Người ta đổ lỗi cho trọng tài nhiều quá...
Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi khẳng định sai sót là điều không thể tránh khỏi đối với các Vua sân cỏ. Ông cũng cho rằng, mọi người đổ lỗi cho trọng tài nhiều quá...
>> Trọng tài sai, đó là một phần của cuộc chơi
>> Trọng tài liên tục bị chỉ trích, do chuyên môn hay...?
Trọng tài bị phân tâm vì văn hóa ứng xử
V-League mới qua 7 vòng đấu nhưng đã có khá nhiều vụ việc ì xèo liên quan đến trọng tài, là Chủ tịch Hội đồng TTQG, ông có ý kiến gì về thực tế này?
Trọng tài bị phân tâm vì văn hóa ứng xử của cầu thủ. Ảnh: Đ.A
Chủ tịch Nguyễn Văn Mùi: - Sai sót của trọng tài trong bóng đá là điều khó có thể tránh khỏi. Bất cứ trọng tài nào dù ở đẳng cấp nào cũng có lúc mắc sai lầm, dù những sai lầm đó đã được rút kinh nghiệm, đã được FIFA, BTC giải tập huấn, huấn luyện qua các khóa đào tạo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ...
Đó đều là những lý thuyết giúp cho chất lượng trọng tài ngày một tốt lên. Nhưng dù sao lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết. Trọng tài làm việc trong một môi trường khắc nghiệt, chỉ một tích tắc phải đưa ra quyết định có thể làm ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một trận đấu hay một đội bóng.
Quyết định đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí quan sát, sự tập trung và khả năng quyết đoán của trọng tài. Vì thế mà các trọng tài có khi mắc những sai lầm hết sức đơn giản và chúng ta nên đồng cảm, thông cảm cho trọng tài, đặc biệt trọng tài Việt Nam phải chịu rất nhiều sức ép.
Trên sân cỏ Việt Nam hiện giờ thường xuyên xảy ra tình trạng các cầu thủ chơi bóng thô bạo, khán giả quá khích mang lại không khí hết sức căng thẳng... Điều đó cũng làm cho các trọng tài bị phân tâm và gặp khó khăn trong công tác điều hành trận đấu.
Trọng tài Việt Nam là trọng tài dễ mắc sai lầm nhất, vì môi trường bóng đá của chúng ta chưa có sự ứng xử tuyệt đối văn hóa.
Trong thời gian qua, có những sai sót của trọng tài đã được LĐBĐVN và Hội đồng trọng tài quốc gia xem xét, đưa ra những hình thức xử lý tương đối thỏa đáng. Mặc dù những hình thức này không được công bố theo khuyến cáo của FIFA, nhưng việc kỷ luật nội bộ theo tôi là hợp lý và có tác dụng giúp trọng tài hạn chế thiếu sót trong các trận sau này.
Nếu chỉ mình Hội đồng trọng tài hay VFF ra tay thì không thể nâng cao chất lượng trọng tài. Theo ông, đâu mới là giải pháp thiết thực nhất?
- Tôi nghĩ rằng cần có một sự hợp tác đồng bộ giữa tất cả các bộ phận cấu thành một giải đấu, xa hơn là một nền bóng đá thì mới mong cải thiện được trình độ trọng tài. Nhưng để thực hiện được sự hợp tác này cần một quá trình dài.
Hiện nay, tính ăn thua trên sân cỏ đang thể hiện đậm nét. Nếu có một đội nào có bàn thắng, đặc biệt ở hiệp 2 là sau đó dễ xảy ra tình trạng câu giờ, gây ức chế cho đối thủ và dẫn đến mâu thuẫn, xô xát...
Chúng tôi đang kêu gọi lãnh đạo, HLV các đội bóng giáo dục cả chuyên môn lẫn tính kỷ luật, đạo đức cho cầu thủ. Bản thân cầu thủ trên sân cũng cần tôn trọng đối thủ, tôn trọng trọng tài, có như vậy thì cầu thủ mới làm tốt chuyên môn của cầu thủ, trọng tài làm tốt chuyên môn của trọng tài.
Chúng ta xem bóng đá nước ngoài, dù trọng tài có xử lý tình huống như thế nào thì cầu thủ cũng chấp nhận quyết định đó một cách chuyên nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, những hành động tranh cãi, phản ứng xảy ra liên tục, gây ra hình ảnh lộn xộn trên sân.
Hiện nay, khả năng nhận thức và chấp hành luật của các cầu thủ Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức thấp. Chính điều đó là một trong những nguyên nhân khiến cho trọng tài không thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Người ta đổ lỗi cho trọng tài nhiều quá!
Ông có cho rằng các đội thua hay cay cú và "chụp mũ" cho trọng tài?
