Sự thật về nội tình tuyển Pháp: Có 4 kẻ “bỉ ổi”!

Cập nhật lúc 15:42, 25/06/2010 (GMT+7)
Không cần chờ thủ quân Patrice Evra, báo chí Pháp nhanh chân moi ra những tiết lộ gây chấn động về nội tình bất ổn của tuyển Pháp tại Nam Phi. Sự việc khiến đích thân Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng ra xử lý…

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Tờ báo nhanh chân nhất chính là “Nouvel Observateur” (“Người quan sát mới” mà!) khi tiết lộ chi tiết về cuộc nổi loạn của các tuyển thủ Pháp hôm Chủ nhật. Theo tờ báo, tuyển Pháp chia thành 2 phe trong lúc tranh cãi về chuyện có tẩy chay buổi tập hôm đó hay không.

Tờ báo viết: “Cuộc tranh cãi nhanh chóng nổ ra giữa một phe dưới sự chỉ huy của Hugo Lloris, Bacary Sagna, Yoann Gourcuff vốn muốn xuống xe buýt và trở lại tập luyện, và một phe bao gồm các cựu binh Franck Ribery, Eric Abidal, Patrice Evra đã ngăn cản không cho bất cứ ai xuống xe. Thậm chí, phe cựu binh còn đe dọa sẽ dùng vũ lực khiến cuộc tranh cãi suýt trở thành cuộc ẩu đả”. Cuối cùng, phe cựu binh đã kiểm soát được tình hình và Patrice Evra mới đưa thông cáo tẩy chay buổi tập cho HLV Domenech để nhà cầm quân này đọc trước báo giới.
Ngay cả nhạc trưởng Ribery cũng không còn là chính mình nữa
Nhạc trưởng Ribery bị tố là một trong 4 kẻ bỉ ổi

Theo nữ đặc phái viên của tạp chí “Paris Match”, một cầu thủ trẻ của tuyển Pháp tiết lộ rằng “phe cựu binh đã giam chúng tôi như con tin! Cô muốn chúng tôi làm gì cơ chứ?...”. Cầu thủ này cho biết thêm, rằng các cựu binh còn được gọi là “những ông chủ”, “những người cầm đầu”. Trong một cuộc họp giữa các cầu thủ do Evra đứng ra chủ trì, không khí trở nên vô cùng căng thẳng khi các cựu binh áp đặt sự độc đoán.

Paris Match thuật lại lời kể của một cầu thủ: “Yoann Gourcuff từ nào đến giờ rất ít nói, nhưng lần đó anh dám đứng lên phát biểu, nhưng Ribery cắt ngang lời. Một cầu thủ kín đáo như Hugo Lloris cũng không chịu ngồi yên, nhưng anh nói chưa được 4 từ là bị dập ngay”.

Một thành viên trong Ban huấn luyện không ngần ngại nói rằng Ribery, Henry, Gallas và Anelka là “4 kẻ bỉ ổi của phe cựu binh. Họ nhân danh tập thể và áp đặt mọi điều, bất chấp ý kiến của mọi người”. Thế mà sự can thiệp của HLV Domenech trong xe buýt lại rất nửa vời. Paris Match viết rằng: “Ban đầu, Domenech rất ôn hòa và ăn nói nhẹ nhàng theo kiểu “tôi hiểu các bạn. Nico (Anelka) bị trục xuất làm mọi người không hài lòng”. Nhưng ngay sau đó, Domenech lớn tiếng khi nói về thành tích tệ hại của đội bóng và kết thúc cuộc trao đổi bằng những lời đe dọa”.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, nguyên nhân chính của cuộc nổi loạn là do HLV Domenech phớt lờ yêu cầu được giải bày của Nicolas Anelka. Thậm chí, đó là chi tiết mà cả 2 phe đều thừa nhận. Nhưng HLV Domenech phủ nhận: “Bất cứ cầu thủ nào có điều muốn nói thì đến gặp tôi, tôi sẽ lắng nghe họ”. Một thành viên trong Ban huấn luyện nói thêm: “Đó không phải là cánh cửa ra vào mà Domenech đã mở cho Anelka, mà là cánh cửa sổ. Nhưng ông ấy cho Nico một ngày để suy nghĩ và đến giãi bày, nhưng anh ấy không đến”.

Tổng thống Pháp vào cuộc

Câu hỏi được đặt ra: Tất cả những bất đồng nội bộ của tuyển Pháp được giải quyết như thế nào? Câu trả lời, đây là vấn đề của Chính phủ Pháp, chứ không còn đơn thuần là của LĐBĐ Pháp. Sau cuộc họp vào cuối giờ chiều hôm thứ Tư (23-6) tại Điện Elysee với Thủ tướng Francois Fillon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, ông sẽ chủ trì một cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình của bóng đá Pháp trong việc tái thiết Les Bleus.

Ngoài ra, ông còn ra lệnh cho Bộ trưởng Roselyne Bachelot và Thứ trưởng Thể thao Rama Yade “đảm bảo rằng những người có trách nhiệm nhanh chóng rút ra những hậu quả” từ chiến dịch tệ hại của tuyển Pháp, một chiến dịch mà Tổng thống Pháp gọi là “tai họa”. Theo thông cáo của dinh Tổng thống, ông Sarkozy còn yêu cầu Bộ trưởng và Thứ trưởng Thể thao “giám sát chặt chẽ để không một xu tiền thưởng nào được rót vào tuyển Pháp”, kể cả Ban huấn luyện và HLV Domenech.

Cuối cùng, một chi tiết khác không thể bỏ qua và có thể gây ra những biến cố mới ở tuyển Pháp: tiền đạo Thierry Henry đã gọi điện thoại cho Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và xin được diện kiến ngay khi anh trở về. Và lời yêu cầu này đã được chấp thuận. Thierry Henry sẽ nói những gì? Tại sao anh không chọn các kênh thông tin? Liệu có những uẩn khúc bất ngờ nào?...
 
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Các tin khác