Los Che: Những cánh dơi ngược gió

Cập nhật lúc 23:47, 15/03/2010 (GMT+7)

- Cesar Sanchez quỵ gối, Unai Emery ôm mặt, còn Dealberth thì gần như bật khóc. Mùa thứ ba liên tiếp, Nou Camp trở thành một thứ hoả ngục nung chảy những ước vọng của đoàn quân đến từ Mestalla, những ước vọng phảng phất đôi chút hão huyền…

>> Messi và Higuian "nổ" hat-trick, Barca bám sát Real

1. “Chúng tôi sẽ không co rúm lại ở Nou Camp!”, Alejandro Dominguez phát biểu đầy tự tin như thế trước giờ nhập trận. Anh tin rằng chuyến hành quân lên phương Bắc lần này của Los Che sẽ là một trận đấu “hay và mở”.

Barca - Valencia. Ảnh: AP
Thủ môn Cesar Sanchez không thể làm gì trước những ngôi sao của Barca. Ảnh: AP

Và anh hy vọng rằng đội bóng hiện tại của mình sẽ thực hiện được điều mà đội bóng cũ của anh, Rubin Kazan, đã từng thành công: làm bẽ mặt Barca ngay tại Nou Camp.

Rubin Kazan có lẽ cũng là một tấm gương mà Unai Emerry lựa chọn cho những toan tính của mình. Không chỉ thổi lửa vào lòng các học trò (“Chúng ta sẽ cố gắng chơi để chiến thắng!”), cách bài binh bố trận của ông cũng thể hiện điều mà ông hướng tới: một hàng tiền vệ năm người với tính chiến đấu, sự táo tợn và sự sung mãn.

Không Villa, không Vicente, không Marchena, không cả Mata, Joaquin, Baraja… trong đội hình xuất phát, Los Che mang một dáng vẻ lạ lẫm nhưng cũng tương đối khó lường, đặc biệt là khi họ quả thật không chỉ bằng lòng với việc tràn ngập trung lộ, đắp luỹ xây thành trước khung thành Cesar Sanchez mà còn sẵn sàng bất ngờ ào ạt dâng lên công hãm như sóng thuỷ triều.

Như thường lệ, Barca luôn là phía kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng trong vòng 30 phút đầu của trận chiến này, những cánh dơi mới là phía tỏ ra đáng sợ hơn. Đổi lại một lần duy nhất Messi ép Cesar Sanchez trổ tài, Los Che tung ra tới sáu pha dứt điểm, và ba trong số đó làm nghiêng ngả khung thành Valdes.

Trận đấu diễn ra gần giống với sự tiên liệu của Dominguez. Chỉ tiếc một điều, anh (và đặc biệt là người kế nhiệm anh, Nicola Zigic) hoàn toàn không lấp đầy được khoảng trống để lại của David Villa, để tận dụng thành công quãng thời gian “tranh tiên” xuất sắc ấy, cụ thể hoá nó thành ưu thế trên bảng tỷ số.

Ngược lại, dù Ibra bị truất quyền thi đấu, dù Pep Guardiola không được phép đích thân chỉ huy, dù choáng ngợp trước sự sòng phẳng và khí thế hung mãnh của đối thủ suốt một khoảng thời gian dài, Barca vẫn còn đó Messi, “một thiên tài đích thực”, như lời ca ngợi của Juan Laporta.

Messi_Getty
Messi (10) chói sáng trong màn trình diễn của các nhà ĐKVĐ. Ảnh: Getty

2. Messi xứng đáng được ca ngợi, bởi không cần phải hoàn tất hat-trick phi thường ấy, những dấu ấn của anh đặt xuống trong thế trận tấn công của Barca là không thể bôi xoá. Trước màn solo biến tốc khủng khiếp ở phút 56, anh cũng chính là mối nguy hiểm đáng sợ nhất rình rập quanh khung thành Cesar, với những pha đột kích như dông bão, hay với đường chuyền dọn cỗ mà Pedro đã phung phí.

Barca

Số liệu thống kê

Valencia

60%

Kiểm soát bóng

40%

3

Bàn thắng

0

19

Sút bóng

7

4 Cứu bóng

5

8

Sút trúng mục tiêu

4

7

Phạt góc

3

10

Phạm lỗi

19

6

Việt vị

1

48

Mất bóng

66

1

Thẻ vàng

4

0

Thẻ đỏ

1

Nguồn: Soccernet


Nhưng, người hùng ấy lại không muốn lĩnh trọn hào quang, mà vẫn gửi lời tri ân tới hai đồng đội khác. Một người là Henry, “người đã thay đổi trận đấu với khát vọng, với sức ép, với sự tác động của anh”, người mà như lời của HLV phó Villanova: “mang đến chiều sâu cho những đợt tấn công, đồng thời giúp Messi tự do hơn trong những đường di chuyển”; và người kia là Valdes (“Cho dù đã dẫn 1-0, Valdes vẫn là một người bảo vệ đích thực của chúng tôi khi chặn đứng Zigic”).

Quả vậy, nếu Zigic đánh bại được Valdes ở pha bóng ấy, những hiệu ứng tâm lý từ một bàn thua hoàn toàn có thể khiến Barca đông cứng, đặc biệt là trước nhuệ khí đang được vãn hồi của Valencia.

