Giải mã "vũ khí hạng nặng" của Dunga
- HLV Dunga đã xây dựng Brazil theo triết lý khoa học của người châu Âu, dựa trên sự kết dính giữa những thứ "vũ khí hạng nặng" ở cả 3 tuyến.
>> Bài tập có một không hai của ĐT Triều Tiên
>> Robinho đặt mục tiêu giành Vua phá lưới World Cup
>> ’Gã đồ tể’ của Brazil thích hoa hồng hơn thẻ đỏ
Brazil của Dunga đang thể hiện phong độ ấn tượng qua một loạt chiến thắng trước những đối thủ khó chịu. Điều đó đến từ chiến thuật rất khoa học được HLV Dunga xây dựng theo phong cách châu Âu.
HLV Dunga xây dựng Brazil dựa trên triết lý châu Âu. Ảnh: Getty Images |
Tập thể của Dunga là sự kết dính giữa 3 tuyến, mà nổi bật là cặp "song sát" Fabiano - Robinho; linh hồn Kaka và những chiến binh ở tuyến giữa; bức tường phòng ngự Lucio - Juan.
1. Cặp "sát thủ" Fabiano - Robinho
Người hâm mộ và giới truyền thông Brazil liên tục chỉ trích việc HLV Dunga loại bỏ những cái tên như Ronaldinho, Adriano và Pato. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng của Selecao có lý do để tin vào lựa chọn của mình.
Dưới triều đại của mình, Dunga đã đưa hai chân sút Robinho và Fabiano lên đỉnh cao. Có thể không thực sự nổi bật ở CLB, nhưng họ luôn bùng nổ ấn tượng khi khoác lên mình chiếc áo Vàng - xanh.
Robinho và Fabiano kết hợp rất ấn tượng trên hàng công. Ảnh: Getty Images |
Tính đến trước khi bước vào trận đấu với Triều Tiên, bộ đôi Robinho - Fabiano đã ghi tổng cộng 38 bàn thắng, với 19 lần lập công của từng người. Đây là thành tích tốt nhất của Selecao trong suốt 4 năm qua.
Trong số đó, Robinho "nhả đạn" trong 14 trận khác nhau. Về phía người đá cặp Fabiano, con số này là 11 trận.
Rõ ràng Dunga chẳng có lý do gì để mang đến những chân sút tên tuổi khác, bởi điều đó có thể phá vỡ sự liên kết giữa cặp "sát thủ" mà ông đã vun đắp trong suốt 4 năm qua.
2. Kaka và những chiếc "máy ủi"
Trong lối chơi của Brazil, Kaka có vai trò cực kỳ quan trọng. Mặc dù không thích khái niệm ngôi sao, và gạt rất nhiều cầu thủ lớn khỏi Selecao, nhưng Dunga luôn trọng dụng Kaka trong mọi hoàn cảnh.
Với Kaka, Dunga có được một người để kết nối giữa tuyến tiền vệ với những "sát thủ" Robinho và Fabiano. Trên lý thuyết, lối chơi của Brazil dưới thời Dunga chặt chẽ và đề cao chiến thuật, nhưng thực tế Kaka được chơi khá tự do.
Kaka là linh hồn dẫn dắt lối chơi của Selecao. Ảnh: Getty Images |
Chính giai đoạn thi đấu ở Milan đã đưa Kaka lên đỉnh cao, để rồi Dunga sử dụng anh như chìa khóa của lối chơi. Từ 4-2-2-2 đến 4-2-3-1, Kaka trở thành linh hồn dẫn dắt lối chơi, hoặc khi cần thiết anh trở thành một cầu thủ tự do và chơi như một tiền đạo "ẩn".
Để Kaka thảnh thơi, Dunga luôn bố trí hai chiếc "máy ủi" ở phía sau, gồm Gilberto Silva và "truyền nhân" của mình là Felipe Melo (hoặc Ramires). Nhiệm vụ của những người này là đánh chặn để giúp Kaka có được những khoảng không rộng phía trên.
3. Bức tường Lucio - Juan
Các HLV trước của Brazil thường chú trọng nhiều đến tấn công hơn là phòng thủ. Nhưng với Dunga, một người từng trưởng thành từ Serie A, xây dựng hàng phòng ngự cũng quan trọng không kém việc tìm kiếm bàn thắng.
Sử dụng không ít trung vệ, nhưng trong 4 năm qua có thể thấy Lucio và Juan là những lựa chọn hàng đầu của Dunga. Thực tế, bộ đôi này cho thấy sự ăn ý và bọc lót cho nhau rất tốt.
Lucio và Juan tạo thành bức tường vững chắc ở hàng thủ. Ảnh: Getty Images |
Thực ra, Dunga không phải người phát hiện ra sự kết hợp giữa Lucio và Juan, nhưng có thể nói ông là người sử dụng hai nhân tố này hữu hiệu nhất, biến họ thành bức tường thực sự trước khung thành thủ môn Julio Cesar.
Trong 49 trận mà Lucio đá cùng Juan ở hàng thủ, Brazil chỉ thủng lưới 28 lần (trung bình 0,57 bàn thua/trận). Sự vững chắc của "bức tường" Lucio - Juan trở thành tiền đề để Selecao thắng 34/49 trận này, những con số không thể thuyết phục hơn.
Sự kết hợp giữa 3 yếu tố này đã giúp Brazil trở thành một tập thể đầy sức mạnh và không dễ bị đánh bại.
Đối thủ nào muốn đưa bóng vào lưới Julio Cesar thì việc cần thiết không chỉ là bắt chết Robinho - Fabiano, hay phong tỏa Kaka, hoặc xuyên thủng "bức tường" Lucio - Juan, mà phải làm thế nào để thực hiện đồng thời 3 bước trên.
-
Ngọc Như