Phế John Terry không thay đổi được John Terry

Cập nhật lúc 09:16, 05/02/2010 (GMT+7)

Andy Cole, thành viên của Manchester United giành cú ăn ba lịch sử trong mùa bóng 1999, đã có cuộc tranh luận xoay quanh chiếc băng đội trưởng đội tuyển Anh của John Terry trong những ngày qua như thể ai đó vừa giẫm lên bãi mìn dày đặc những vấn đề đạo đức, thực tế và tinh thần thể thao.























Điều chắc chắn là tôi không hề có một chút ghen tỵ nào với Fabio Capello khi phải đối mặt với một quyết định khó khăn như thế này – nó không hề dễ dàng như cách mọi người đang bình luận khi phải nhìn xa hơn về những gì cần làm sau đó.

Capello là một người kinh nghiệm, một HLV nghiêm khắc, và ông sẽ muốn đưa ra quyết định tốt nhất cho bóng đá Anh – nhưng ngay cả khi mọi người giới hạn tầm ảnh hưởng của quyết định đó, chỉ riêng với quyền lợi của nền bóng đá Anh, đó vẫn là một quyết định vô cùng khó khăn.

Điều mà tôi cảm nhận, với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp từng thi đấu cho 12 đội bóng và đội tuyển Anh, với hơn 20 năm sự nghiệp sân cỏ, đó là vai trò của đội trưởng không quá quan trọng. Một số người trong giới túc cầu có thể coi quan điểm này là báng bổ, nhưng thực tế là vậy, vai trò của người đội trưởng trên sân cỏ hầu như không thể đánh giá hết được ý nghĩa.

Trong cricket, một người đội trưởng thường phải đưa ra các quyết định mang tính chiến thuật có ý nghĩa quyết định ngay lập tức. Anh ta phải là người có tiếng cuối cùng trong việc chọn các tay gậy, theo thứ tự thi đấu; anh ta quyết định ai sẽ đứng ở đâu và chiến lược chơi như thế nào.

Đội trưởng một đội bóng thực tế hiếm khi nào quan trọng đến vậy. Trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu của mình, tôi chỉ có thể chỉ ra trường hợp của Roy Keane như một ông chủ đích thực, hiệu quả trên sân cỏ với những tác động trực tiếp về chiến thuật và tâm lý thi đấu. Keane đôi khi cũng chính là người đại diện cất lên tiếng nói của Sir Alex Ferguson.

Tôi không muốn làm ai đó thất vọng khi nghĩ rằng mỗi người đội trưởng luôn phải như Randall Wallace trong Brave Heart, diễn thuyết trước cả đội, kêu gọi mọi người xả thân vì anh ta và sự nghiệp giành độc lập (của Scotland). Đó chỉ là truyền thuyết.

Trong bất kỳ một phòng thay đồ nào, bạn cũng sẽ thấy có 11 cá tính mạnh mẽ, 11 người đội trưởng, mỗi người chịu trách nhiệm cho vai trò của mình. Chắc chắn, có những đội trưởng hay to tiếng – Gary Neville. Có những đội trưởng thường im lặng và để đôi chân của họ nói thay lời – Ryan Giggs. Những người khác chẳng bao giờ màng tới chuyện chỉ dẫn cho bạn phải chơi như thế nào, đơn giản chỉ tập luyện tích cực và thể hiện tất cả điều đó trên sân cỏ – David Beckham.

Vai trò đội trưởng liệu có thực sự cần phải có khí chất đặc biệt nào đó? Không.

Tôi lấy Manchester United làm ví dụ bởi tôi biết rõ họ nhất. Tất nhiên, gần đây, những người như Rio Ferdinand, Vidic, Evra, Van der Sar cũng đều đeo băng đội trưởng. Đó có thể là một niềm vinh dự cho một cầu thủ với chiếc băng đội trưởng trên tay, nhưng bản thân chiếc băng đó không giúp anh ta giành được một trận thắng.

Theo quan điểm của tôi, điều đó lý giải việc tước hay không tước băng đội trưởng của John Terry (JT) chỉ là một hình thức. Phế truất vị trí đội trưởng của JT không làm thay đổi anh ấy, để tốt hơn hay tồi tệ đi. Vấn đề ở đây là liệu anh ấy có tiếp tục thi đấu cho đội bóng hay không mà thôi; và nếu có thể, anh ấy chỉ bị phán xử như một cầu thủ bình thường, sẽ dễ dàng hơn nhiều. Khi đó, anh ấy sẽ được ở lại.

Nếu chúng ta không cho một số người, mắc hàng đống lỗi lầm – mang tính hệ thống – trong cuộc sống cá nhân, được thi đấu, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội chứng kiến những George Best, Maradona, Gazza và nhiều hơn thế.

Tôi chỉ chấp nhận một phần của cuộc tranh luận về vai trò “tấm gương” mà người ta hy vọng các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ làm mẫu cho lớp trẻ. Các cầu thủ hàng đầu dễ dàng trở thành mục tiêu bị xoi mói và đổ lỗi cho hàng đống những điều xấu xa trên thế giới.

Nhưng liệu có ai đó từng thực sự nghĩ rằng những vụ cướp của, buôn bán ma túy hay bạo lực có tổ chức xuất phát từ bóng đá? Không.

Vậy thì người ta muốn chuyển đi thông điệp gì khi phán xét một cầu thủ không chung thủy trong cuộc sống riêng tư, thay vì nhìn vào kết quả thi đấu trên sân cỏ?

Liệu trước đây 20 năm, nạn lừa dối vợ và đi ngoại tình có ít hơn?

Điều hiển nhiên, JT sẽ phải hứng chịu những hậu quả từ việc làm của mình. Và điều đó hoàn toàn xác đáng. Nhưng đừng nói một cách ngây thơ con trẻ rằng, loại bỏ anh ấy sẽ làm thế giới này trong sạch và đẹp đẽ hơn.

Công bằng mà nói, tại sao phán xét tư cách đạo đức của một cầu thủ bóng đá, trong khi người ta bỏ qua điều tương tự ở các lĩnh vực, ngành nghề khác? Trong các nhà máy, cửa hàng, văn phòng báo chí, bất kỳ nơi nào, không thiếu những người “lả lơi”, buông thả, đùa cợt với những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, mà vẫn sống bình thường, không mảy may ý thức về tác hại của những sai lầm gây nên.

Không ai phiền lòng. Nhưng chúng ta phải nhận thức đúng đắn từng vấn đề, khía cạnh. Tôi muốn nhấn mạnh một điều, tôi không ủng hộ bất kỳ hành động ngoại tình mà Terry phạm phải – điều mà anh ấy đã làm đôi lên trong những năm trước. Anh ấy đã làm nhiều người phiền lòng. Và điều hiển nhiên, không ai trên thế giới này lại đau lòng, trong thời điểm hiện tại, hơn vợ anh ấy – điều mà tôi chỉ có thể nói là anh ấy phải xấu hổ vì điều đó.

Terry đang phải hứng chịu búa rìu dư luận, và anh ấy đang gồng mình. Nhưng tranh luận về việc nên hay không nên tước băng đội trưởng của anh ấy ở đội tuyển Anh, hay tại Chelsea, hay thậm chí loại bỏ anh ấy khỏi đội tuyển sang Nam Phi, thật quá đơn giản, manh động và có thể là vô giá trị. Vấn đề quá phức tạp để có thể giải quyết chỉ bằng một quyết định, ngay cả khi điều đó có thể xoa dịu được sự phẫn nộ của đám đông những người chỉ trích.

Các tin khác