Khó có thể quên được rằng, khoảng vài phút trước khi Messi mở tỷ số, Pep Guardiola trên khán đài đã tỏ rõ vẻ lo lắng như thế nào, cũng như Xavi dưới sân cuống quýt bao nhiêu.

3. Barca mạnh dần lên và khống chế cuộc chơi với sự vững vàng của Valdes, với kinh nghiệm dày dạn của Henry, và đặc biệt là với sức toả sáng của Messi. Những con người ấy, những khách quen của danh vọng ấy, đã đứng dậy kịp lúc để đương đầu với bão tố và giành giật thành công. Còn Valencia?

Maduro_AP
Trong thế khó, Valencia lại mất Maduro (3) càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: AP

Trong cơn gió ngược, bầy dơi trở thành những nạn nhân của số mệnh, như lời Unai Emery. Với ông, trận đấu đã được an bài bởi những khoảnh khắc quyết định.

Vết chấn thương của Abelda “phá huỷ sự cân bằng của đội bóng”, đồng thời cũng khiến Los Che mất đi một thủ lĩnh tinh thần trong những thời khắc quyết định. Tấm thẻ đỏ dành cho Maduro rõ ràng là một tổn thất không thể san lấp. Và pha bỏ lỡ cơ hội của Zigic triệt hạ hoàn toàn niềm tin chiến thắng.

Los Che chảy vàng tan đá trong lò lửa Nou Camp với bối cảnh nghiệt ngã như thế, nhưng phải chăng họ chỉ sụp đổ bởi những lý do như thế?

Có lẽ là không. Tầm ảnh hưởng và sự dạn dày của Baraja tại Mestalla không kém gì Abelda, nhưng Unai Emery đã chọn Manuel Fernandes chứ không phải anh, để lãnh nhiệm vụ trung quân đại tướng vào phút 44 ấy.

Để rồi sau đó, anh phải vào sân như một sự vá víu cho cái hàng thủ vốn đã suy yếu bởi vắng Marchena, thêm rách nát bởi tấm thẻ đỏ dành cho Maduro.

Baraja chứ không phải chuyên gia chạy cánh Joaquin, cho dù Joaquin đã khởi động, cho dù Valencia đang bị dẫn, và cho dù Barca miệt mài tăng cường những đợt công kích ở hai hành lang (tổng cộng 29 quả tạt).

Chính Unai Emery cũng tối tăm mặt mũi trong cơn bão lốc của vận rùi để cứ phải chạy theo những diễn biến khốc liệt ấy mà không thể chặn chúng lại bằng sự điều tiết chiến thuật.

Song, còn hơn thế, khi lựa chọn đối đầu với Barca một cách sòng phẳng ngay tại Nou Camp mà không có một sát thủ bẩm sinh như Villa, và thiếu vắng những nhân vật chủ chốt đã từng nếm trải bầu không khí kinh khủng của chảo lửa này, Emery quả thật đã chơi một canh bạc may rủi.

Có lẽ ông muốn tìm chiến thắng bằng một sự thay đổi, nhưng bay thẳng vào tâm bão mà thiếu những kình thiên thạch trụ đâu phải là cách mà Los Che huy hoàng của những Claudio Lopez, Mendieta, Abelda, Baraja…trở thành đội bóng chơi phản công hay nhất lịch sử La Liga, cũng là đối thủ đáng ghét nhất của Barca những năm xưa.

  • Đông Quân

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

huntery, c14, 17:55, 17/03/2010

Cái bài Comm này sao mà khó nghe và chả liên quan gì đến bài viết phía trên vậy
Ronaldo và Messi là cầu thủ của mọi trận đấu họ chỉ cần tỏa sáng là cục diện trận đấu sẽ khác.
Messi và Ronaldo thì đẳng cấp chả có j phải bàn cả
Tưh nhiên nói cầu thủ lớn chỉ có ở MU chả hiểu.Cantona là cầu thủ lớn thì có ái phản đối đâu,hay ông này không xem bóng đá trước năm 1998.Đừng có nhận xét lung tung khi không có hiểu biết đầy đủ nhé
Have fun!!

vivabarca, hanoi, 19:59, 16/03/2010

Khi Ronaldo lúc ở MU ghi bàn luôn luôn bị anti fan M.U gọi là cầu thủ của những trận đấu nhỏ.

Khi Ronaldo qua Real vẫn bị gắn mác đó lần này là fan M.U ở Việt Nam.

Messi cũng vậy, ghi bàn ở chung kết CL final cũng bị đánh giá chưa cao rồi thì hattrick mới đây của Messi vào lưới Valencia cũng không được đánh giá cao bằng 2 bàn của Rooney vào lưới .... Fullham :))

Cantonna chưa từng đóng góp bất cứ cống hiến nào đặc sắc cho đội tuyển pháp thì được coi là cầu thủ lớn.

suy ra cầu thủ lớn chỉ có ở MU. và ........ các cầu thủ đoạt QBV châu âu (bị gán biệt danh cầu thủ nhỏ của các trận đấu lớn ) thường chỉ dám sang Liga chơi.

Tin liên quan

Các tin khác