Liên minh do Mỹ đứng đầu ở Iraq tan rã
Cuộc chiến ở Iraq lúc này đích thực chỉ là nỗ lực của một mình nước Mỹ khi quân Anh và Australia, hai đối tác quốc tế cuối cùng của Washington, hôm 1/8 đã rút khỏi Iraq.
Lính Australia tại Iraq (Ảnh AP) |
"Chúng tôi biết ơn những đối tác đã góp quân thời gian trước đây và chúng tôi mong sẽ tiếp tục hợp tác với họ trong tương lai", phát ngôn viên quân đội, Trung tá Lục quân Mark Ballesteros viết trong thư điện tử gửi hãng tin AP.
Vào thời kỳ đỉnh điểm, liên quân tại Iraq gồm 300.000 binh sĩ tới từ 38 quốc gia. Trong đó, có 250.000 quân của Mỹ, 40.000 quân Anh và số còn lại rất đa dạng, từ 2.000 quân của Australia tới 70 quân của Albania.
Liên minh do Mỹ đứng đầu ở Iraq đã chính thức tan rã với cuộc rút quân hôm 31/7 của lính Australia và sự kết thúc sứ mệnh của một đơn vị quân Anh sau khi Quốc hội Iraq ngừng họp mà không nhất trí cho phép quân Anh tiếp tục ở lại nước này để bảo vệ các cảng dầu phía nam và huấn luyện binh sĩ Iraq.
Tuy nhiên, quân Mỹ lại cho rằng các cuộc rút quân này không có nghĩa họ sẽ đơn độc tại Iraq. "Chúng tôi không mất các đối tác quốc tế, vẫn còn có những đại diện từ khắp nơi trên thế giới ở đây với tư cách là cố vấn quân sự, nhân viên hành pháp và xây dựng", một phát ngôn viên của quân Mỹ tại trụ sở chính bên ngoài Baghdad là Robinson cho biết.
Chỉ huy quân Australia tại Trung Đông, Thiếu tướng Mark Kelly hôm 31/7 tuyên bố, 12 lính Australia đã rời khỏi Baghdad từ hôm 28/7, ba ngày trước hạn chót. Bộ phận bảo vệ gồm 100 lính sẽ ở lại Iraq để bảo vệ nhân viên đại sứ quán. Anh đã rút số quân còn lại, 100 tới 150 người và chuyển tới Kuwait.
Liên quân tại Iraq đã trải qua một thời gian rắc rối và bắt đầu suy sụp trong vài tháng qua khi các nước phải đối mặt với bất ổn chính trị và xã hội về một cuộc chiến không được ưa chuộng.
-
Hoài Linh (Theo AP)