Bóng đá TP.HCM và Thanh Hóa sau lời hứa...

Cập nhật lúc 06:50, 20/01/2010 (GMT+7)

- Thanh Hoá xa TP.HCM cả ngàn km, nhưng số phận hai đội bóng này giống nhau đến kỳ lạ. Một kết cục xuất phát từ sự nghiệp dư và hứa lèo của những nhà làm bóng đá nơi đây...

1. Tin Thanh Hoá B "bỗng dưng giải tán" đồng thời rút khỏi giải hạng Nhất 2010 khiến nhiều người trong và ngoài cuộc sốc thực sự, dù đoàn quân của HLV Đàm Văn Hải chẳng phải cái tên đáng chú ý trong làng bóng đá Việt.

Thế nhưng vẫn sốc, bởi mới ít tháng trước ngay sau khi đội bóng này xuống hạng, lãnh đạo xứ Thanh đã đứng ra kêu gọi đại loại "phục hưng bóng đá Thanh Hoá"... Thậm chí, kể cả khi mua suất đá V-League của Thể Công, đội bóng từng là hiện tượng của V-League 2007 vẫn vững như thạch sau những lời hứa hẹn.

Thanh Hoá buồn.Ảnh: CTV
Xuống hạng đã buồn, nay Thanh Hoá còn đón thêm 1 tin đau hơn nữa. Ảnh: CTV

Vậy mà, chỉ 1 ngày sau khi hạn chốt danh sách các cầu thủ tham dự V-League, hạng Nhất mùa giải 2010, Thanh Hoá B đã quyết định gửi công văn xin không tham dự mùa bóng năm nay thì quả thực là sốc.

Không sốc và ngỡ ngàng sao được khi hơn 20 con người lúc này chưa biết đi đâu về đâu, tương lai ra sao, cảm thấy lòng đắng ngắt bởi những lời hứa suông...

2. TP.HCM vẫn tham dự giải hạng Nhất mùa bóng năm nay, và khát vọng thì không đổi với mục tiêu trở lại V-League, chỉ có điều giấc mơ đó của thầy trò HLV Võ Hoàng Bửu giờ khó hơn cả việc "hái sao trên trời".

Chẳng khác gì so với Thanh Hoá B, ngay sau khi rớt khỏi đấu trường cao nhất của bóng đá Việt Nam, đoàn quân rệu rã TP.HCM bỗng "rạo rực" hẳn khi lãnh đạo của LĐBĐ TP, các ban ngành nhập cuộc phân tích, mổ xẻ và đặt mục tiêu vực dậy đội bóng này.

TP.HCM.Ảnh: Quốc An
Và TP.HCM cũng thế... Ảnh: Quốc An

Nhưng bây giờ thì khác, kể từ khi cái tên Navi bank Sài Gòn xuất hiện, liền lập tức đội bóng được ví như "con ruột" hay biểu tượng một thời ở thành phố đông dân, kinh tế mạnh nhất cả nước này bị cho ra rìa.

Đau chuyện lãnh đạo TP.HCM đòi thẳng tay 10 tỷ (được chuyển xuống cho mục tiêu làm lại đội bóng) thì ít, mà người ta đau vì lời hứa, vì sự vô tâm và thậm chí là vô cảm với số phận đội bóng giàu truyền thống này thì nhiều.

3. Bây giờ Thanh Hoá B chưa biết sắp tới thế nào có thể chuyển giao hay bán luôn cho doanh nghiệp, địa phương nào đó cũng chẳng khác đi là mấy. Bởi, số phận của hơn 20 con người đang khoác áo ở đây sẽ phải đợi ít nhất nửa mùa giải nữa mới có thể giải quyết.

TP.HCM. Ảnh: Đông Linh
Thanh Hoá đã coi như chết, còn TP.HCM liệu có sống khi người ta chỉ biết hứa?.Ảnh: Đông Linh

Bóng đá là một cái nghề, và nhiều người lấy nghề này nuôi sống gia đình, vài tháng thất nghiệp chắc cũng chẳng đến nỗi chết. Nhưng, niềm tin hay động lực để chơi bóng có lẽ chẳng thế sống nổi.

TP.HCM vẫn tồn tại, ít nhất cho hết mùa giải năm nay, nhưng có niềm tin để đá được không khi trong két sắt của đội nhà chẳng có nhiều tiền.

Nghiệt ngã hơn là câu chuyện HLV Võ Hoàng Bửu nửa đêm nhờ người cầm chiếc xe thi đấu của đội nhà lấy tiền nhằm "lót tay" cho 1 cò cầu thủ, với mục tiêu giữ được Uwanaka để phục vụ cho đội mùa bóng tới.

Chẳng biết câu chuyện đó thực hư ra sao, nhưng Uwanaka thì không giữ được vì thiếu tiền, còn niềm tin của thầy trò Võ Hoàng Bửu thì vụn vỡ, bất chấp mới rồi họ cũng giành hạng 4 ở cúp Liên đoàn TP.HCM.

Bây giờ người ta bảo bóng đá xứ Thanh không có bản sắc, TP.HCM cũng vậy. Nhưng với nền bóng đá Việt thì lại có, nghiệp dư và hứa lèo cũng là một bản sắc vậy!

  • Duy Linh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Thanh Hùng, Thanh Hóa, 07:58, 24/01/2010

Chúng ta nên nhớ: lãnh đạo địa phương (tỉnh, thành phố) có bao nhiêu việc lớn phải quan tâm. Tất nhiên, bóng đá cũng cần quan tâm, nhưng dù sao, bóng đá cũng chỉ là bóng đá, một đội bóng đá là gì so với hàng ngàn, hàng vạn người nghèo và đói nữa? Đá kèm, tinh thần thi đấu kém thi bỏ nghề, kiếm việc khác mà làm. Sao cứ bắt dân phải đóng góp để nuôi mãi?

Cầu thủ bóng đá cũng phải xác định chuyện không ai thuê đá nữa cũng là "tính chuyên nghiệp" của bóng đá chứ, Nếu không thì lại thành "bao cấp" mất rồi. Cái giá phải trả cho mọi hoạt động (trong đó có bóng đá) phải có chừng mực, để dân đỡ phải nai lưng đóng góp. Chúng ta không thể vì sự "cuồng nhiệt" hay "cay cú" mà nói bừa là: "Các lãnh đạo TpHCM thiệt đúng là tồi tệ" như kiểu bạn Bang nào đó đựoc.

Bang, HCM, 07:12, 20/01/2010

Các lãnh đạo TpHCM thiệt đúng là tồi tệ, hết Hải Quan, rồi tới CA.TPHCM và bây giờ chỉ còn lại CLBTPHCM, từng đội từng đội của Tp dần dần bị giải thể trong tuyệt vọng bởi sự thờ ơ vô tâm của những người làm bóng đá & lãnh đạo UBND của Tp. Sao họ không cảm thấy sự đau lòng của người hâm mộ khi nhìn thấy cảnh này!

Tin liên quan

Các tin khác