,
221
10782
Bình Luận Thể Thao
binhluanthethao
/thethao/binhluanthethao/
1236784
SLNA - Khi người ta khổ
0
Article
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

SLNA - Khi người ta khổ

Cập nhật lúc 13:16, Thứ Ba, 22/09/2009 (GMT+7)
,

V-League 2009 là giai đoạn gian khổ nhất với bóng đá xứ Nghệ, nó vẫn không nung chảy được những món vàng mười của lò Sông Lam. Nhưng khi khó khăn đã tạm qua thì những vấn đề "hậu chiến" lại nảy sinh...

>> Bài cuối: Mô hình nào cho bóng đá Việt?
>> Đà Nẵng, thắng lớn nhờ lối đi riêng
>> XM Hải Phòng, đồng tiền mà biết nói năng
>> T&T HN, tân binh chơi nổi
>> Bình Dương, chơi bóng kiểu "đại gia"
>>
ĐT.LA - Khi lửa nhiệt tình đã cạn
>>
V-League 2009: Thời thế đổi thay
>> HA.GL - Bao giờ trở lại là... tiên phong

Nợ lương, chậm thưởng &... huy chương

SLNA bước vào V-League 2009 "nhẹ gánh" hơn tất cả các mùa giải trước. Rất đơn giản, là vì họ không gắn thêm thương hiệu của bất cứ nhà tài trợ nào.

Nói như các CĐV của Sông Lam thì "áo quê choa mùa này sạch", nhưng với các cầu thủ, đó chỉ là một nỗi tủi hờn. Chẳng có đội bóng nào chuẩn bị cho cả một mùa giải mới chỉ bằng tiền bán một ngôi sao.

Tháng 10/2008, Tài chính dầu khí đơn phương cắt hợp đồng trước 1 năm, bất chấp những nỗ lực níu kéo từ phía SLNA. Lý do rất chính đáng: CLB không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Lãnh đạo SLNA "cay mũi", nhưng chẳng thể làm gì. Điều khoản cam kết có ghi rõ, TCDK rót cho SLNA 7 tỉ/năm, với điều kiện CLB trụ được ở Top 5. Nếu rớt ra khỏi Top 5 thì cứ tụt 1 bậc sẽ trừ 20% tiền tài trợ.

SLNA. Ảnh: Đức Anh
Trong muôn vàn khó khăn, SLNA đoạt đồng hạng Ba cúp QG và HCĐ V-League 2009. Ảnh: Đức Anh

Chẳng năm nào SLNA làm cho "bình sữa" của mình được hài lòng. Mùa 2007, về đích thứ 7, bị trừ 20%. Mùa 2008 còn tệ hơn, xếp hạng 9 cộng thêm 3 "tai nạn" không thể tha thứ: vỡ sân trận gặp Thể Công, ẩu đả chết người trận gặp Hải Phòng và 4 cầu thủ bị kỷ luật sau trận thua HN.ACB.

2 tháng sau V-League 2008, SLNA không còn cơ hội giữ chân Công Vinh nữa. Khi ấy, Vinh coi như đã là người của Thể Công (phút chót mới ngoặt sang T&T HN).

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly. TCDK soạn công văn như một lời tiễn biệt gửi đến trụ sở đội bóng. Sông Lam nháo nhác, tìm mọi cách hoãn binh. Họ còn biết bao nhiêu kế hoạch đang đợi tiền...

Nhưng đồng tiền không có cảm xúc, lại càng chẳng biết cảm thông. SLNA đành trông cậy vào khoản T&T HN bù đắp từ thương vụ Công Vinh để trang trải suốt giai đoạn chạy đà cho mùa bóng 2009, từ mua sắm ngoại binh (dĩ nhiên là chất lượng thấp) đến thi đấu tập huấn (chỉ có 1 giải duy nhất là Ninh Bình mở rộng).

Họ bán tiếp Minh Đức cho Hải Phòng, đẩy Viết Nam về HP.HN... trong nỗ lực tìm kiếm nguồn thu. Quốc Vượng cũng không còn là của họ, nhưng bù lại, được Thể Công chuyển giao cho thủ môn Michal như một hành động ân tình hơn là tiền bạc.

Cứ thế, SLNA lết vào V-League theo cảnh nhà nghèo chạy ăn. Ngân quỹ của Sông Lam còn eo hẹp hơn cả QK4, đội bóng được liệt vào dạng "cùng đinh".

