Bóng đá TP.HCM, bao giờ có lối ra?
- Cuốn tài liệu dày vài chục trang được in rất đẹp và trao tới tận tay các đại biểu tham dự Đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM chiều 22/5 cũng không đủ giúp những người tới dự hết lấn cấn với những câu hỏi về số phận bóng đá TP lớn nhất nước...
1. Chăm cái gốc mà bỏ quên phần ngọn
Nếu ai chỉ nhìn vào sân chơi phong trào của thành phố này, chắc sẽ lầm tưởng bóng đá TP.HCM sẽ là số 1 ở Việt Nam. Này nhé, sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo ở đây đi đầu và hiện tại có cả trăm sân đang hoạt động sôi nổi mỗi ngày.
Sân cỏ dành cho bóng đá 11 người ngoài sân Thống Nhất, QK7 đạt chuẩn đá giải quốc tế thì còn cả chục sân khác đủ chuẩn đá giải trong nước. Chưa nói tới TP.HCM còn có trung tâm Thành Long, trung tâm đào tạo trẻ Scavi Rocheteau...
Đội nam TP.HCM (áo trắng) đang lâm vào cảnh khốn khó.Ảnh: Gia Khánh
Đã vậy, riêng về futsal, bây giờ TP.HCM cũng là số 1 cả nước với anh cả là Thái Sơn Nam đã có cả huấn luyện viên ngoại, GĐKT và thậm chí là đào tạo vận động viên. Hay những sân chơi dành cho trẻ em của Vinamilk- Arsenal vào mỗi cuối tuần cũng là niềm mơ ước của các thành phố khác...
Tất cả điều đó đã tạo cho bóng đá TP.HCM vẻ bề ngoài rất hoành tráng. Nhưng, đi sâu vào trong mới thấy phần gốc tưởng chắc thế hoá ra ruột mục rỗng hết cả.
Bóng đá đỉnh cao nam, TP.HCM từng có cả chục đội trong đó ít nhất có Hải Quan, CA.TP HCM, và TP.HCM (tiền thân là CSG) chơi và có thành tích ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Đội nữ TP.HCM (áo xanh) cũng không khá hơn.Ảnh: Đức Anh
Còn bây giờ, không nói tới Sài Gòn Utd đang chơi ở giải hạng Nhất (thực chất chỉ mượn tên) thì bóng đá đỉnh cao của thành phố phát triển bậc nhất Việt Nam còn mỗi TP.HCM. Nhưng ác nỗi, đội bóng này cũng đang "lâm trọng bệnh" ở V-League mùa bóng năm nay.
Bóng đá nữ, cũng là TP.HCM đi đầu và từng độc tôn ở Việt Nam, nhưng vị thế đó cuối cùng để cho hết Hà Tây, đến Hà Nội thậm chí là vùng mỏ Quảng Ninh lấn lướt, thành tích đoạt hạng 4/6 đội ở giải VĐQG 2009 vừa qua đủ thấy bóng đá nữ thành phố đi xuống mức nào.
Có thể nói, bóng đá TP.HCM có cái gốc (phong trào) rất vững và bản thân lãnh đạo LĐBĐ ở đây cũng hiểu và chăm chút rất nhiều cho sân chơi này, còn đỉnh cao được ví như phần ngọn, để người ngoài nhìn vào thì sự quan tâm chỉ nằm ở mức... cho hết trách nhiệm.
2. Lối thoát ở đâu?
Nhiệm kỳ IV của LĐBĐ TP.HCM bắt đầu từ năm 2008, trải qua 1 năm nhưng những khó khăn, những tồn tại từ khoá trước để lại vẫn như cũ. Tất nhiên, cả liên đoàn cũng đã cố gắng, nhưng rõ ràng chưa thay đổi được gì nhiều.
Thậm chí còn tệ hơn cả lúc trước, chẳng cần nhìn đâu xa cứ nhìn vào 2 đội bóng đại diện ở sân chơi đỉnh cao là đội nữ và CLB TP.HCM thì đủ hiểu. Mùa bóng 2008, bóng đá nữ cũng xếp hạng 4/6, năm nay cũng giữ nguyên hạng.
Trách nhiệm của lãnh đạo LĐBĐ TP.HCM khoá IV rất nặng nề. Ảnh: Gia Khánh
Còn TMN.CSG sau khi chuyển giao về cho liên đoàn và mang tên TP.HCM càng tệ hơn. Viễn cảnh trở lại đỉnh cao bỗng chốc hoá thành cơn ảo mộng, thầy trò Tuấn "nhím" hụt hẫng bởi những lời hứa.
Hậu quả thì ai cũng biết, TP.HCM bây giờ đang đứng áp chót bảng xếp hạng ở V-League, và với tình hình hiện tại hoàn toàn có thể xuống hạng. Và lúc đó, sân chơi đỉnh cao sẽ vắng bóng hoàn toàn các đại diện của Thành phố mang tên Bác, bởi Sài Gòn Utd cũng khó có cơ hội lên hạng vào cuối mùa.
Trong cuộc họp thường niên của Liên đoàn chiều 22/5, các đại biểu cũng đã nói và đề cập rất nhiều. Tất cả đều thấu hiểu thực trạng hiện tại của bóng đá TP.HCM, nhưng để đưa ra giải pháp thì "tắc tị".
Tất cả chỉ quanh quẩn với những bức xúc, với việc thiếu sự thu hút, tình hình khó khăn. Còn cách giải quyết và phấn đấu thoát khỏi khó khăn thì có cảm giác tất cả đều bó tay nhìn nhau.
Những kế hoạch rất chung chung tiếp tục được vẽ ra, trong khi số phận và điều mà người hâm mộ mong muốn nhất là cứu vãn đội bóng TP.HCM trụ hạng cũng lại là...chung chung cho đủ.
Chừng đó thôi cũng đủ hiểu, tương lai của bóng đá TP.HCM giống như 1 con đường cụt, hoặc 1 con đường rất dài và chưa thể tìm đến đích đến hoàn toàn không có lối thoát cụ thể.
Để xảy ra "thảm cảnh" đó, không thể đổ lỗi hoặc bắt Liên đoàn BĐTP chịu hết, phải chăng đó là hệ luỵ của một cơ chế lạc hậu kéo dài từ những khoá trước để lại. Có lẽ thế, nhưng vấn đề bây giờ không phải là đổ lỗi, mà tìm cách vực nó dậy.
Nhưng vực cách nào, làm ra sao có lẽ không chỉ bằng lời nói suông.
-
Mai Anh