Leonardo rời Milan: Sự phản bội của "người lớn"
- Một năm trước, họ hồ hởi chào đón Leonardo và chờ đợi một Pep Guardiola mới. Một năm sau, chẳng ai buồn tiễn Leo, khi HLV người Brazil chấp nhận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Những gì diễn ra với Leo quả là nghiệt ngã, ông ra đi theo cách người ta - tức quan chức Milan - gọi là thất bại, nhưng thực tế chiến lược gia trẻ này đã bị phản bội.
>> San Siro mở tiệc chia tay Leonardo
>> Câu trả lời của Ronnie & món quà của Leo
>> Đại thắng Juve, Milan làm quà chia tay Leo
Phản ứng của tifosi
Trên khu vực dành cho những tifosi Milan, một băng rôn khổng lồ được treo từ đầu này sang đầu bên kia của khán đài, với một thông điệp được gửi đến Berlusconi: "Thưa Chủ tịch, Ngài đã sai: Không ai có thể thành công với những việc làm phi lý".
Các CĐV Milan phản đối cách làm của Berlusconi. Ảnh: Getty Images |
Họ, những tifosi Milan, đã phê phán Silvio Berlusconi về cách làm của ông hiện nay. Vị Thủ tướng Italia không còn đầu tư vào Milan nữa, thay vào đó ông biến nó thành một tập thể hỗn độn.
Nhìn sang đối thủ cùng thành phố Inter, các CĐV đỏ - đen càng có thêm lý do để không hài lòng với Berlusconi. Ông không có được tình yêu với đội bóng như Massimo Moratti, và đang sử dụng hình ảnh của Milan để đạt những mục đích riêng của mình.
Một năm trước, khi Ancelotti ra đi, Berlusconi đã quyết định bán luôn Kaka sang Real Madrid mà không có sự bổ sung hợp lý nào. Tất cả những gì ông làm là bỏ một phần nhỏ trong số tiền thu được từ bán Kaka để mang về San Siro tiền đạo Huntelaar (mà chỉ mua khi các tifosi gây áp lực).
Khi mà Milan thi đấu thiếu ổn định và cần tăng viện, Berlusconi phớt lờ và chỉ có một nhân tố mới được bổ sung: David Beckham. Thực tế đây chỉ là bản hợp đồng mượn, và Berlusconi chẳng tốn một xu nào nhưng vẫn được tiếng đã chấp nhận mang đến sự đổi mới cho Milan.
Những gì người ta hứa với Leonardo một năm trước chỉ là sự giả dối. Ảnh: Reuters |
Có thể nói, những kết quả thất vọng mà Milan phải chịu trong 2 mùa giải liên tiếp vừa qua đều xuất phát từ Berlusconi. Ancelotti bị cô lập và không có "trợ cấp" nên phải "đào tẩu" sang Chelsea, để rồi Berlusconi cầu viện đến Leonardo.
Leonardo, nước cờ của Berlusconi
Phản ứng của các tifosi với Berlusconi cho thấy, họ hoàn toàn ủng hộ Leonardo. Với những gì Milan giành được (vị trí thứ 3 chung cuộc Serie A), dù cố một số thất bại khó phai mờ, thì Leonardo cũng đáng được xem là một người hùng.
Nên nhớ rằng, khi ký hợp đồng với Leonardo, mục tiêu mà Berlusconi và Phó Chủ tịch Galliani nhắc đi nhắc lại nhiều lần là lọt vào top 4. Họ không đòi hỏi nhiều ở Leo (theo như lời phát biểu) và chỉ cần một vé đi Champions League.
Trong giai đoạn tái thiết, khi mất đi một HLV tài năng (Ancelotti), một linh hồn (Kaka) và thủ lĩnh tinh thần (Maldini), đồng thời không được tăng cường nhân sự hợp lý, Leonardo đã làm rất tốt công việc của mình.
Vị trí thứ 3 cũng đã là một thành công. Ảnh: Getty Images |
Với đội hình già cỗi và không còn nhiều khát vọng chiến đấu, có thời điểm Milan bám sát Inter trong cuộc đua Scudetto - điều mà không mấy ai nghĩ đến trước đó. Chỉ đến cuối mùa, khi các "ông già" đuối sức, Milan mới chững lại.
Khép lại mùa giải bằng vị trí thứ 3, cùng chiếc vé vào thẳng vòng bảng Champions League mùa giải tới (mùa giải cuối cùng của Ancelotti ở San Siro, Milan cũng chỉ được như thế), nhưng Leonardo vẫn bị sa thải. Vì sao?
Thực tế, Berlusconi chưa hề ký quyết định hay tuyên bố sa thải Leonardo. Bằng cách đẩy mọi trách nhiệm lên đầu, và dùng các phương tiện truyền thông mà mình kiểm soát để tấn công, vị Thủ tướng Italia buộc Leo phải tự tuyên bố chia tay với San Siro.
Bằng cách này, Berlusconi muốn thể hiện sự quan tâm của mình với Milan sau nhiều năm thất bại. Ông muốn có một sự thay đổi mang tính cách mạng, để tìm kiếm thêm làn sóng ủng hộ trong cuộc chơi chính trị của mình.
Leo ra đi với cảm giác của một người bị "phụ tình". Ảnh: Getty Images |
Thế nhưng, chính điều đó gây phẫn nộ cho các tifosi Milan. Berlusconi muốn Leonardo "tay không bắt cá" mà không hề cung cấp cần câu. Không chỉ Leo, mà bất kỳ ai nếu ngồi vào cương vị ấy cũng không thể phá vỡ sự thống trị của Inter ở Serie A.
Rõ ràng, Leonardo cần thời gian để đưa Milan đi vào sự ổn định, và ông đang làm khá tốt trong thời gian qua. Thành công không thể đến tức thời, và việc ông phải ra đi chỉ sau một năm hợp đồng là hình ảnh của một người bị phản bội, hay đúng hơn là bị "phụ tình".
13 năm làm việc ở San Siro, đặt hết tình cảm và công sức của mình vào đó, chưa bao giờ Leo phải chịu cảm giác như hiện nay, để rồi tuyên bố không bao giờ quay lại làm việc cùng Milan.
Đuổi một người dễ, xây dựng đội bóng mới khó. Mùa giải đã kết thúc và đây là lúc người ta chờ Berlusconi sẽ làm gì cho Milan, bắt đầu từ một HLV mới, sau khi vừa đưa thông báo chính thức từ chối mọi lời đề nghị chuyển nhượng lại CLB.
-
Ngọc Linh