Phía sau nỗi đau sống mòn... (kỳ cuối)
- Cứ sau mỗi lần bóng đá TP.HCM xuống hạng hay tuột dốc, những người có trách nhiệm lại lên tiếng rằng cần phải có một “Hội nghị Diên Hồng” để tìm cách vực nó dậy. Năm 2003 khi Cảng Sài Gòn xuống hạng cũng thế và khi Ngân hàng Đông Á bị đánh tuột hạng rồi xóa sổ cũng vậy. Nhiều lần nhưng chưa bao giờ bóng đá TP.HCM tìm được lối ra…
>> Phía sau nỗi đau sống mòn... (kỳ 2)
>> Phía sau nỗi đau sống mòn...
>> Chủ tịch Lê Hùng Dũng: "BHL đã không hoàn thành nhiệm vụ..."
>> HLV Lư Đình Tuấn: "Nếu TPHCM xuống hạng"...
>> Không còn chỗ cho bóng đá Sài thành...
>> QK4 thoát hiểm, TP.HCM rớt hạng, Nam Định đi play-off
>> Sân Thống Nhất: Nghiệt ngã được báo trước
Kỳ cuối: AI VÌ BÓNG ĐÁ TP.HCM?
Khi CLB TP.HCM xuống hạng, nhiều khán giả giận dữ đã đòi các vị ở LĐBĐ TP.HCM phải từ chức.
Bóng đá là một phần của sự tuột dốc trong ngành thể thao địa phương
Thực chất thì người hâm mộ không phải ai cũng hiểu hết ngọn ngành và càng không phải ai cũng biết rằng từ lâu, LĐBĐ TP.HCM đã không còn có tiếng nói hay đóng góp gì cho CLB TP.HCM như trước đây từng làm với CA TP.HCM, với Hải Quan, với Cảng Sài Gòn.
TP.HCM không chỉ tuột dốc về bóng đá mà còn mất nhân tài ở các môn thể thao khác. Nữ hoàng điền kinh Trương Thanh Hằng (giữa) là một ví dụ. Tất cả đều do chế độ đãi ngộ không thỏa đáng |
Xét cho cùng thì sự tuột dốc của bóng đá chỉ là một phần của sự tuột dốc chung trong ngành thể thao TP.HCM.
Và cũng không chỉ có người tài của bóng đá TP.HCM mới ra đi. Điền kinh, quần vợt, xe đạp, thể hình, bơi lội… cũng từng có những cuộc ra đi hàng loạt vì “đất không lành”.
Nói đúng hơn là vì môi trường phát triển lẫn chế độ đãi ngộ của TP.HCM không theo kịp với nhiều địa phương dù đấy là trung tâm kinh tế mạnh nhất nước.
Bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật ấy và sự tuột dốc của nó đã tăng dần đều qua từng đời giám đốc Sở TDTT.
Thời ông Phạm Văn Kiết, thể thao TP.HCM và bóng đá còn là thế mạnh. Sang thời ông Trịnh Thanh Bình thì tất cả đều tuột theo cấp độ lớn. Đến thời ông Nguyễn Hoàng Năng thì tuột xích hẳn và có lúc cả ngành cùng chung tay với nhiều hội nghị, nhiều phương án để vực lại nhưng không kịp.
Thế nên chỉ nhìn vào bóng đá không mà không nhìn vào những môn thể thao thế mạnh khác của TP.HCM bị đánh mất là thiếu công bằng.
Theo không kịp
Ngày Cảng Sài Gòn còn là một đội bóng độc lập, họ cũng từng bị lao đao trước những cơ chế mới. Đã có lần đội bóng tưởng bị xóa sổ nhưng rồi họ lại được đùm bọc bởi những công nhân Cảng chịu trích phần quỹ phúc lợi ra để đội bóng qua cơn nguy khốn.
Những con số + Trindade khi về CLB TP.HCM đá một mùa và lên ngôi vua phá lưới với mức lương 3.500 USD/tháng thì mùa sau cầu thủ này đòi tăng lương nhưng cứ chờ, đợi và nghe hẹn nên cuối cùng Trindade về Hải Phòng với mứa lương 8.000 USD/tháng
+ Trong khi T&T Hà Nội sẵn sàng bỏ 8 tỷ để mua Công Vinh, Bình Dương bỏ tiền tỷ để có hai tiền đạo trẻ của TP.HCM là Đức Tài và Đức Thiện thì HLV Lư Đình Tuấn chuẩn bị cho mùa 2009 mua bốn cầu thủ nội với giá chỉ 400 triệu đồng.
Đã có lần các ban ngành khác ở Cảng phản đối vì đội bóng tốn kém quá nhưng ông Tổng giám đốc Trần Văn On đã đưa ra những giải pháp để đời sống công nhân không thiệt thòi còn đội bóng thì vẫn tồn tại, vẫn phát triển.
Đến giờ ông cựu Tổng giám đốc Cảng Trần Văn On vẫn nói, hồi đấy ông quyết liệt không phải vì cái đội Cảng Sài Gòn của ông mà vì bóng đá TP.HCM và người hâm mộ TP.HCM.
Năm 2003, Cảng Sài Gòn xuống hạng đúng ở mùa bóng mà họ thi đấu với tư cách đội đương kim vô địch.
