Vuvuzela: Số người ủng hộ là 50/50
- Bạn hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh một fan hâm mộ đang có mặt tại Nam Phi, trực tiếp ’sống’ cùng World Cup, bạn sẽ thấy, đó là thứ không thể thiếu, làm nên nét đặc trưng riêng cho ngày hội lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi.
TIN LIÊN QUAN Vuvuzela: Cơn ác mộng hay niềm thích thú?
World Cup đã trôi qua được 1/3 chặng đường, vòng đấu bảng cũng đã bước sang loạt trận thứ hai với những cú sốc nho nhỏ mang tên Nam Phi hay Pháp.
Nhưng có một câu chuyện bên lề còn mang tính thời sự nóng hổi từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ, đó là tiếng kèn vuvuzela. Thích thú, kêu than, thậm chí ghét đến mức không thể chịu nổi, đó là hàng loạt cảm xúc trái chiều xung quanh tiếng kèn vuvuzela.
Vuvuzela, tinh thần của World Cup 2010. Ảnh: Getty |
Ngay đến cả FIFA sau khi đón nhận các ý kiến phản hồi đã phải vào cuộc và tính đến phương án cấm các CĐV mang vuvuzela vào sân vận động.
Nhưng như thế chẳng khác nào ’tước vũ khí’ của người lính trước khi ra trận, hóa bằng ngăn CĐV không đến sân cổ vũ, góp phần làm gia tăng nhiều khán đài trống vắng.
FIFA không thể làm vậy, họ không thể cấm vuvuzela vì như thế chẳng khác nào phá hỏng World Cup 2010, giải đấu cho đến thời điểm này vẫn diễn ra chưa thật sự hấp dẫn.
Và với các CĐV, trong đó có đông đảo người hâm mộ BĐVN theo dõi các trận đấu của World Cup 2010 qua sóng truyền hình thì xem World Cup cũng là chấp nhận vuvuzela, dù vẫn còn có những sự lựa chọn khác.
Trong các phản hồi mà bạn đọc gửi về thảo luận trên Thể Thao VietNamNet thì về cơ bản, tỉ lệ những người ủng hộ hay phản đối kèn vuvuzela là 50/50.
Không riêng gì người dân châu Phi, ngay cả các cầu thủ như ĐT Slovakia cũng phải mê mẩn. Ảnh: Getty |
"Kèn này hay đấy chứ. Nếu các bạn là những người đang ở đó thì có chắc là sẽ không thổi vuvuzela không?"- độc giả Hoang Van Nam lên tiếng.
Bạn dang hoc, cz còn thực tế hơn nữa với lời nhận xét: "Cũng giống như mắm tôm của chúng ta thôi .....Đã là truyền thống , văn hóa của người ta , mình phải chấp nhận dù bạn thích hay không thích".
Phạm Vũ Diệu, Thái Bình nói: "Vuvuzela là văn hóa của Nam Phi và chúng ta nên tôn trọng họ, giống như ở Serie A các cổ động viên đốt pháo sáng cổ vũ".
Ở hướng ngược lại, đã có những ý kiến phản ứng khá gay gắt đối với tiếng kèn vuvuzela. Đơn cử như trường hợp bạn Phuong Nguyen, Hoan Kiem Hanoi.
Vuvuzela còn là công cụ hữu hiệu để người dân Nam Phi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Getty |
"Tôi không thể chấp nhận tiếng ồn của loại kèn này, nó át hết tiếng hát, tiếng trống cổ vũ của cổ động viên trên sân bóng. Tiếng kèn như tiếng ruồi, nhặng kêu suốt trận đấu.
Không hiểu tiếng kèn cổ vũ cho đội thắng hay đội thua nên không biết được trạng thái của khán giả trên sân và chẳng có vai trò gì để cổ vũ cho cầu thủ trên sân đấu.
Cổ động viên Thể Công và cổ động viên VN cũng dùng tiếng kèn để cổ vũ nhưng tiếng kèn đó có giai điệu trầm bổng, hào hùng, thúc giục và động viên đội nhà tiến lên.
Tôi từng xem hàng nghìn trận bóng đá nhưng chưa trận nào tôi phải tắt tiếng tivi xem bóng đá câm như tại World cup lần này. Đề nghị FIFA quan tâm đến khán giả xem bóng đá qua truyền hình và trên sân đấu, cấm ngay việc cổ vũ bằng kèn Vuvuzela".
Có những người thích và những người không thích vuvuzela nhưng vì bóng đá, hãy biết cảm thông, chia sẻ và chấp nhận. Suy cho cùng, vuvuzela cũng chính là tiếng nói, lời chào thân thiện mà Nam Phi và cả châu Phi gửi đến thế giới bóng đá.
-
Thể Thao VietNamNet