- Đó cũng là một thực tế. Có những đội bóng thua trận và thường tìm ra sai sót của trọng tài, dù là rất nhỏ, để đổ lỗi. Như vậy là vô hình chung chỉ vì một lỗi mà xóa đi nỗ lực của trọng tài trong 90 phút.
Việc "đổ thừa" đã trở thành một "căn bệnh" của bóng đá Việt Nam. Ngay trận Hải Phòng - Thanh Hóa vừa rồi, nếu không có bàn thắng rất muộn của Hải Phòng (phút 90+2), chắc gì phía Thanh Hóa đã phản ứng cay nghiệt về trọng tài đến vậy?
Ở trận này, ông là Giám sát trọng tài. Vậy ông đánh giá thế nào về cách thức cầm còi của Hoàng Anh Tuấn?
- Theo tôi, những điều cơ bản của một trận đấu, trọng tài Tuấn đã hoàn thành nhiệm vụ. Thứ nhất, các bàn thắng hết sức rõ ràng. Thứ hai, không có việc bắt hay bỏ qua quả phạt đền nào gây tranh cãi. Thứ ba, xử lý các trường hợp việt vị chính xác, kể cả tình huống không công nhận bàn thắng cho Hải Phòng. Hai thẻ đỏ cũng là chính xác.
Tất nhiên, Tuấn còn những thiếu sót. Cụ thể như không phạt thẻ vàng cho Leandro của Hải Phòng trong tình huống kéo áo đối thủ hay những tình huống tranh chấp quyết liệt của đôi bên...
Nhưng đó cũng là những tình huống xảy ra thường xuyên ở các trận đấu khác. Khi mà hai đội bóng đã manh động với nhau thì cách xử lý của trọng tài cũng chỉ ngăn chặn được mức độ nào đó, chứ khó mà nói rằng triệt tiêu được lộn xộn.
Những trọng tài như Đặng Thanh Hạ (giữa) vẫn là tốt nhất Đông Nam Á. Ảnh: Đ.A
Trọng tài Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực
Ông có cho rằng dư âm của vụ tiêu cực năm 2005 đã khiến những ý kiến đánh giá về trọng tài có phần quá khắc nghiệt?
- Cũng có thể là một phần. Nhưng dư luận cũng nên thông cảm rằng bây giờ chúng ta đang phải xây dựng một lực lượng trọng tài mới ở cả V-League lẫn giải hạng Nhất.
Những trọng tài trẻ mới được đưa vào 1, 2 năm thì cũng khó đòi hỏi họ đạt trình độ cao về chuyên môn. Họ cần có kinh nghiệm thêm nhiều nữa mới theo kịp được diễn biến các trận đấu ngày càng phức tạp.
Có một số ý kiến cho rằng tại sao chúng ta không thuê trọng tài ngoài khu vực về điều hành các trận đấu? Ông có thể so sánh trình độ trọng tài Việt Nam với trọng tài các nước Đông Nam Á?
- Chúng tôi rất hiểu bức xúc của dư luận muốn thuê trọng tài ngoại. Nhưng cũng nên hiểu một điều, ở khu vực ĐNÁ này thì trình độ trọng tài của chúng ta không hề thua kém các nước bạn. Cụ thể là tại AFF Cup 2008, chỉ có 4 quốc gia có trọng tài làm nhiệm vụ ở vòng bán kết, đó là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Còn việc thuê trọng tài ngoại, theo tôi về lâu dài không phải là biện pháp có lợi cho bóng đá Việt Nam. Không hẳn là vì điều kiện kinh tế. Chúng ta hoàn toàn có thể thuê họ, nhưng vấn đề là thuê ai, thuê trong bao lâu và chất lượng của họ có vượt trội hẳn so với chúng ta không.
Hiện giờ có một số trọng tài Australia, Singapore cũng được AFC đánh giá cao, nhưng họ còn có giải của họ, có công việc của họ chứ làm sao đi theo giải của chúng ta cả nửa năm trời được. Mà đẳng cấp của họ cũng không thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển, bởi một mình họ thì không thể điều hành cả trận đấu. Còn có các trợ lý nữa chứ...
Mặt khác, chúng ta cần phân biệt rõ rằng thuê trọng tài ngoại chỉ đáp ứng được một khoảng thời gian ngắn, trước mắt và là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng ta cần có những trọng tài tốt của chúng ta. Muốn vậy, buộc lòng chúng ta phải cho các trọng tài trẻ cơ hội cọ xát, làm việc và phát triển.
Trọng tài cũng như cầu thủ thôi, không ra sân thì làm sao tiến bộ?
-
Anh Đức (thực hiện)