Nato cần chuẩn bị cho Gaza
16:47' 28/10/2004 (GMT+7)

Để chứng minh NATO đã mở rộng thực sự cả về lượng và chất, khối quân sự hùng mạnh nhất thế giới này cần nghĩ đến chuyện can thiệp vào  vùng đất lửa Gaza.

Soạn: AM 181545 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Trong khi Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã giành được sự chấp thuận của quốc hội cho kế hoạch rút quân đội ra khỏi Dải Gaza, các quan chức Nato có lẽ cũng nên xem xét một kế hoạch cho riêng mình tại đây, một kế hoạch để duy trì an ninh thôi chứ chưa dám nghĩ tới một kế hoạch hoà bình, một kế hoạch khả dĩ có thể chứng minh hùng hồn cho cả thế giới biết là họ đã mở rộng thực sự, cả về lượng lẫn về chất!.

Tại sao? Mang tiếng thành lập là để bảo vệ cho châu Âu nhưng nhiệm vụ nổi bật nhất của họ tính cho tới nay chỉ là việc tham gia chiến dịch ở Afghanistan và bây giờ là huấn luyện lực lượng an ninh Iraq - toàn những chuyện không gây nhiều ấn tượng đối với người châu Âu. Do vậy, đây là thời cơ để Nato nâng cao vị thế của mình, ngay tại sân nhà, trong việc giải quyết, dù chỉ là phần nào, cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại một phần của châu Âu.

Dù sao, trong thập kỷ vừa qua, Nato cũng đã làm được một việc lớn có ý nghĩa lâu dài và bền vững. Với sáng kiến "Đối tác hoà bình", họ đã vươn được tầm tay của mình tới các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu, những nước từng đứng ở chiến tuyến đối lập Vacsava. Nato thực sự đã mở rộng quy mô cũng như ảnh hưởng một cách dễ dàng hơn họ tiên liệu.

Tương tự như vậy, sáng kiến "Diễn đàn Địa Trung Hải" của họ cũng mở ra cơ hội mới để xây dựng lòng tin ban đầu - điều cần thiết cho những cuộc đàm phán tích cực về sau - cho Trung Đông và các bên liên quan. Qua diễn đàn này, Nato đã có thể ngồi đối thoại với cả Israel, Jordan, Ai Cập, Tunisi, Algeri, Mauritan hay Morocco. Dù vẫn chưa cho kết quả tương xứng với tiềm năng và triển vọng của mình, song để đến với nhau thực sự, người ta cần những cuộc đối thoại như vậy.

Lộ trình kiểu Balkan

Và chỉ cần một vài cuộc đối thoại có chiều sâu hơn một chút, sự hiện diện chính thức và thường trực của Nato ở Trung Đông là điều cần thiết và dễ được chấp nhận bởi cả hai bên, Israel và Palestine.

Nếu vậy, lộ trình kiểu Balkan, nơi Nato thực hiện sứ mệnh gìn giữ hoà bình trong hơn 10 năm qua một cách tương đối hiệu quả, sẽ được áp dụng. Bởi cũng như Kosovo, xung đột ở Trung Đông chủ yếu do các yếu tố dân tộc, tôn giáo và lịch sử hàng trăm năm để lại. Hồi đó ở Bosnia, Nato đã lập nên những khu cách ly với các luật lệ nghiêm ngặt trong đó quy định ai được ở đâu và được thực hiện những loại hình vũ trang nào, rồi giám sát và điều độ quy trình đó thật nghiêm ngặt. Dần dà, người ta quen dần với sự sắp đặt đó của Nato và thế là căng thẳng dịu dần. Cuối cùng Nato nới lỏng dần các khu cách ly rút bớt quân và khuyến khích, tạo điều kiện du lịch và giao thương.

Trước mắt, với việc Israel chuẩn bị rút khỏi Gaza, Nato có thể chủ trì một cuộc đối thoại vùng Địa Trung Hải để xúc tiến sáng kiến mang các nhân viên gìn giữ hoà bình Ai Cập tới cộng tác với các nhân viên an ninh Palestine để ngăn ngừa các động thái có thể làm đổ vỡ an ninh khu vực. Đưa các lực lượng của Nato vào Gaza ngay lúc này có thể còn hơi sớm, song đó là việc cần phải làm. Do vậy, các chuyên gia quân sự Mỹ và EU đã đến lúc phải ngồi lại và bàn bạc phương pháp, kế hoạch và thời điểm triển khai sao cho phù hợp và không gây bất ngờ đối với cả 2 bên. Và nếu một Hiệp định hoà bình Israeli-Palestin được ký trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nato sẽ là giám sát quá trình thực hiện nó.

Có thể nói, với việc Israel đồng ý rút quân trong năm tới, cùng với khả năng và kinh nghiệm của mình, vai trò của Nato rõ ràng rất quan trọng cho hoà bình và ổn định của khu vực này trong thời gian tới.

(NHQ - Theo FT)
 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi