Các vụ giết hại nhà báo tại Philippines tăng cao
Vụ hạ sát diễn ra nhanh gọn. Một tay súng bước tới gần nhà báo Allan Dizon, bắn 3 phát súng, bình tĩnh nhảy lên một chiếc môtô và phóng mất dạng.
Hai tiếng sau đó, nhà báo Dizon qua đời tại bệnh viện. Allan Dizon, 30 tuổi, phóng viên kiêm chụp ảnh của báo khổ nhỏ The Freeman and Banat News, thành phố Cebu, trung Philippines là nhà báo thứ 4 bị bắn chết trong tháng này. Dizon đồng thời là nhà báo thứ 12 bị giết kể từ đầu năm nay.
Các vụ giết hại trong tháng này và 21 vụ tấn công tương tự khác kể từ khi Tổng thống Arroyo lên nắm quyền năm 2001, được thực hiện một cách táo bạo. Philippines hiện chỉ đứng thứ 2 sau Iraq về số nhà báo bị giết hại, Uỷ ban bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York và tổ chức Phóng viên không biên giới tại Paris cho biết.
Các tổ chức truyền thông trong và ngoài Philippines đã chỉ trích chính phủ nước này vì không ngăn chặn được các vụ tấn công nhằm vào nhà báo. Kể từ năm 1986, có 61 nhà báo đã bị hạ sát song cho đến nay chưa một kẻ tình nghi nào bị kết án.
Giáo sư giảng dạy về báo chí trường đại học Ateneo de Manila cho biết, ''những gì xảy ra hiện nay còn tồi tệ hơn cả thời độc tài Marcos''. Theo thống kê của Phong trào tự do báo chí Philippines (hiện không còn tồn tại), trong thời kỳ cầm quyền 21 năm của Ferdinand E.Marcos, chỉ có 34 nhà báo bị giết hại. Tuy nhiên, 18 năm sau sự ra đi của nhà độc tài này, số nhà báo thiệt mạng còn cao hơn nhiều.
Ngày 17/11 vừa qua, hàng trăm nhà báo trên toàn Philippines, trong đó có Dizon, đã biểu tình đòi công bằng cho các bạn đồng nghiệp. Chính phủ Philippines khẳng định họ đã làm hết sức để ngăn ngừa các vụ tấn công và giết hại nhà báo.
(Hoài Linh - Theo NY Times)