ngôi sao Ngô Văn Kiều vừa bị quá tải và khá cô đơn về chuyên môn, S.KH đã không còn giữ được phong độ và buộc phải lui xuống một bậc. Các đội QK7, QĐ4, thấp thoáng vẫn thấy các cựu thần phải mệt mỏi vật lộn mà chưa giúp lớp trẻ được là bao.
Trong khi đó, đội bóng giàu chất lính là S.BP vẫn chỉ lấy sức mạnh là chủ yếu và có lẽ chỉ CLB HL.LA có thể khiến người xem hài lòng vì bước đi khá chỉn chu của họ ở mấy mùa qua.
Vì thế chỉ HL.LA là đối thủ xứng đáng với TA.NB, cuộc chơi vừa qua là cuộc so đọ giữa một cách làm BC khá bài bản, dựa hẳn vào nội binh, đối chọi lại một nước đi táo bạo nhiều toan tính với sự hỗ trợ của sức mạnh tài chính và chiến thắng đậm đà 3-0 của HL.LA trước TA.NB trong trận CK Cúp Đức Long đã có thêm ý nghĩa để chúng ta cùng suy ngẫm.
3. Cảnh báo về lối chơi
Sự lạc hậu về lối chơi là điều dễ thấy nếu nói đến 2 đội tuyển của BCVN. Không chỉ vì thứ hạng thấp của họ ở FIVB (nữ hạng 40, trong khi Thái Lan hạng 12; nam hạng 61 khi Indonesia và Thái Lan là 28 và 49), vì đó là sự tụt hậu của các đội mạnh nhất hay ở đội tuyển thì cũng thế mà cụ thể là SEA Games 25, đội nam thua cả Myanmar không thuộc Top 100 của FIVB. Tuy nhiên, sự lạc hậu ở lối chơi nên được nhìn nhận thế nào?
BC nam bị coi là lạc hậu về lối chơi. Ảnh: Quang Thắng
Nếu xem tivi, chúng ta sẽ thấy các đội BCVN cũng chơi những miếng đánh na ná thế giới (!), từ trung bình, chồng, biên, lao…và cũng có libero, có nhảy phát hoặc có trái bóng bay, song nếu nhìn kỹ lại thấy nhiều điều chưa ổn, rất chưa ổn. Đó là hiệu quả thấp của chính những miếng đánh ấy, của những cái mà không phải cứ nói có là có.
Xin ví dụ thế này dù hơi khấp khiễng: thập kỉ 60 TK trước, Hùng “xồm” ăn người mỗi kiểu đi bóng lạ, luôn dừng đột ngột rồi lại đi, mà bên phải là chính; biết vậy nhưng từ hậu vệ nội đến đối thủ ngoại (trận tuyển VN thắng CN Thượng Hải 5-0 anh ghi cả 5 bàn mà người viết trực tiếp dự khán) đều rất khó cản nên hay bị hố; còn ở đây, hầu như các miếng đánh của BC hiện tại chỉ là hình thức, luôn thiếu đi sự bất ngờ và quá hiếm các kỹ năng cụ thể khi thực hiện nó.
Ví dụ dễ thấy nhất như cú đập chồng, nói thì đơn giản song lại có đến muôn hình vạn trạng, điều này là do phối hợp của một nhóm cầu thủ mà không hề sơ giản như ta thấy và nếu nhìn kỹ những phối hợp của các đại gia TG tất sẽ phải kinh ngạc về các biến ảo của nó, tiếc thay những điều ấy là quá ít ở BCVN và vì thế buộc phải hài lòng với thứ hạng nói trên.
Tại SEA Games 25, HLV người Trung Quốc của tuyển nam Indonesia đã nói với tôi rằng “Các bạn (ĐTVN) chơi lạc hậu mất rồi, ít biến hóa quá”, thế nên ta thua cả các đội Indonesia, Thái Lan và Myanmar là đúng. Phải chăng vì hiện nay, BCVN đang còn thiếu những HLV có tầm?
Trực tiếp ngắm nhìn nhiều trận đấu và cách xử lý trong chỉ đạo trên sân, chúng tôi rất ít thấy những ông thày có hiểu biết sâu sắc về các yếu tố vật lý và các quy phạm dù ngặt nghèo song rất hay và độc đáo hấp dẫn ở môn BC, nói gì đến nhận thức của học trò của họ và cả giới báo đài!
Trên bình diện chỉ đạo, đã xuất hiện cả sự làm ngơ của một thuyền trưởng nào đó khi quân nhà bỏ chắn vài lần ở khu giữa hoặc quên hẳn khâu bọc lót nơi sân sau, câu hỏi ấy cũng rất đáng suy nghĩ.
4. Ngoại binh & Nội lực
Cũng giống ở V-League vậy. Giờ, BCVN cũng có cả Đinh Hoàng Chai!
