Ngày 14 – CK đơn nữ Roland Garros 2010:

Đánh bại Stosur, Schiavone làm nên kì tích

Cập nhật lúc 09:19, 06/06/2010 (GMT+7)

- Không được đánh giá cao bằng Samantha Stosur, nhưng Francesca Schiavone một lần nữa chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng không có gì là không thể. Đánh bại tay vợt người Australia sau 2 set 6/4, 7/6(2), Schiavone trở thành tay vợt nữ người Italia đầu tiên trong lịch sử vô địch Roland Garros - một món quà không thể ý nghĩa hơn cho dịp sinh nhật lần thứ 30 của cô sắp tới.

>> Nadal tái ngộ Soderling ở chung kết
>> Ngày 12 Roland Garros: Stosur & Schiavone vào chung kết
>> Djokovic & Serena nối gót Federer rời Paris
>> Sốc: Federer ’bật bãi’ khỏi Roland Garros 2010
>> “Nữ hoàng sân đất nện” bại trận

Tay vợt có gương mặt mạnh mẽ như đàn ông cúi xuống hôn lên mặt sân Philippe Chatrier. Gương mặt cô không ngừng nở nụ cười, tay ôm chặt chiếc cúp Suzanne Lenglen và nhìn nó bằng ánh mắt của một đứa trẻ đứng trước món quà sinh nhật. Ở tuổi 29, Francesca Schiavone đã làm được cái điều mà cô và cả đất nước Italia mong đợi: giành một danh hiệu Roland Garros.

Schiavone đã làm được điều tưởng như không thể. Ảnh: Getty
Schiavone đã làm được điều tưởng như không thể. Ảnh: Getty

Schiavone đã chứng minh được rằng bất cứ ai cũng có cơ hội thực hiện mơ ước của mình. Vài ngày nữa là cô bước sang tuổi 30, chỉ là hạt giống số 17, thành tích ở Grand Slam cũng chỉ có 3 lần vào đến Tứ kết làm vốn, nhưng tay vợt người Italia đã làm được điều không tưởng.

Cô trở thành tay vợt nữ lớn tuổi thứ 2 trong lịch sử giành được một danh hiệu Grand Slam (sau Ann Jones tại Wimbledon 1969 khi gần 31 tuổi), và là tay vợt thứ 4 nằm ngoài top 10 bước lên bục vinh quang tại Paris (sau Justine Henin năm 2005, Virgina Ruzici năm 1978 và Sue Barker năm 1976).

Về phía Samantha Stosur, đối thủ của Schiavone trong trận chung kết, sự có mặt của huyền thoại người Australia Rod Laver trên khán đài đã không thể giúp vượt qua sức ép kì vọng. Người Australia đã đợi một danh hiệu Grand Slam đơn nữ 30 năm kể từ sau chiến tích của Evonne Fay Goolagong tại Wimbledon năm 1980, và họ đành phải tiếp tục đợi.

Bước vào trận đấu, hai tay vợt tỏ ra rất quyết tâm và đều nhanh chóng kết thúc các game cầm giao bóng của mình. Tuy nhiên, dấu hiệu chênh lệch bắt đầu bộc lộ ở game thứ 6, khi Stosur đã có một game đấu cực kì khó khăn mới có thể vượt lên dẫn 4/3. Schiavone nhanh chóng san hoà tỷ số set thứ nhất thành 4/4 và dẫn 40/15 trong game thứ 9.

Hai lần mắc lỗi của Schiavone khiến cô bỏ lỡ 2 điểm break đầu tiên. Dù vậy một pha đánh hỏng ngay sau đó của Stosur lại giúp tay vợt người Italia có cơ hội giành break lần 3. Và lần này thì chẳng tốn sức lực nào, Schiavone vẫn có điểm break đầu tiên bởi đúng vào thời điểm quyết định, Stosur lại mắc lỗi giao bóng kép, qua đó dâng chiến thắng 6/4 cho đối thủ.

Bước sang set 2, Stosur lại là người giành được break trước. Những cú thuận tay vẫn là vũ khí mạnh nhất của tay vợt người Australia và chúng đã giúp cô vượt lên dẫn 4/1. Tuy nhiên, chính vì có những cú thuận tay tốt, Stosur đã có phần lạm dụng chúng khi liên tục né trái đánh phải ngay cả khi bóng có điểm rơi sâu cuối sân.

Cô nhiều lần ăn điểm nhờ thuận tay nhưng cũng vô số lần mắc lỗi. Né trái đánh phái khiến cô phải di chuyển khá xa mép sân và chỉ cần Schiavone đổi hướng đánh bóng là tay vợt người Úc sẽ không chạy kịp.

Người thắng và kẻ bại. Ảnh: Getty
Người thắng và kẻ bại. Ảnh: Getty

Bởi thế mà chẳng bao lâu sau, Schiavone lại có đến 3 cơ hội giành break và dễ dàng tận dụng để đưa trận đấu về thế cân bằng. Hai tay vợt giành giật nhau từng game đấu và phải bước vào loạt tie break để phân định thắng thua.

Schiavone không những chơi cuối sân hiệu quả mà lên lưới cũng rất chính xác. Trái lại, dù từng giành Grand Slam nội dung đôi, Stosur lại nhiều lần bắt lưới hỏng ăn trong nhiều tình huống tưởng như chẳng có gì cản được cô giành điểm. Những tình huống như vậy ít nhiều khiến cô bị tâm lý. Và ở loạt tie break nơi thử thách những cái đầu lạnh, Stosur đã không thể làm gì nhiều trước khát khao của Schiavone và nhanh chóng gác vợt với tỷ số 2/7.

Francesca Schiavone không thể giấu nổi niềm vui sướng. Nhóm cổ động viên Italia trên khán đài sân Philippe Chatrier cũng vỡ oà trong niềm vui chiến thắng. “Giờ đây, tôi là nhà vô địch”, Schiavone xúc động. “Tất cả bắt đầu với 128 người tham dự và giờ tôi là nhà vô địch.

Tôi nói với đất và tôi hôn lên nó để cảm ơn và cảm ơn cả đấu trường này đã cho tôi cơ hội được sống trong tất cả những cảm xúc mà lúc này tôi đang sống.

Giờ tôi muốn trở về nhà với cha mẹ tôi. Bình thường, chúng tôi sẽ làm một bữa tiệc nho nhỏ với khoảng 10 người. Nhưng có lẽ chúng tôi phải tính mua lấy một căn nhà to hơn để chứa được 50 người trong đó”.

Lịch thi đấu ngày 6/6:
Chung kết đơn nam – sân Philippe Chatrier (bắt đầu lúc 20h - giờ VN):
Robin Soderling(Thụy Sĩ, 5) – Rafael Nadal(TBN, 2)

  • T.N.N

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác