25 thành viên Hội đồng điều hành Iraq (IGC) hôm nay (1/3) đã đi tới thống nhất về một bản Hiến pháp tạm thời của đất nước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong kế hoạch của Mỹ chuyển giao quyền lực cho người Iraq.
|
Thành viên Hội đồng điều hành tại phiên họp. |
Theo người phát ngôn của IGC Hameed Kafaey, lễ ký kết chính thức sẽ diễn ra vào thứ tư (3/3). Và rằng, ''đạo Hồi sẽ là tôn giáo chính thức của Iraq đồng thời là nền tảng của hiến pháp. Luật pháp sẽ coi đạo Hồi là tôn giáo của số đông''. Theo thoả thuận giữa các đại diện, ''chính phủ sẽ được thành lập theo hình thức liên bang'', chi tiết vấn đề này sẽ được công bố trong 2 ngày tới.
Trước đó, Hội đồng này đã không thể thống nhất quan điểm trước thời hạn chót 28/2 do bất đồng quan điểm về vai trò của đạo Hồi, vấn đề tự trị của người Kurd tại bắc Iraq và sự có mặt của nữ giới trong chính phủ. Người Hồi giáo Shi'ite (Shia), chiếm 60% dân số Iraq, kêu gọi lấy đạo Hồi làm nền tảng của Hiến pháp.
Hiến pháp tạm thời ra đời sẽ tạo cơ sở cho việc thành lập một chính phủ lâm thời, tiếp nhận quyền lực từ chính quyền hiện nay do Mỹ đứng đầu vào ngày 30/6.
Hội đồng điều hành Iraq gồm lãnh đạo các nhóm tôn giáo và tộc người tại Iraq trong đó có người Hồi giáo dòng Shi'ite, dòng Sunni, người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong phiên thảo luận cuối tuần trước, một số thành viên IGC là người Shi'ite đã bỏ ra ngoài do bất bình khi một điều khoản được đưa ra trước đó về việc ly dị và thừa kế theo luật tôn giáo, bị huỷ bỏ.
Vai trò của nữ giới trong chính phủ tương lai cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Một số thành viên hội đồng có ý kiến là Hiến pháp cần đưa ra chỉ tiêu đối với số lượng các nữ nghị sĩ trong quốc hội. Ngoài ra, tranh luận gay gắt cũng tập trung quanh vấn đề liên bang, người Kurds.
(Hoài Linh - Theo Reuters) |