,
221
10663
Hậu trường
hautruong
/thethao/hautruong/
1265829
Các CLB xử lý thế nào với những tay chơi "sấm sét"?
1
Photo
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

Các CLB xử lý thế nào với những tay chơi 'sấm sét'?

Cập nhật lúc 12:18, Thứ Năm, 04/03/2010 (GMT+7)
,

- Để cùng có cái nhìn sát hơn và hiểu rõ hơn con đường đưa lối các cầu thủ trở thành những "tay chơi", Thể Thao VietNamNet đã có trao đổi với những người đã và đang làm quản lý các đội bóng về vấn đề này.

>> Molina chết do sử dụng ma túy quá liều
>> Tiền đạo đội Bình Dương đột ngột qua đời

>>
Bài 1: Khi ngoại binh ’lầy’
>> Bài 2: Cầu thủ Việt "ăn chơi" truyền kỳ

Bài 3: Các nhà làm quản lý nói gì về "thói hư" của cầu thủ? 
Ông Nguyễn Văn Vinh (cựu GĐKT HA.GL)
: Người lớn hư, trẻ con hư là phải

Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định rằng, việc nhiều cầu thủ của chúng ta hư là không mới và cũng chẳng lạ. Bởi, bóng đá là một phần của xã hội mà xã hội của chúng ta bây giờ những chuyện như thế chẳng mới mẻ gì. Ngày nào chẳng có chuyện như thế xảy ra, từ cướp của giết người đến bay lắc hút chích.

Có chăng khác hơn một chút đó là cầu thủ cũng như giới nghệ sỹ là những người của công chúng, và khi anh "hư" thì trở thành tâm điểm để người ta nhìn vào thôi. Nói thế không phải tôi bênh cầu thủ, mà đơn giản chỉ để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về con đường sa ngã của họ mà thôi.

 

Nguyễn Văn Vinh
Cựu GĐKT HA.GL Nguyễn Văn Vinh

Chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân sa ngã, điều này không khó bởi đơn giản cầu thủ bây giờ điều kiện vật chất đầy đủ, xã hội lại phức tạp dần lên mà cầu thủ của chúng ta đa phần không học hành nhiều nên sa ngã cũng là điều khó tránh khỏi.

Đó là nguyên nhân thứ nhất, lý do thứ 2 theo tôi chính là ở chỗ quản lý, ở chỗ người lớn chứ không thể đổ hết cho cầu thủ được. Người lớn hư, thì trẻ nhỏ mới hư, mà người lớn có nghiêm và đàng hoàng thì mới có thể chỉ bảo được trẻ hư thế thôi.

Như thời của chúng tôi, nhiều cầu thủ cũng có điều kiện vật chất đấy chứ, nhưng họ không hư mà giả như có muốn hư cũng khó. Bởi lúc đó xã hội sạch hơn, nghiêm túc hơn, nhất là những người lớn của họ (lãnh đạo, bố mẹ...) tử tế hơn. Thế nên chỉ cần 1 vấn đề nhỏ thôi là đã có thể bị mang ra trước tập thể xử lý rồi...

Một phần khác mà cầu thủ thế hệ chúng tôi không thể hư được, bởi hầu hết đều được học hành nghiêm túc, sống có lý tưởng hơn mà nhất là hoàn cảnh xã hội lúc ấy là thời chiến ai cũng muốn làm cái gì đó cho đất nước...thì làm sao mà hư được.

Tôi không đánh đồng rằng thanh niên, cầu thủ ngày nay đều hư hết cả, rất nhiều người vẫn ngoan và sống có lý tưởng nhưng chỉ một bộ phận không tốt thôi đã là đáng buồn rồi.

Còn bây giờ, tôi thấy rằng lãnh đạo các đội bóng thiếu hẳn đi sự chân thành, thiếu hẳn đi cái cách sống trong sạch như thế thì làm sao mà có uy tín để mà nói được cầu thủ khi mà họ bắt đầu bước chân vào con đường như thế.

Nhiều lãnh đạo đội bóng bây giờ, cứ thấy cầu thủ sai là đòi kỷ luật, đòi đẩy xuống đội trẻ hoặc bằng nhiều hình thức khác nữa. Trong khi lãnh đạo ấy cũng có tốt đâu, thế thì thử hỏi cầu thủ có phục hoặc hướng thiện không?

Rồi thêm nữa, từ những yếu tố xã hội tác động vào làm cầu thủ hư, nhiều đội bóng biết đấy, nhưng giấu nhẹm đi vì sợ xấu mặt, rồi cũng không dám công khai vì sợ bị kỷ luật, mất chức. Tất cả chạy theo thành tích như thế, dung túng như thế cầu thủ không hư mới là lạ.

Theo tôi, biện pháp bây giờ không phải là chuyện thử doping mới là quan trọng nhất. Đó chỉ là điều cần phải làm thôi, vấn đề này thế giới đã làm lâu rồi, bây giờ chúng ta làm đã là chuyện quá muộn rồi mà là làm cách nào nâng cao được ý thức cầu thủ, nâng tầm của người quản lý lên mới là cấp bách nhất.