Cầu thủ Sông Lam vẫn có người chạy xế hộp loại sang, vẫn phóng xe máy SH đi cafe, ăn sáng mỗi ngày, nhưng đa phần đều méo mặt khi cuối tháng. Lương đã thấp lại chậm, thưởng đã hẻo lại nợ... nhiều trận HLV Nguyễn Văn Thịnh phải động viên học trò đá bằng niềm tin.

SLNA đi cả mùa giải trong tâm trạng của một chiến binh cầm cự chờ cứu viện. Ở đâu đó là hình ảnh Lilama, với chiếc bánh vẽ 25 tỉ/mùa...

Phút cuối cùng, nhà tài trợ cho bóng đá Sông Lam cũng đến, nhưng nó không phải Lilama mà là ngân hàng Bắc Á. Tiền không rót quá nhiều nhưng rót "vô điều kiện" và rót đủ cho nhu cầu của Sông Lam.

Sông Lam không cần phải tự tay "làm kinh tế" nữa, và đó là lý do vì sao họ trụ lại được ở Top 3. Lần đầu tiên kể từ sau thời hoàng kim (2000, 2001, 2002), bóng đá Sông Lam lại có một tấm huy chương V-League (chưa tính đồng hạng Ba ở cúp QG)!

Vực dậy một tượng đài

SLNA "chào hàng" Bắc Á không chỉ bằng tấm HCĐ V-League, mà quan trọng hơn, họ còn trình làng lứa trẻ đầy triển vọng được dẫn dắt bởi một tượng đài vừa... sống lại. Văn Quyến!

Công bằng mà nói, dù Quyến có chìm trong bóng tối bao lâu đi nữa thì anh vẫn cứ là mối quan tâm hàng đầu của người hâm mộ Việt Nam. Và đặc biệt ở xứ Nghệ, Quyến chẳng bao giờ thôi là niềm hy vọng.

Hải Phòng SLNA Văn Quyến. Ảnh: Đức Anh
Văn Quyến (áo vàng) vẫn chưa thực sự "bứt phá", nhưng SLNA có lý khi xây dựng Quyến trở thành một biểu tượng. Ảnh: Đức Anh

Không ít người nhìn bộ dạng phục phịch, trắng trẻo mà lo cho tương lai của Quyến. Trong số đó có cả thầy Thịnh, bác Chiêm, những người ngày đêm ở bên cạnh Quyến và "đọc vị" được Quyến đến từng ý tưởng.

Nhưng lo là một chuyện, ai cũng chờ đợi một Văn Quyến "bản năng" trở lại trên sân bóng. Vì cái bản năng ấy sẽ rút ngắn được thời gian và cường độ luyện tập đi đáng kể.

Ngày đầu tiên tái xuất, Quyến ghi bàn vào lưới QK4. Nhưng "thằng béo" cũng mất trọn vẹn cả lượt đi để có bàn thắng thứ 2, cũng chính ở lần gặp lại đội bóng láng giềng này.

Đã có lúc Quyến làm cho người ta mất kiên nhẫn và đặt một dấu hỏi to đùng về sự nỗ lực, nhưng rồi đẳng cấp đã trả lời tất cả. Quyến ghi bàn từ sút xa, đá phạt, Quyến tham gia vào lối chơi chung bằng những đường chuyền...

Quyến chưa thể là Quyến bùng nổ của thời 2003, nhưng Quyến đã bắt đầu tạo ra được cảm giác hồi sinh. Quyến bắt đầu là chỗ có thể dựa được cho các đàn em, những tuyển thủ U-23 Trọng Hoàng, Đắc Khánh, Văn Bình... Và Quyến bắt đầu đi đúng theo cái cách mà bóng đá xứ Nghệ vẫn quen xây cho mình một tượng đài...

Sông Lam xưa nay luôn có thủ lĩnh để mọi người nhìn vào cùng đá. Hữu Thắng ngày trước và Huy Hoàng hôm nay.

Nhưng Huy Hoàng đã sắp thành quá khứ. Hoàng đã sa sút khá nhiều 2 năm trở lại đây, và Hoàng cũng có thể ra đi trước thềm 2010 với cái giá phá kỷ lục của Công Vinh.

