Còn đó ’hồn’ Thể Công

Cập nhật lúc 00:02, 31/01/2010 (GMT+7)

- Cái tên Thể Công đã bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá VN nhưng phần Viettel thì vẫn còn tồn tại, cho dù chỉ ở giải hạng Nhất.

Và chiều 30/1, các cầu thủ Viettel dưới sự dẫn dắt của một ê kíp toàn người Thể Công cũ đã ra sân thi đấu trận đầu tiên tại giải hạng Nhất.

Trên khán đài, lãnh đạo Tổng công ty Viettel, Trung tâm bóng đá Viettel vẫn đủ, thêm cả fan ruột, Chủ tịch Hội CĐV Thể Công, nghệ sỹ ưu tú Đức Trung.

Họ đến xem trực tiếp trận đấu, một công việc rất thường xuyên trong những mùa giải trước khi Thể Công còn hiện diện.

HN.ACB Viettel. Ảnh: Đức Anh

HN.ACB (áo xanh) và Viettel vẫn là một trận derby Hà Nội. Ảnh: Đức Anh

Giờ, phần lớn các cầu thủ Thể Công cũ đã về dưới trướng tướng Giang tại Lam Sơn Thanh Hóa. Những người còn ở lại thuộc diện cựu binh ra sân thi đấu trong màu áo Viettel chỉ còn thủ môn Vũ Dũng.

Ngoài hai ngoại binh Abass Foday Silia (người ghi bàn mở tỷ số) và Ericfredy Zambonaiti, số còn lại toàn là các cầu thủ trẻ, lứa U-19 đã thi đấu khá thành công tại giải U-19 QG năm 2009.

Nói cách khác, Viettel bây giờ chẳng khác nào đội trẻ của Thể Công trước kia. Không có ngôi sao, những biểu tượng, thủ lĩnh của đội bóng để người hâm mộ trông vào mà cổ vũ.

Có lẽ cũng chính vì thế mà những người đến sân ủng hộ cho HLV Đỗ Mạnh Dũng và các học trò ở trận đấu chiều 30/1 trên sân Hàng Đẫy khá ít, chỉ vỏn vẹn vài ba hàng ghế ở một khu vực nhỏ trên khán đài B.

Người ta không còn thấy Khuê râu, Sỹ trọc hay Mạnh béo, những cái tên đã trở thành thương hiệu trong giới CĐV cả của Thể Công lẫn ĐTQG Việt Nam.

Các CĐV này vì những lý do khác nhau đã không đến sân cổ vũ nữa, bỏ lại công việc cho những người còn lại.

HN.ACB Viettel. Ảnh: Đức Anh

Và Viettel giờ là tập thể trẻ trung với hầu hết là các cầu thủ mới 19, 20. Ảnh: Đức Anh

Mặc dù số lượng ít nhưng sự cuồng nhiệt nơi các CĐV này vẫn có. Điều đặc biệt là khi cổ vũ, các CĐV không gọi Viettel như tên gọi bây giờ của đội bóng mà vẫn kêu "Thể Công".

Vâng "Thể Công". Hai tiếng thân thương đã ăn vào máu, thịt, suy nghĩ của lớp lớp thế hệ các cầu thủ, cả những CĐV.

Để rồi giờ đây khi Thể Công đã được chuyển giao, chỉ còn Viettel. Ấy thế nhưng, Thể Công vẫn có trong từng câu nói, những tiếng reo hò, cổ vũ của các CĐV.

Không còn Thể Công nhưng đã có Viettel và hy vọng sẽ có một ngày, những Đức Huy, Văn Quyết, Quang Tú, Văn Lâm, Đức Thắng, Duy Trung, Văn Cường... trở thành những biểu tượng tinh thần mới của các CĐV.

Chừng đó đã là quá đủ và đáng là cái đích để thế hệ các cầu thủ Viettel hôm nay tiếp bước lớp đàn anh mà phấn đấu.

  • Chí Lâm

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

cachuoi, paris, 13:53, 03/02/2010

Bóng đá gắn liền với tính truyền thống, tên tuổi 1 đội bóng ko ngày 1 ngày 2 là xây dựng lên được. Có thể sa thải HLV, bất tín nhiệm Chủ tịch nhưng ko ai đổi tên 1 CLB có lịch sử gần nửa thế kỉ và 1 lịch sử huy hoàng cả. Chỉ có người VN mới nghĩ ra cái việc điên rồ như thế. Cái cách làm bóng đá này đúng là giết bóng đá, thử bỏ 1 giây suy nghĩ sao Chealsea ko đổi tên thành FC Roman nhỉ !?!

thanh, 00:07, 31/01/2010

Khoe cho lắm, cái tên Thể Công không bằng giá của một cầu thủ như Việt Thắng. Vậy có gì mà tiếc?

Tin liên quan

Các tin khác