Cup Đức Long 2010 tôn vinh Chaisri, xuất thân từ một libero phụ của đội tuyển Thái (libero chính thức của bạn là Wana) và chỉ cao 1m69, bằng chủ công Philippines khi xưa từng làm khổ sở các tay chắn Việt Nam hoặc chuyền hai Prim nổi tiếng Thái Lan, người hùng vô địch Cup Thăng Long lần 1 ở Hà Nội. Vậy mà một mình Chaisri xé nát hàng chắn hết NHCT, BĐ-LA lại đến BTLTT để lấy cúp.
Supachai (đỏ) làm mưa làm gió ở Việt Nam, nhưng anh bị loại khỏi tuyển Thái từ lâu. Ảnh: Quang Thắng
Tại BTLTT là ngoại binh Lin Jing, còn “đệ nhất” của TA.NB chính là Đinh Hoàng Chai, anh chàng này có quá nhiều kinh nghiệm và là linh hồn của đội, tôi đã xem anh như một HLV trên sân, kiểu như tay chuyền 2 Trương Hữu Vinh của TP.HCM trước đây vậy.
Còn nữa, là chủ công cao đến 1m90 người Fiji ở BĐ-LA, Ira (2) của Dầu khí, Supachai (11) ở TA.NB hay Wang Bin (18) ở S.BP mùa trước, nay qua Dầu khí. Tất cả họ đều là những đầu tầu có ý nghĩa quyết định ở sân bãi và nếu nói không quá, là những gương mặt VIP của Vòng 1.
Ác thay, Chai thì đã bị loại khỏi tuyển Thái từ lâu, Supachai và Chaisri cũng thế, còn Lin Jing, Wang Bin và Ira tất nhiên là vô danh ở Trung Quốc và Nga, ấy là chưa nói đến việc nếu Vòng 2, danh thủ Wanchai của Thái được xuất trận, ngoại binh BC còn áp đảo đến đâu!
Trong bối cảnh ấy, những gương mặt nội xuất sắc thật đáng biểu dương. Rõ nhất là 2 tay đánh Lê Quang Khánh (7-HL.LA) và Hoàng Văn Phương (2-TC). Khánh có form quá chuẩn trong giới thể thao và BC, quả đánh xa lưới hiện nay chỉ kém có “oanh tạc cơ” họ Ngô, nhảy phát xấp xỉ Duy Quang lúc hay nhất; còn Phương cao 1m90, quyết liệt, có tầm bật với khá tốt và chỉ thiếu kinh nghiệm nên đánh hơi “tối”.
Người mới là Nguyễn Trường Giang từ Bến Tre về với HL.LA, tuổi đã chín (1982) song đang sung với vai trò chủ công đứng đối cầu với Quang Khánh, đánh xa và nhảy phát đều hay. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Hạnh (ĐL-QK5) tố chất tốt nhưng chưa ổn định, thi đấu còn chất bản năng; sân bóng nữ ngoài các tên tuổi quen biết thì Nguyễn Thị Hương (4-Dầu khí) đang tự khẳng định, là những đối trọng mới với khối ngoại binh.
Hiện BCVN chỉ chưa nhập các chuyền hai, khối này đang rơi vào tình trạng bị báo động đỏ. Quan sát Vòng 1, thấy quá nhiều pha bóng mà lợi thế của một đội đã bị chính các tay chuyền 2 của họ tước đi rất đáng tiếc.
Hiện tại Đặng Thị Hồng chưa ra sân mấy, Đào Huyền chưa kịp “lớn”, Minh Dũng đã chững lại, Giang Văn Đức thiếu ổn định, nhất là Lưu Đình Toàn ở S.BP vì thế chuyền 2 Thanh Tùng ở HL-LA nổi lên nhờ sự điềm đạm và chắc chắn, lại có thêm quả phát bay khá lợi hại. Số còn lại, chưa thấy mấy ai hơn.
Thay lời kết
Năm ngoái, BCVN đã buộc phải chia tay mấy gương mặt sáng giá, đó là ông TTK Hà Mạnh Thư, là “quái kiệt” Đào Hữu Uyển và Vòng 1 giải 2010 người hâm mộ lại đau xót chia tay HLV trẻ Nguyễn Khắc Thùy.
BCVN lại đứng trước biển, với không ít âu lo.
Nêu những yếu tố trên, chúng tôi chia sẻ quan điểm của ông Trần Đức Phấn, TTK Liên đoàn BCVN, theo đó, để nhanh chóng cải thiện vị thế, mùa này 2 đội tuyển nữ, nam đều nhất thiết cần có thày ngoại.
Có quyết tâm và truyền thống, lại với bộ máy mới xốc vác, được sự hỗ trợ đáng kể của mạnh thường quân mới là ngành Dầu khí, BCVN tất sẽ không bó tay chờ đối thủ bỏ lại phía sau.
-
Nguyễn Lưu