Chỉ còn Văn Quyến là người đảm đương sứ mệnh tinh thần đó, bởi Xuân Thắng cũng là người xa xứ mới về (và chưa chắc đã gắn bó lâu dài), Như Thuật mãi không lớn được...

Đấy cũng chính là lý do mà SLNA quyết tâm giữ Quyến, dù trước mùa giải vừa rồi, Quyến đã có lúc nhất mực đòi đi. Lilama, khi đàm phán tài trợ cho SLNA cũng khăng khăng phải có Quyến như một phần bắt buộc của bản hợp đồng.

Và chính bản thân Quyến, cho đến giờ phút này, đã khẳng định ở lại Sông Lam là quyết định sáng suốt nhất cho lần trở lại của mình. Bất chấp việc Quyến rất cần tiền, còn Sông Lam thì lại nợ tiền lót tay của Quyến gần như suốt cả mùa!

Và Sông Lam thời "hậu chiến"

SLNA 2009 là một SLNA thành công trên tất cả các mặt trận, từ thành tích đến giá trị hình ảnh. Uy tín trên sân cỏ giúp SLNA dễ tìm được Mạnh Thường quân hơn và cũng được định giá cao hơn trong hành trình cổ phần hoá.

Bắc Á vẫn tiếp tục đổ tiền nuôi Sông Lam mùa giải tới. Lilama dù không phải là nhà tài trợ độc quyền (sau khi khúc mắc với tỉnh về chuyện đất đai) nhưng cũng tuyên bố sẽ góp vốn trong công ty cổ phần bóng đá SLNA.

HLV Nguyễn Văn Thịnh. Ảnh: Đức Anh
Cuộc khủng hoảng thừa sắp xảy ra, ở vị trí của HLV Nguyễn Văn Thịnh (đội mũ) và trợ lý Lê Kỳ Phương? Ảnh: Đức Anh

Tuy nhiên, Sông Lam từ xưa vẫn thế, thường nổ ra "chiến sự" đúng vào lúc tưởng như hoà bình nhất. Cổ phần hoá Sông Lam là dự án từ 2 năm nay, nhưng nó chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận. Giờ là lúc SLNA không thể không đi theo tiến trình chung của bóng đá Việt, song vẫn còn rất nhiều cản trở.

Ở SLNA, xung đột luôn tồn tại giữa cái thủ cựu và cách mạng, giữa suy nghĩ lạc hậu và cấp tiến. Xung đột tồn tại ngay trong những người ngày nào cũng ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm.

Đó là chưa tính đến cuộc khủng hoảng thừa sắp xảy ra ở thượng tầng. Ông Nguyễn Hồng Thanh sau những ngày thất bát ở Thủ đô đã quay về. Hữu Thắng vừa thành công vang dội cũng nhận lệnh vu hồi. Người Sông Lam đang nhắm đến một cuộc lột xác chăng?

Không ai phủ nhận tài kinh bang tế thế của "Khổng Minh xứ Nghệ". Cũng không ai phủ nhận khả năng làm việc của Hữu Thắng. Nhất là tại Vinh, nơi mà ảnh hưởng của hai nhân vật này đã bao trùm suốt kỷ nguyên rực rỡ (giành 2 chức VĐQG, 1 cúp QG, 1 siêu cúp).

Thế nhưng sự xuất hiện đồng loạt của họ dường như lại đang là đối trọng với vai trò của HLV Nguyễn Văn Thịnh và ê-kíp cũ. Ông Thịnh đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn khó khăn nhất, nên sẽ rất bất công nếu ông không còn trên băng ghế chỉ đạo mùa tới (hoặc vẫn còn, nhưng không có tiếng nói quyết định nữa).

Ông Thịnh có biệt tài làm bóng đá trẻ. Cả dàn cầu thủ SLNA hiện giờ đều đã qua tay ông đào luyện. Song nếu lại đẩy ông về làm trẻ thì quả là phí nhân tài.

SLNA đang thừa người "trụ trì", trong bối cảnh rất nhiều đội bóng khác ở V-League, giàu có hẳn hoi (như HA.GL, T&T HN...) đang chao đảo vì không có "tướng".

Nếu xảy ra một cuộc "thanh lọc" ở SLNA, rất có thể nhiều đối thủ khác sẽ... vỗ tay vào.

  • Anh Đức

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
stats_src.replace("_referrer_", r));