Les Bleus: Khi ngự lâm quân mất kiếm

Cập nhật lúc 06:46, 09/06/2010 (GMT+7)

- Đội tuyển Pháp bước vào cuộc hành trình đến Nam Phi với tinh thần như những chàng lính ngự lâm, nhưng điều đó là chưa đủ để dập tắt sự hoài nghi của người hâm mộ. Với những đôi chân rệu rã và một HLV mãi loay hoay giữa những chiến thuật khác nhau, Les Bleus chẳng khác gì một đội ngự lâm đã đánh mất thứ quan trọng nhất của mình: thanh kiếm.

>> Pháp sau trận thua Trung Quốc: Bẽ mặt chưa?
>> Sợ chấn thương, tuyển Pháp bỏ tập xe đạp
>> Pháp gục ngã trước ’chú lùn’ Trung Quốc
>> Gallas - ’canh bạc’ của HLV Domenech

Tinh thần của ngự lâm quân

4 năm trước, người Pháp đã mang đến bất ngờ lớn khi tiến một mạch đến trận chung kết, trước khi thua Italia trên chấm 11m. Ở đó, Zidane là người tỏa sáng, nhưng chính Henry mới là nhân vật góp công lớn, với hàng loạt pha "ăn vạ" để tạo nên sự khác biệt.

Ở Nam Phi, Pháp không thể chờ đợi Henry
Ở Nam Phi, Pháp không thể chờ đợi Henry sẽ thêm một lần "tỏa sáng" bằng những pha bóng gian lận. Ảnh: Getty Images

Cách đây nửa năm, một lần nữa Henry trở thành cứu tinh, khi mà Pháp có nguy cơ bị rớt lại phía sau trên chuyến tàu chở 31 vị khách đến với Nam Phi. Trong trận "chung kết" lượt về với Ireland, Henry đã thực hiện pha "bóng rổ" để đời mang về chiến thắng cho Pháp.

Những cú ngã vờ và bàn tay của Henry đã đóng góp rất nhiều cho Les Bleus trong quá khứ, nhưng trong cuộc chiến ở Nam Phi, rất khó để tiền đạo đang khoác áo Barcelona lặp lại điều đó.

Chắc chắn, các trọng tài sẽ cảnh giác với Henry, và trở nên khát khe với anh hơn, nhất là trong những tình huống có tính chất nhạy cảm. Hơn nữa, HLV Domenech và người Pháp cũng chẳng hề mong chiến thắng kiểu như thế.

Điều mà người hâm mộ Pháp đang chờ đợi là một gương mặt khác của đội nhà. Tất cả đều mong muốn Les Bleus, gồm hàng loạt tài năng đang chơi bóng ở châu Âu, trở lại là hình ảnh của chính mình, với tinh thần của những người lính ngự lâm thực sự.

Tinh thần của các tuyển thủ Pháp đã được cải thiện hơn. Ảnh: Reuters
Tinh thần của các tuyển thủ Pháp đã được cải thiện hơn. Ảnh: Reuters

Trên đất Đức, đúng là Pháp đã có những chiến thắng gây tranh cãi, nhưng đó là lúc mà họ thể hiện một tinh thần chiến đấu đáng khen ngợi, biến Domenech từ một HLV ít tên tuổi thành một gương mặt đình đám trong làng bóng đá Pháp cũng như thế giới.

Tuy vậy, kể từ sau thất bại trước Italia, trong trận chung kết mà nhạc trưởng Zidane bị đuổi khỏi sân, cái tinh thần ấy của Pháp cũng đã mất đi. Kể từ đó đến nay, Pháp chưa bao giờ tạo được niềm tin nơi người hâm mộ, trong đó có một kỳ EURO thảm bại (2008).

Vì thế, trước khi bước vào cuộc hành trình chính thức ở Nam Phi, thầy trò Domenech đã rất quyết tâm sốc lại tinh thần. Những lời hứa và trấn an, những câu phê phán bản thân liên tục xuất hiện, như thể Les Bleus đang kêu gọi sự ủng hộ của các CĐV, vốn đã quay lưng với ĐT và có cảm giác bị lừa dối.

Tinh thần có, còn vũ khí?

Khi đặt chân đến Knysna, nơi được chọn để đặt đại bản doanh, các tuyển thủ Pháp đã thể hiện một tinh thần rất thoải mái. Bầu không khí lạc quan và những tiếng cười bao trùm từ trung tâm huấn luyện đến khu Resort Pezula, đẩy lùi những rắc rối nội bộ.

Domenech đang lạc lối giữa những chiến thuật khác nhau. Ảnh: Getty Images
Domenech đang lạc lối giữa những chiến thuật khác nhau. Ảnh: Getty Images

Sự lạc quan đã có, giúp Pháp quên đi những gì diễn ra trong quá khứ, cũng như sự chuẩn bị thiếu thuyết phục trong vài ngày qua. Thế nhưng, vấn đề đặt ra lúc này là Les Bleus sẽ bước vào cuộc chơi như thế nào, khi mà trận ra quân với Uruguay không còn lâu nữa?

Tinh thần là thứ cực kỳ quan trọng, nhưng người ta không thể chiến thắng với chỉ một điều tích cực đó. Pháp cần một chiến thuật hợp lý, sự gắn kết giữa các vị trí, và các cầu thủ phải tìm lại phong độ đích thực của mình.

Rõ ràng, đây là những vấn đề không đơn giản để giải quyết. Raymond Domenech đã tìm rất nhiều giải pháp với hy vọng đội bóng của mình có thể trở thành một tập thể như ở Berlin 4 năm trước, nhưng ngay chính bản thân ông đang bị lạc trong mớ hỗn độn.

Sự loay hoay của Domenech thể hiện trong việc ông không thể tìm ra lối chơi ưng ý nhất cho Pháp. Chiến thuật 4-4-2 chỉ thoảng qua rồi bị xếp xó; 4-3-3 được thử nghiệm rất nhiều và Domenech bảo vệ quan điểm này, nhưng nó là một thất bại thảm hại (khiến Pháp phơi áo trước Trung Quốc).

Chọn ai và bỏ ai sẽ là thách thức lớn với Domenech. Ảnh: Reuters
Chọn ai và bỏ ai sẽ là thách thức lớn với Domenech. Ảnh: Reuters

Trong hoàn cảnh đó, trên sân tập ở Knysna, Domenech buộc phải quay trở lại với 4-2-3-1, một hệ thống mà ông từng yêu thích và ít nhiều thành công. Với sơ đồ 4-2-3-1, Pháp có được sự chắc chắn hơn, nhưng nó lại đặt ra câu hỏi cho hàng tấn công.

Cách bố trí này khiến Domenech phải đau đầu trong việc chọn ai và bỏ ai. Thứ nhất, giữa Henry, Anelka, Cisse và Gignac, sẽ chỉ có một người được đá chính ở vai trò mũi nhọn. Thứ 2, Gourcuff có phải sự lựa chọn hợp lý cho vị trí nhạc trưởng? Thứ 3, ai trong số Govou, Ribery và Malouda phải ngồi dự bị?

Tình cảm cá nhân chính là yếu điểm lớn nhất của Domenech, khiến ông bỏ quên không ít người tài ở nhà. Khi mà trận đấu với Uruguay đang chuẩn bị diễn ra, Domenech cần một sự quyết đoán và kỷ luật, để có thể cùng Les Bleus tiến xa trên đất Nam Phi.

  • Ngọc Như

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác