AVG mua bản quyền truyền hình thể thao: Khía cạnh pháp lý
Đề nghị mua độc quyền bản quyền phát sóng các chương trình thi đấu thể thao trong nước thời hạn 20 năm đang thu hút sự quan tâm từ nhiều khía cạnh của công luận.
Đặc biệt từ khía cạnh pháp lý, các câu hỏi được đặt ra là: phải chăng bản quyền truyền hình thể thao thuộc về 3 đồng sở hữu là Liên đoàn thể thao, đơn vị tổ chức và Câu lạc bộ? BCH các Liên đoàn thể thao có nhiệm kỳ 5 năm thì có quyền ký các hợp đồng với thời hạn dài hơn nhiệm kỳ hoạt động của mình hay không?
Qua tìm hiểu, khoản 7, điều 71 Luật Thể dục, Thể thao ngày 29/11/2006 và khoản 1 điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, Thể thao quy định:
Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia có thẩm quyền tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam.
Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao, giải thể thao chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền sẽ là chủ sở hữu giải thi đấu và có các quyền của chủ sở hữu. Trong quyền của chủ sở hữu có Quyền ghi hình, Quyền phát sóng, Quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao giải thi đấu thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Khoản 3, Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao cho phép Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia, với tư cách là chủ sở hữu giải thể thao được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ những quyền nói trên cho cá nhân, tổ chức thông qua hợp đồng dựa trên sự thỏa thuận giữa Liên đoàn/Hiệp hội với cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Như vậy, từ những quy định pháp luật nói trên, khẳng định: Liên đoàn/Hiệp hội có quyền chuyển nhượng bản quyền phát sóng đối với những sự kiện thể thao do Liên đoàn/Hiệp hội tổ chức, sở hữu.
Không hạn chế thời hạn ký hợp đồng của các Liên đoàn
Khoản 2, Điều 4 Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định: Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, được hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền và nghĩa vụ.
Điều này đồng nghĩa với việc, Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia là pháp nhân độc lập, có đủ quyền hạn về pháp lý để quyết định các hoạt động của mình một cách độc lập, bao gồm cả quyền ký kết hợp đồng dân sự, thương mại phục vụ cho hoạt động của mình.
Theo phân tích trên, Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia được quyền chuyển nhượng bản quyền phát sóng đối với những giải thi đấu do Liên đoàn/Hiệp hội sở hữu. Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại khoản 3, Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao, nội dung hợp đồng chuyển nhượng dựa trên sự thỏa thuận giữa Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia với cá nhân, tổ chức có nhu cầu bao gồm cả nội dung về thời hạn của hợp đồng. Đồng thời, quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự cũng không giới hạn thời gian chủ sở hữu được quyền chuyển giao quyền khai thác đối với tài sản do mình sở hữu.
Chính vì vậy, từ quy định pháp luật hiện hành không giới hạn thời gian của hợp đồng chuyển nhượng quyền phát sóng, do đó, Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia được toàn quyền quyết định về nội dung của hợp đồng bao gồm cả thời gian chuyển nhượng quyền phát sóng cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Trên thực tế, việc đại diện của các pháp nhân (Giám đốc, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc các cơ quan sự nghiệp của Nhà nước) ký các hợp đồng dài hạn hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ của vị đại diện đó là việc rất bình thường. Tổng giám đốc Đài TH Việt Nam ký hợp đồng hợp tác với tập đoàn Canal Oversea của Pháp với thời hạn 25 năm.
Trên thế giới, các liên đoàn thể thao vẫn thường xuyên kí những hợp đồng độc quyền với tổ chức, cá nhân. Liên đoàn AFC ký hợp đồng độc quyền bản quyền với Công ty World Sport Group từ năm 1993 tới năm 2013 và vừa được gia hạn thêm tới năm 2020. Như vậy, việc các liên đoàn thể thao quốc tế ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền thể thao có thời hạn dài là phổ biến và hoàn toàn không có mối liên hệ gì với nhiệm kỳ của BCH các liên đoàn đó.
Có nhiều ý kiến e ngại “tư duy nhiệm kì”, sợ lối làm ăn chóng vánh, ăn xổi ở thì, cốt sao cho được trong thời gian tại vị. Tuy nhiên, nếu tính đến sự phát triển lâu dài bền vững của thể thao Việt Nam thì không thể để “nhiệm kì” bó buộc bởi nếu không sẽ chẳng có vị lãnh đạo nào dám phê duyệt các dự án, đề án tới những 50 năm, thậm chí 70 năm…
Vấn đề ở đây là các Liên đoàn và Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG phải căn cứ vào các điều kiện thực tế cụ thể để có những giải pháp và những bước đi đúng đắn hướng tới sự phát triển của thể thao nước nhà, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ.
- Kỳ Trung