Tạm biệt Forlan và niềm hy vọng Nam Mỹ
Các phóng viên BBC đang tác nghiệp tại Nam Phi và từng ngõ ngách trên lục địa Đen đã ghi lại được hình ảnh chiếc áo đấu của đội tuyển Uruguay vẫn được bày bán tại… Accra, thủ đô của Ghana – quốc gia có đội bóng phải ngậm ngùi rời World Cup vì 3 quả penalty thực hiện không thành công, vì thêm một lần câu chuyện “bàn tay của Chúa” được kể lại.
Uruguay không phải là đội bóng được yêu thích tại Nam Mỹ, nếu không muốn nói là luôn bị xếp vào số những đội bóng bị ghét – bởi lối chơi “chém đinh chặt sắt”, không chỉ của các hậu vệ mà cả đối với những người chơi ở tuyến trên.
Có điều, sau khi đội tuyển Nam Phi phải rời World Cup, tình cảm của toàn châu Phi đã được dồn cho Ghana. Và khi lần lượt Chile, Brazil, Argentina, Paraguay cũng phải nói lời từ biệt Nam Phi, không chỉ Nam Mỹ mà cả châu Phi đều hướng ánh nhìn chờ đợi vào Diego Forlan và đồng đội.
Đêm qua, người ta đã chứng kiến một Uruguay chiến đấu tới phút cuối cùng với hy vọng tạo nên điều kỳ diệu.
Đêm qua, Uruguay thi đấu với phong cách Âu hóa, dưới sự dẫn dắt của một HLV từng thất bại tại trời Âu, bằng một đội hình chỉ có duy nhất Egidio Arevalo đang thi đấu ở trong nước… đã không thể vượt qua một Hà Lan có nhiều hơn những cá nhân đủ khả năng tạo nên sự đột biến.
Không có Luis Suarez, dù đau bắp đùi, Forlan vẫn phải cắn răng thi đấu và tiếp tục làm lu mờ mọi lời chỉ trích đối với trái bóng Jabulani.
Người ta vẫn tự hỏi điều gì khiến các cầu thủ tỏ ra lóng ngóng khi đối diện với trái bóng được cho là tròn nhất thế giới này?
World Cup lần này chứng kiến một “cơn hạn hán” những bàn thắng đến từ những cú sút xa, ngoại trừ trường hợp của… Diego Forlan.
Tiền đạo người Uruguay từng bị xem là “chân gỗ” khi còn khoác áo Manchester United luôn có duyên khi chạm chân vào quả bóng hoàn hảo nhất ấy.
Người hâm mộ bóng đá chắc chắn không chờ đợi một cú sút của Giovanni Van Bronckhorst, 35 tuổi, lại hoàn hảo và sắc sảo đến thế. Nhưng họ có lý do để mong ngóng một bàn thắng đến từ Forlan.
Chỉ có điều, không mấy ai nghĩ đó sẽ là một bàn thắng đẹp và hoàn hảo nhường ấy – một cú sút chân trái với quỹ đạo bay uốn hình ê-líp khiến thủ môn Maarten Stekelenburg chỉ còn biết chới với đấm bóng trong vô vọng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trợ lý trọng tài phất cờ báo việt vị đối với Robin Van Persie trong tình huống Wesley Sneijder sút bóng thành bàn? Rõ ràng, bóng đi về đúng hướng Van Persie, đứng việt vị, như một đường chuyền sau cú sút đập chân của tiền vệ Inter Milan.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cú sút phạt trực tiếp, không phải lần đầu tại giải, của Forlan bay vào lưới Hà Lan, thay vì bị cản phá vào phút chót?
Điều gì sẽ xảy ra nếu Forlan không đau đùi và phải rời sân trong hiệp 2 khi tỉ số đang là 3-1 nhưng Uruguay chiếm thế chủ động tấn công?
Sẽ có nhiều cách trả lời cho ngần đó câu hỏi. Duy một điều, tỉ số của trận đấu đã không thể đảo ngược, như cách cặp mệnh đề “nếu… thì” không bao giờ lặp lại trong đời sống thật.
Forlan có thể tỏa sáng sớm hơn nếu tiếp tục thi đấu tại Argentina, thay vì chấp nhận đầu quân cho Manchester United.
Anh cũng có thể tàn lụi sự nghiệp nếu không chấp nhận thay đổi môi trường thi đấu tại Tây Ban Nha.
Và tiền đạo từng bị xem là “chân gỗ” ấy có thể đã chơi tốt hơn trong trận bán kết với Hà Lan, nếu không bị đau chân…
Điều chắc chắn, Forlan đã cháy hết mình trong trận đấu mà Uruguay là niềm hy vọng cuối cùng của bóng đá Nam Mỹ trước làn sóng châu Âu – khi mới khởi đầu chỉ lăn tăn gợn nước để rồi càng tiến gần tới đích càng hiện nguyên hình là một đợt Tsunami.