10 ngôi sao bị coi là “kẻ phản chúa” đáng ghét nhất

Cập nhật lúc 08:24, 11/09/2010 (GMT+7)
Trong bóng đá, nhiều cầu thủ luôn sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời với một màu áo CLB. Tuy nhiên Tevez, Figo hay Ibrahimovic là trường hợp khác khi từng khoác áo các đội bóng vốn “không đội trời chung”.
TIN LIÊN QUAN
1. Carlos Tevez (Manchester United 2007-2009, Manchester City 2009-?): Trong những ngày cuối ở Old Trafford, Tevez đã khao khát được Alex Ferguson tái ký hợp đồng, tuy nhiên “máy sấy tóc” đã từ chối. Do vậy, tiền đạo người Argentina đã rời bỏ MU để gia nhập đội bóng cùng thành phố Man City mùa hè 2009. Hàng loạt tranh cãi và sự ấm ức của Tevez với CLB cũ được phơi bày trên báo chí.
Sau khi rời MU, Tevez đã khẳng định được mình ở Man City
Sau khi rời MU, Tevez đã khẳng định được mình ở Man City
Ở trận đấu tại Carling Cup, Tevez đã xuất sắc sút tung lưới MU giúp Man “xanh” chiến thắng. Tuy nhiên, anh cũng có hành động ăn mừng theo kiểu chế giễu đối thủ khiến Gary Neville phản ứng lại bằng cách giơ “ngón tay thối” về phía Tevez. Hiện tại, Tevez rất được ưu ái tại Man City với chiếc băng đội trưởng.

2. Emre Belozoglou (Galatasaray 1996-2001, Fenerbahce 2008-?): Khi mới 16 tuổi, Emre đã được đưa lên đội 1 của Galatasaray và là nhạc trưởng quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của HLV Fatih Terim. Sau khi cùng Galatasaray đạt được nhiều vinh quang, anh quyết định thử sức tại Inter, Newcastle nhưng đều thất bại. Sau đó, Emre về nước đầu quân cho Fenerbahce và bị các CĐV Galatasaray la ó khi hai đội bóng giáp mặt nhau.

3. Gabriel Batistuta (River Plate 1989-1990, Boca Juniors 1990-1991): Đỉnh cao của Batigol gắn liền với thời gian thi đấu cho Fiorentina hay AS Roma. Nhưng Batistuta khởi nghiệp tại River Plate từ năm 1989 và chỉ 1 năm sau, anh chuyển sang chơi cho “kẻ thù truyền kiếp” Boca Juniors. Đó là quyết định sáng suốt khi “Vua sư tử” ghi được 22 bàn/39 trận giúp Boca đoạt Clausura năm 1991.

4. Andreas Moeller (Borussia Dortmund 1988-1990, 1994-2000, Schalke 2000-2003): Danh tiếng của Moeller nổi như cồn sau khi sự tỏa sáng của anh trong vai trò nhạc trưởng giúp Dortmund đoạt Cúp C1 năm 1997. Nhưng bất ngờ đến năm 2000, anh rời bỏ đội bóng từng gắn bó suốt 12 năm để đầu quân cho Schalke 04, đối thủ không đội trời chung với Dortmund ở vùng Ruhr.

Moeller cũng thành công ở Schalke khi cùng CLB này đoạt 2 chiếc Cúp nước Đức. Sau 3 năm chơi bóng ở Veltins Arena, Moeller trở về Dortmund, thời điểm anh không còn duy trì đỉnh cao phong độ.
5. Zlatan Ibrahimovic (Juventus 2004-2006, Inter 2006-2009, Milan 2010-?): Sau khi rời Ajax, Ibra đã đầu quân cho Juve năm 2004 và anh nhanh chóng tỏa sáng giúp “Bà đầm già” giành 2 Scudetto liên tiếp. Nhưng sau sự cố Calciopoli 2006, tiền đạo người Thụy Điển đã đào tẩu sang Inter và cùng Nerazzurri 3 lần vô địch Serie A. Tiếp đó, anh lại rời bỏ sân Meazza để tìm kiếm vinh quang mới cùng Barcelona năm 2009.
Ibrahimovic thi đấu cho cả 3 CLB lớn nhất Italia
Ibrahimovic thi đấu cho cả 3 CLB lớn nhất Italia

Tuy nhiên, đó là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của Ibra khi anh không thể hòa nhập cùng lối chơi kỹ thuật ở Nou Camp. Và chỉ sau 1 năm, Ibrahimovic chuyển sang Milan theo dạng cho mượn. Chỉ trong vòng 6 năm, Ibra khoác áo cả Juve, Inter và Milan, ba đội bóng kình địch nhau ở xứ sở mỳ ống.

