Ngọc Thanh & XM.HP: Gương đã vỡ chẳng thể lành

Cập nhật lúc 05:41, 03/02/2010 (GMT+7)

- Cốc nước đổ còn có cơ hứng lại, nhưng gương đã vỡ thì chẳng thể lành. Mối tình giữa Ngọc Thanh với XM Hải Phòng kể như đã chấm dứt từ đây, vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ chia tay thế nào cho ổn thoả...

Vì đó là Thanh "khùng"

Không ai phủ nhận Ngọc Thanh là cầu thủ có tài. "Nội binh" mà thể hình, thể lực được như anh, chơi bóng đầy chất kỹ thuật và lãng mạn như anh kể ra cũng là hàng hiếm.

Thanh chỉ là một con số 0 khi anh buộc phải rời Ngân hàng Đông Á vì CLB này giải thể năm 2005. Nhưng về đến đất Hải Phòng, Thanh đã tìm lại được nguồn cảm hứng đích thực để sống và đá bóng.

Ngọc Thanh XM Hải Phòng. Ảnh: Đức Anh
Ngọc Thanh từng được coi là đứa con ruột của người hâm mộ Hải Phòng. Ảnh: Đ.A

Đã từng có lúc Thanh nghĩ đến chuyện cưới một cô vợ Hải Phòng, xây một căn nhà ở Hải Phòng, nghĩa là chuẩn bị cho một tương lai bền vững. Người đất Cảng cũng coi anh như con ruột, vì những đóng góp của anh cho đội bóng trong suốt 5 năm qua.

Ở sân Lạch Tray, những người Hải Phòng như Thế Phong, Ngọc Quang... có lúc còn bị la ó, nhưng Ngọc Thanh thì không bao giờ. Đơn giản vì anh là Thanh "khùng", là người đã vào sân là phải cháy hết mình. Dù đôi khi cái sự "cháy" của anh không có nhiều người hưởng ứng (?!)

Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ của cái sự "khùng". Phần lớn hơn, cũng chính là phần cản trở anh nhiều nhất trên đường đời, lại là cái sự "ngang".

Chất của Thanh là vậy, cứ cái gì không vừa mắt anh là anh phải nói. Chơi bóng cũng vậy, quan điểm của Thanh rất rõ ràng: ra sân phải có cảm hứng. Không cảm hứng thì thà... nghỉ cho đỡ mất thời gian.

Bởi vậy, nhiều khi Thanh trở nên lạc lõng giữa... bầy đàn. Anh nói những điều không ai dám và muốn nói. Anh cũng tập một cách thờ ơ và lạnh nhạt trong những thời điểm mà tất cả đều cố tỏ ra là nỗ lực.

Và anh bị coi như một cậu học sinh cá biệt, dù năng khiếu đầy mình!

Ngọc Thanh XM Hải Phòng. Ảnh: Đức Anh
Vì anh đã vào sân là "cháy" hết mình. Ảnh: Đ.A

Có lần Thanh chìa bàn tay ra và phân tích: đường công danh của tôi nó đứt gãy chi chít cả... Thanh không phải người mê tín lắm, nhưng có vẻ như anh tin điều đó. Chẳng thế mà bao nhiêu lần lên tuyển là bấy nhiêu lần Thanh bị trả về.

Thời Riedl, Ngọc Thanh mới chân ướt chân ráo gia nhập Hải Phòng đã có tên dự tuyển Olympic. Nhưng SEA Games 2005 không có tên anh. Ngọc Thanh "out" trước cả khi ông Riedl gút danh sách đi Philippines.

Đến triều đại Calisto mọi thứ cũng chẳng sáng sủa hơn với Thanh. Năm 2008, Ngọc Thanh là một trong những cái tên đầu tiên được ông Tô điền vào kế hoạch AFF Cup. Nhưng anh không hiện diện trong ngày vinh quang, vì đã được trả về CLB từ 3 tháng trước.

Không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu Thanh bị loại không phải vì chuyên môn. Càng không phải vấn đề liên quan đến sinh hoạt. Tất cả đều tại cái mác "khùng".

