Giữ mãi những nụ cười Soweto
- Khu ổ chuột Soweto gần như bị tách biệt khỏi ngày hội World Cup 2010 trong những ngày trước khai mạc, nhưng hôm qua (11/6), nơi đây đã có những phút giây kỳ diệu. Không biết đã bao lâu rồi, cộng đồng người da đen ở Soweto mới được trải qua khoảnh khắc đầy ắp nụ cười như vậy.
>> Thư Nam Phi: Soweto, bản sắc bóng đá Phi châu
>> Chào châu Phi, chào World Cup 2010!
>> Bị chia điểm, Nam Phi khai hội trong tiếc nuối
>> Rực sỡ sắc màu CĐV ngày khai hội
Soweto cách Soccer City, SVĐ diễn ra lễ khai mạc World Cup 2010, không quá xa. Thế nhưng, trước ngày khai mạc, tiếng vọng của lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh dường như không hề tồn tại ở Soweto.
Soweto là nghèo đói và kiếm từng miếng ăn. Ảnh: Getty Images |
Trái với sự hào nhoáng và xa hoa của Johannesburg, Soweto là một thế giới hoàn toàn khác. Trong quá khứ, nơi đây chỉ được nhắc đến với chế độ phân biệt chủng tộc khét tiếng Apartheid.
Thực tế, khi mà Apartheid đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng, người dân Soweto vẫn phải chịu sự đối xử như những công dân hạng hai trong xã hội, và chẳng ai có thời gian để quan tâm đến họ, dù chỉ là trên hình thức.
Điện ư? Hãy hướng mắt về Johannesburg trong sự thèm thuồng. Nước ư? Nếu muốn có nước sạch, hãy chấp nhận bỏ ra những cái giá cắt cổ. Bệnh tật tràn lan ở Soweto bởi y tế ở đây là một thứ quá xa xỉ với dân nghèo.
Bóng đá đã làm thay đổi sinh hoạt ở Soweto. Những lo toan thường ngày nhường chỗ cho niềm vui từ bóng tròn. Ảnh: Getty Images |
Tỷ lệ thất nghiệp ở Soweto nằm trong top đầu của Nam Phi và châu Phi. Tìm một công việc tạm bợ để sống qua ngày cũng đã là một niềm mơ ước lớn. Vì thế, vấn đề an ninh nơi đây luôn ở tình trạng báo động. Cướp giật diễn ra khắp nơi.
Tóm lại, trong một giây phút hiếm hoi nào đó được thảnh thơi, cộng đồng người da đen ở Soweto chỉ có thể nhìn trung tâm Johannesburg hệt như một thiên đường. Với họ, cái thiên đường ấy quá xa vời và rất khó để được đặt chân đến.
Thế nhưng, hôm 11/6, Soweto không chỉ có tội phạm và nghèo đói. Niềm vui, nụ cười, lễ hội diễn ra khắp khu ổ chuột Soweto, bởi vì trái bóng Jabulani đã mang đến cho họ những phút giây kỳ diệu mà trong cuộc đời không mấy khi có được.
Thường ngày, trẻ em Soweto phải đá những quả bóng như thế này. Ảnh: Getty Images |
Những căn lều tạm bợ được dựng lên vội vã, với diện tích càng to càng tốt. Ở đó, những chiếc tivi cũ kỹ của một gia đình có điều kiện hơn được đặt nơi chính giữa, để người dân quây quần xem buổi lễ khai mạc World Cup 2010 và trận khai mạc giữa đội chủ nhà với Mexico. Thậm chí, người ta kê cả tivi ra ngoài đường.
Cuộc sống ở khu ổ chuột như dừng hẳn lại để nhường chỗ cho bóng đá. Họ đã khóc, đã hò hét, đã thổi những chiếc kèn Vuvuzela để chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước.
Trên những con đường cấp 4 là trục giao thông chính của Soweto, các chàng trai cô gái viết những dòng chữ mang ý nghĩa hòa bình và hạnh phúc bằng một thứ sơn phế phẩm. Họ viết tên đất nước mình, viết tên của người hùng Siphiwe Tshabalala, tác giả cú sút tung lưới Mexico và trở thành người mở màn cho World Cup 2010. Và họ cầu nguyện.
Chỉ có thể là bóng đá! Ảnh: Getty Images |
Những đứa trẻ, với cây kèn Vuvuzela trên tay, hát vang "Bafana Bafana" (biệt danh ĐT Nam Phi), và chúng ào đến bên những chiếc máy quay hoặc máy ảnh của một số phóng viên nước ngoài đến đây tác nghiệp. Chúng diễn trò một cách ngay ngô trước ống kính, vì không dễ để có cơ hội thứ hai.
Trong những giây phút ấy, một bộ mặt khác của Soweto hiện ra. Nơi ấy, người ta thấy sự lạc quan, niềm tự hào dân tộc, yêu hòa bình và luôn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai, vào những điều tốt đẹp nhất.
Hy vọng, những nụ cười Soweto không chỉ tồn tại trong một ngày, hay một tháng của World Cup 2010, mà nó sẽ được giữ mãi...
-
Ngọc Huy