Đội tuyển Pháp hậu World Cup

Cập nhật lúc 23:46, Thứ Tư, 23/06/2010 (GMT+7)
,

Không sớm thì muộn, đội tuyển Pháp sẽ phải tiến hành “cuộc đại phẫu”, như cách dùng từ của cựu tuyển thủ Pháp Vikash Dhorasoo trên tờ Le Monde.

Jean- Pierre Escalettes

Hơn thế, tờ báo uy tín của Pháp này còn trưng cầu ý kiến độc giả về một quyết định từ chức của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF), Jean- Pierre Escalettes, sau khi cánh tay phải của ông thực hiện điều đó từ trước khi áo Lam chuốc thêm thất bại trước Nam Phi.

“Những người có trách nhiệm đối với thảm họa này cần phải nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Thể thao Roselyne Bachelot đã miễn cưỡng lên tiếng trên kênh TF1, hôm thứ Hai vừa qua.

“Đội tuyển Pháp đã bị hủy hoại cả về ý chí, thể lực, kỷ thuật và đạo đức. Và thất bại là điều khó tránh khỏi. Chúng ta muốn tất cả các cầu thủ, quan chức của Liên đoàn phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này”.

Tuyên bố của bà Bộ trưởng Thể thao thực chất chỉ là một bước hiện thực hóa áp lực muốn cải tổ FFF - từ sau Euro 2000 được xem là bị lũng đoạn bởi một số nhân vật quyền thế, có uy tín ở FFF, đứng đầu là Escalettes.

Trước đó, Tổng thống Pháp Nicola Sarkozy công khai tuyên bố “không chấp nhận” đối với những lùm xùm xảy ra trong nội bộ đội tuyển Pháp tại Nam Phi.

Và khi Marc Laffineur, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên đảng Liên minh vì Nhân dân (UMP - đảng trung hữu của tổng thống Pháp), lên tiếng tại quốc hội rằng cần phải có một cuộc điều tra về những gì đã diễn ra tại Nam Phi, người ta nên hiểu rằng: thể thao đã trở thành đối tượng của chính trị.

France vs South Africa

Bào chữa – Tại FFF, những nhân vật hàng đầu cũng hiểu rằng thời điểm cáo chung của họ sắp đến. Vấn đề chỉ còn là bao nhiêu người sẽ phải ra đi, và ai có thể ở lại?

Escalettes tự thân cũng biết rằng ông nên ra đi trong danh dự, thay vì phải bước xuống dưới sức ép từ dư luận và cả những người từng ủng hộ ông ngồi lên vị trí Chủ tịch FFF.

Phát biểu với phóng viên tờ Liberation, ông nói: “50 năm giá trị đã sụp đổ. Tôi vẫn còn đau đớn với những gì đã xảy ra cuối tuần qua. Tôi luôn tự hỏi tại sao chúng ta lại để xảy ra tai họa này. Tổng thống cũng sẽ không tránh khỏi những lời phân tích chỉ trích. Mọi người sẽ phải đối diện với áp lực. Đây là thời điểm mọi thứ kết thúc”.

Escalettes tin rằng Laurent Blanc, trung vệ đội trưởng uy tín một thời của tuyển Pháp, sẽ là “miếng vá cho áo Lam” trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin và lực lượng này.

Dù vậy, Gerrard Houllier, Giám đốc kỹ thuật FFF, lại cố vớt vát cho đồng minh của mình, khi dũng cảm cầm microphone của đài RTL và nói: “Ông ấy đã chuẩn bị cho thời hậu Domenech".

"Chúng tôi đã lên chiến lược để giành thắng lợi tại Euro 2016. Ông ấy đã duy trì FFF phát triển trong sự ổn định về tài chính, uy tín với các liên đoàn bóng đá châu Âu. Ông ấy giữ được sự đoàn kết trong nội bộ Liên đoàn, giữa những người không chuyên và chuyên nghiệp”.

“Raymond (Domenech) đã nỗ lực gắn kết các cầu thủ, nhưng họ chọn lựa phương pháp đối đầu. Tôi có thể nói với các bạn là trong một năm rưỡi qua, chúng tôi đã chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra tại World Cup và cũng có lường tới cả những vấn đề vừa xảy ra".

"Tại sao ư? Bởi vì chúng tôi cảm nhận thấy điều đó, nhưng vẫn hy vọng họ sẽ thay đổi, vì nghĩ rằng không ai muốn đâm đầu vào tường”, Houllier cố lái luồng dư luận giận dữ về phía các cầu thủ.

Raymond Domenech

Họ nói gì? – Cựu trung vệ tuyển Pháp, Frank Leboeuf, phát biểu trên TF1 với tư cách là một bình luận viên truyền hình cho rằng: “Chẳng ai có thể ngờ tới một thảm họa kinh khủng đến như vậy”.

“Đội tuyển Pháp đã làm tất cả những gì có thể để tới Nam Phi, và rồi họ bỗng nhiên vứt bỏ tất cả những nỗ lực của mình. Người ta phải làm sáng tỏ những gì xảy ra đằng sau chuyện này”.

Cũng chia sẻ quan điểm với đồng đội cũ, Bixente Lizarazu nói anh “cực kỳ sốc trước việc màu áo Lam bị sỉ nhục trước cả thế giới".

"Chiếc áo đấu quốc gia đó là hình ảnh của cả đất nước, không đơn thuần chỉ là chiếc áo có in con số, thuộc về cá nhân ai đó. Ở một thời điểm nào đó, tôi cho là họ đã hành động đúng, như những cầu thủ chân chính và đoàn kết, nhưng những gì diễn ra tiếp sau đó thì không thể chấp nhận. Không thể tha thứ được”.

Cựu ngôi sao bóng đá Pháp, Jean- Pierre Papin, bày tỏ thái độ thất vọng khi nghĩ rằng tuyển Pháp sẽ tái hiện hình ảnh France 1998 trên đất Nam Phi.

“Họ đã làm trò trong suốt thời gian thi đấu tại World Cup. Raymond Domenech không được tôn trọng. Các phóng viên cũng quá tò mò và phá vỡ mọi giới hạn xâm phạm quyền bí mật nội bộ. Sau buổi tối hôm nay, tôi thực sự thấy tuyển Pháp không có định hướng, không có người dẫn dắt”.

Còn báo chí Pháp? Không khó để hình dung về một “cơn bão” ngôn từ mạnh mẽ, cay nghiệt, châm chích, dè bỉu xuất hiện trên các trang báo, kênh truyền hình, phát thanh của Pháp ngày hôm nay.

Những tít báo như “Thất bại và nhục nhã”, “Danh dự sụp đổ”, “Đoàn quân giải giáp”, “Tới Nam Phi bằng vé vớt - Rời World Cup bằng cửa hậu”, “Vĩnh biệt”, “Cuộc nội chiến của người Pháp nơi xa xứ”… giăng đầy trên trang nhất và các trang thể thao của báo L’Equipe, Le Parisien, Le Monde, France Soir, 24minutes, France 24, Sport, Liberation…

Và từ Ai len, tờ The Irish Independent với bài viết “Một điểm, một bàn thắng – One point, one goal”, bình luận: “Tất nhiên, chúng ta có thể ứng xử như những người trưởng thành và bày tỏ sự cảm thông đối với một đội bóng phải đối mặt với những giờ phút đen tối nhất, nhưng các cổ động viên Ai len sẽ không giấu niềm vui của mình khi chứng kiến thất bại quyết định nhất của đội tuyển Pháp trước hy vọng mong manh cuối cùng với đội chủ nhà World Cup”.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,