Và cũng vì đó là... XM Hải Phòng

Bình thường thì mọi thứ tại Hải Phòng đều yên ổn đối với Ngọc Thanh. Đã có thời điểm anh là biểu tượng cho sức sống của đội bóng đất Cảng, với những pha volley kiểu "xe đạp chổng ngược" đặc trưng chỉ có ở Thanh "khùng".

Ngày ấy cách đây chưa xa. Mới có 2 mùa thôi, cũng là dưới thời "tướng" Dũng.

Nhưng mùa năm ngoái đã khác, và bây giờ càng khác. Xi măng Hải Phòng mở hết tốc lực để chạy đua trong chiến dịch tậu "sao". Denilson là một vụ rùm beng tiêu biểu, và cũng là một vụ thất bại điển hình.

Không dừng lại, đội bóng càng miên man dấn sâu vào thị thường chuyển nhượng trước V-League 2010. Cả dàn tiền đạo khủng được "bưng" về: Lazaro, Williams, Đinh Hoàng Max... Ngay từ khi những cái tên ấy xỏ giày tập ở Lạch Tray, người ta đã phải bật ra câu hỏi: Ngọc Thanh sẽ đứng chỗ nào.

Chính Ngọc Thanh cũng tự thấy bất an. XM Hải Phòng hôm nay như là một chiến trường, nơi mà đồng tiền là thước đo giá trị còn lớn hơn cả tình cảm và sự gắn bó.

Ngọc Thanh Văn Thành XM Hải Phòng. Ảnh: Đức Anh
Văn Thành đã bị đẩy đi trước mùa giải mới, và đúng lúc bắt đầu V-League 2010, đến lượt Thanh "khùng". Ảnh: Đ.A

Hàng loạt cựu binh được lãnh đội giải phóng một cách "mạnh dạn", như là một bước tất yếu để thanh lọc đội hình. Cỡ đội trưởng Tuấn Điệp hay đội phó Văn Thành mà còn phải ra đi thì những người còn được ở lại, kiểu Ngọc Thanh, không thể không cảm thấy chông chênh.

Thanh đã chủ động xin rời đội để đi tìm bến đậu, nhưng đổi lại chỉ là những cái lắc đầu vừa quyết liệt vừa lạnh lùng.

Những mâu thuẫn âm ỉ nhen nhóm trong quá trình tập luyện, rồi đá giao hữu. Ngọc Thanh mất dần vị trí. Cho đến lúc xảy ra sự cố khiến anh bị kỷ luật thì Hải Phòng hoàn toàn có thể đá mà không cần đến Ngọc Thanh. Nguyên nhân kỷ luật vẫn là cố tật: nói nhiều!

Suy cho cùng, giữa một tập thể toàn sao, "trị" Ngọc Thanh cũng là một mũi tên trúng nhiều đích của lãnh đạo Hải Phòng. Chỉ có điều, sau mũi tên đó, mối duyên giữa đôi bên cũng giống như mảnh gương đã vỡ.

Những ngày ở đội trẻ của Ngọc Thanh có thể sẽ là những ngày cuối cùng cầu thủ này ăn cơm Hải Phòng. Năm 2008, Thanh từng có ý định sang Trung Quốc đá cho Thẩm Dương, nhưng bất thành. Còn bây giờ, chẳng cái gì níu chân anh được nữa.

Cũng có không ít đội bóng đang hăm hở đợi Hải Phòng thanh lý Ngọc Thanh để đón anh về. Thanh không lo thất nghiệp, nhưng hợp đồng của anh với Hải Phòng vẫn còn 9 tháng. Và nhanh nhất thì cũng phải đợi hết giai đoạn lượt đi, Thanh "khùng" mới có thể "sổ lồng".

Trước sau gì anh cũng rời Hải Phòng, chỉ tiếc rằng anh lại phải chia tay đất Cảng theo cái cách không hề mong muốn. Và Hải Phòng bắt đầu V-League, một trận đấu cam go trên sân Đà Nẵng, cũng theo cách chẳng giống ai: trảm công thần...

  • Anh Đức

Ý kiến của bạn

Các tin khác