TMN.CSG đã không giữ chân được những ngoại binh có chất lượng như Elenildo (9) do lương thấp hơn hẳn các đội bóng khác
Họ xuống hạng khi các đội đã trả lương cầu thủ từ chục triệu đến vài chục triệu trong khi cầu thủ Cảng Sài Gòn vẫn có người ăn lương vài triệu như công nhân Cảng.
Cũng năm ấy, người dẫn đầu Cảng Sài Gòn không còn là ông Tổng giám đốc Trần Văn On máu mê với bóng đá.
Và Cảng Sài Gòn đã phải tính đến giải pháp ghép cái đầu Thép vào để tồn tại. Phần con người và cái tên cũ được tính 1/4 vốn đầu tư trong khi phía Thép bỏ tiền tươi 3/4 vốn để cùng song hành.
Vất vả lên hạng rồi tồn tại được vài mùa thì cái đội bóng ấy lại đổi tên. Cái tên CLB TP.HCM thực chất không phải là của TP.HCM mà là của cái công ty cổ phần bóng đá TMN-CSG trước đây (nay là công ty cổ phần bóng đá TP.HCM) với hy vọng cái tên ấy sẽ quy tụ được nhiều nguồn tài trợ.
Nhưng nghiệt nỗi ngay mùa đầu tiên với cái tên mới thì CLB TP.HCM phải xuống hạng.
Đội bóng là của ai?
Bây giờ thì rất nhiều người nói vì bóng đá TP.HCM nhưng qua cách làm và qua cách quản lý thì rõ ràng người vì bóng đá TP.HCM không đóng góp được.
Trong khi đó thì người đến với cái công ty cổ phần bóng đá TP.HCM nắm quyền sinh quyền sát đa phần là những người mong cái cổ phần của mình lớn mạnh lại là những người không biết làm bóng đá và càng không vì bóng đá TP.HCM.
CLB TP.HCM tưởng là của TP.HCM nhưng thực chất lại không phải. Ảnh: Đông Linh
Chiếc áo đã không làm nên thầy tu và bóng đá TP.HCM cũng trong bối cảnh ấy sau cái tên mới. Đến giờ nhiều người vẫn lầm tưởng CLB TP.HCM là của TP.HCM nhưng thực chất không phải thế.
Điển hình là nhiều cầu thủ vất vả gồng mình cho từng trận đấu và phải chực chờ ở sân bay vì đi hàng không giá rẻ thì lãnh đạo của địa phương lại tươi cười đi thăm đội bóng ở tỉnh khác (!?).
Nói những vị lãnh đạo LĐBĐ TP.HCM không vì bóng đá TP.HCM thì không hẳn. Họ có lo, có buồn và muốn can thiệp nhưng thực chất không đủ tư cách để nhúng tay vào sự phát triển lẫn sinh tồn của cái công tay cổ phần bóng đá đang nuôi đội bóng và trả lương cho đội bóng.
Cái sai của đơn vị này là cái sai của nhiệm kỳ trước khi cùng Sở TDTT đồng ý “gả con” cho nhà trai và xem việc gả con xong là hết nhiệm vụ. “Nhà gái” cũng không cần biết tiềm lực của nhà trai hoặc thẩm định “chú rể” có đáng tin cậy để sống với con gái mình trọn đời trọn kiếp không hay chỉ là mượn cô dâu để làm ăn.
Cũng cách làm ấy Bình Dương gửi “con gái” cho “nhà trai” vốn là một công ty của Tỉnh ủy vừa tiềm lực dồi dào lại vừa đảm bảo mối liên hệ giữa lãnh đạo tỉnh ủy - Sở VH-TT&DL - đội bóng.
Tương tự Đà Nẵng khi giao đội bóng cho SHB cũng kèm rất chặt đối tác và mối quan hệ giữa thành phố và thậm chí là giữa ông bí thư thành ủy với đội bóng và đối tác được xem như môi với răng.
Hội nghị Diên Hồng cho bóng đá TP.HCM để mổ xẻ thất bại nếu làm cũng chỉ là hình thức nếu phần cốt lỗi của vấn đề không được nhìn nhận một cách đầy đủ.
Đã có ai phân tích đầy đủ bộ máy quản lý của bóng đá TP.HCM xem đâu là vai trò của Sở VH-TT&DL, đâu là vai trò của LĐBĐ TP.HCM và các đơn vị này không muốn nhúng tay hay không thể nhúng tay vào một đội bóng có phần hồn và phần xác của cái công ty cổ phần bóng đá?
Xét cho cùng cái chết của bóng đá TP.HCM là vì ở đấy, chỉ gói gọn trong phần lời, lỗ của một công ty cổ phần bóng đá mà không có một lộ trình hay một nền tảng như kiểu TP.HCM từng làm với các đội bóng đúng nghĩa là "những đứa con của thành phố".
Đấy là cái thời bóng đá Sài Gòn ngự trị ở đỉnh cao với một tuyến trẻ có nền tảng vững chắc và những đội bóng mạnh được vun đắp bởi những người (từ trên xuống dưới, từ cấp cao đến các cấp dưới) biết yêu bóng đá, vì bóng đá.
-
Nguyễn Nguyên