Lãnh đạo phải là những người có tâm, có tầm thì mới hướng cầu thủ đi vào con đường tốt hơn được. Đồng thời bên cạnh quản lý giáo dục thì cũng cần phải định hướng cho các cầu thủ của mình một cuộc sống sau bóng đá, giúp họ nhìn nhận cuộc sống một cách chính xác hơn để sau này không trở thành một gánh nặng xã hội...

Mà bây giờ, nói thì thế thôi còn thay đổi được tư duy làm và quản lý bóng đá hay không lại là chuyện khác, mà không thay đổi được tôi nghĩ cũng sẽ còn nhiều "Molina" đấy.

 

Nguyễn Thành Vinh
HLV Nguyễn Thành Vinh. Ảnh: Đức Anh


HLV Nguyễn Thành Vinh (HP.HN):
"Cầu thủ không phải tù nhân"

Chuyện xảy ra với Molina theo tôi là một điều đáng tiếc. Còn nếu để nói nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó. 

Cầu thủ nội hay ngoại binh thì cũng không phải là tù nhân. Ngoài giờ tập luyện và thi đấu họ có quyền đi chơi, gặp gỡ bạn bè hoặc đi shopping. Chính vì thế, không thể kiểm soát nổi tất cả mọi hành vi, hoạt động của họ. 

Riêng với CLB HP.HN, nếu bất cứ cầu thủ nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì sẽ được y tế xem xét, quan tâm. Bên cạnh đó, các cầu thủ còn được kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu có thêm các biểu hiện khác lạ nữa thì sẽ kiểm tra đột xuất. 

Tôi nghĩ đây là điều hết sức bình thường, các cầu thủ được quan tâm chu đáo, nếu chẳng may bị bệnh sẽ được chữa trị kịp thời.

Hoạt động tập thể, quá trình hòa đồng giữa cầu thủ đó với anh em trong đội cũng sẽ giúp phát hiện anh ta có vấn đề gì về sức khỏe hay liên quan đến doping, ma túy, chất kích thích hay không. Theo tôi, chỉ có thể hạn chế phần nào và không quản lý cầu thủ một cách máy móc được.

HLV Phan Thanh Hùng (T&T.HN): "Cầu thủ cần ý thức hơn"

Nguyên nhân khiến cho một bộ phận cầu thủ của chúng ta lao vào những con đường không tốt ấy theo tôi có lẽ là do xã hội bây giờ quá phát triển, quá nhiều thú vui tiêu khiển mà tuổi trẻ thì thường ham vui, dễ bị bạn bè lôi kéo, bạn tốt thì không sao chứ người xấu thì khó lường lắm.

HN T&T HLV Phan Thanh Hùng. Ảnh: Đức Anh
HLV Phan Thanh Hùng (phải). Ảnh: Đức Anh

Bản thân tôi đã từng làm bóng đá trẻ, tôi hiểu tâm lý ấy, và cũng đã từng bất lực với 1 cầu thủ mà tôi rất thương...Bảo bao, khuyên dạy rồi cũng có kỷ luật đấy nhưng rồi cũng không xong, đành chịu vì ý thức của cầu thủ ấy kém quá.

Cầu thủ có sa ngã hay không, có lẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của họ, tôi luôn nói với các học trò trẻ ở Đà Nẵng rằng: Các em lấy bóng đá là nghiệp thì phải giữ gìn, chứ không phải khi đã có chút thành tích mà buông thả.

Mình chỉ có thể giám sát một phần nào thôi, còn mối quan hệ ngoài xã hội thì quả thực là khó kiểm soát. Mà thực ra,sau trận đấu, buổi tập cầu thủ đã trở về với cuộc sống bình thường, họ cũng có giao tiếp, có bạn bè thì làm sao có thể quản lý được.

Tôi hy vọng rằng, cầu thủ của mình biết nghĩ và tự ý thức được bản thân nhiều hơn để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra...

Ông Nguyễn Lân Trung (Phó chủ tịch VFF): "Sẽ kiểm tra thường xuyên"

Trưởng ban Thông tin tuyên truyền Nguyễn Lân Trung say sưa giải thích trong buổi họp báo. Ảnh: QM.
Ông Nguyễn Lân Trung

Có hai giải pháp để giải quyết vấn đề, đó là ý thức con người, cá nhân từng cầu thủ, bên cạnh đó là trách nhiệm của từng CLB. 

Theo tôi, công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho các cầu thủ là quan trọng hơn cả. Việc ngăn ngừa, hạn chế cầu thủ sử dụng chất kích thích, ma túy trước tiên phải bắt nguồn từ nhận thức của những cầu thủ đó.

Ngoài ra, trong thời gian tới, VFF sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra bất thường, đột xuất. Một khi phát hiện bất kỳ cầu thủ nào vi phạm thì sẽ có những chế tài cứng rắn để xử lý".

  • Mai Anh - Chí Lâm (ghi)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
,
,
,
,