6. Johan Cruyff (Ajax 1964-1973, 1981-1983, Feyenoord 1983-1984): Sự nghiệp vinh quang của Cruyff gắn liền với những năm tháng đẹp đẽ cùng Ajax trong hai giai đoạn khác nhau. Nhưng trong những năm cuối sự nghiệp, ông lại quyết định thi đấu cho kình địch Feyenoord năm 1983. Ở mùa giải duy nhất thi đấu ở sân De Kuip, “thánh Johan” đã cùng Feyenoord đánh bại đội bóng cũ 4-1.

7. Luis Figo (Barcelona 1995-2000, Real Madrid 2000-2005): Trong lịch sử, có lẽ Luis Figo bị coi là “kẻ phản chúa” bị lên án nhiều nhất. Sự thù địch giữa Barca và Real là điều ai cũng nhận ra, tuy nhiên sau 5 năm cống hiến, Figo rời Barcelona để gia nhập Real Madrid năm 2000 để trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới lúc đó với giá 58,5 triệu euro.
Chuyển sang Real, Figo trở thành đối tượng bị các CĐV Barca căm ghét
Chuyển sang Real, Figo trở thành đối tượng bị các CĐV Barca căm ghét

Và trong lần trở lại Nou Camp năm 2002, Figo đã được các CĐV Barcelona chào đón bằng “chiếc đầu lợn” khi tiền vệ này thực hiện quả phạt góc. Sau này, cầu thủ người BĐN thổ lộ đó là trận đấu anh cảm thấy sợ hãi nhất, dù “số 7” không nuối tiếc vì đã phản Barca để theo Real.
8. Mo Johnston (Celtic 1984-1987, Rangers 1989-1991): Ở Scotland, Ranger và Celtic là hai đối thủ không đội trời chung, họ thay nhau thống trị giải VĐQG nước này và không bao giờ chuyển nhượng cầu thủ cho nhau. Nhưng Johnston đã thay đổi tất cả, anh rời Celtic năm 1987 và sau 2 năm lang bạt ở Nantes, anh đã đầu quân cho Rangers. Từ đó, anh là cầu thủ bị CĐV Celtic căm ghét nhất.

9. Ronaldo (Barcelona 1996-1997, Real Madrid 2002-2007; Inter 1997-2002, Milan 2007-2008): Trong sự nghiệp thi đấu lừng lẫy của mình, Ronaldo từng chơi bóng cho hai cặp kình địch Barca-Real và Milan-Inter. Tuy nhiên, Rô “béo” ít bị căm ghét bởi anh rời Barca đến Inter, chuyển sang Real rồi mới cập bến AC Milan. Ngoài Inter, Ronaldo cũng không phải cầu thủ đặc biệt ở 3 CLB còn lại nên sự ra đi của anh không tạo quá nhiều sự chú ý.

10. Sol Campbell (Tottenham Hotspur 1992-2001, Arsenal 2001-2006): Campbell phát triển sự nghiệp nhờ 9 năm thi đấu ấn tượng cho Tottenham nhưng đến năm 2001, anh bất ngờ sang Arsenal theo luật Bosman. Từ đó đến này, trung vệ da màu này trở thành cầu thủ bị các CĐV sân White Hart Lane căm ghét nhất. Nhưng sự ra đi của Campbell là hợp lý bởi trong 5 năm chơi bóng cho Arsenal, anh giành 2 chức vô địch Premier Leage và 3 FA Cup.
(Theo Dantri.com.vn)

Các tin khác