Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell hôm qua cho biết như vậy. Nạn nhân là James Mollen, một chuyên viên giáo dục được cử tới Iraq khoảng 1 năm.
|
Liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq phải đối mặt với các cuộc tấn công thường xuyên mỗi ngày. |
Mollen bị sát hại ngay bên ngoài Vùng Xanh, một nơi được đảm bảo an ninh chặt chẽ và ngay cả giới chức Iraq và các nhà ngoại giao Mỹ cũng thường xuyên bị giới hạn.
Trong một bản thông báo, Ngoại trưởng Powell cho biết, Mollen làm cố vấn cho Bộ trưởng Bộ giáo dục Iraq. "Ông Jim đã dành cả cuộc đời mình cho một sự nghiệp cao quý: Cải thiện chất lượng giáo dục cho hàng nghìn người Iraq", trích phát biểu của ông Powell.
Hồi tháng 10 vừa qua, sĩ quan an ninh Ed Seitz thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thiệt mạng trong một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ gần Sân bay quốc tế Baghdad.
Trong một diễn biến khác ở Iraq, quân đội Mỹ cho biết, trong chiến dịch truy diệt du kích ở Fallujah, liên quân Mỹ - Iraq vừa tìm thấy rất nhiều vũ khí ở thánh địa này, một lượng đủ để phục vụ cho một cuộc nổi dậy trên toàn quốc. Theo trung tá Dan Wilson thuộc Lực lượng viễn chinh số 1, đây quả là "một điều gây choáng". Còn thiếu tá Jim West, nhân viên tình báo thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, nhận định: "Số vũ khí này chắc chắn không chỉ dùng để cố thủ ở một thành phố mà đủ để phục vụ cho một cuộc nổi dậy trên toàn đất nước".
Điển hình là lượng vũ khí và thiết bị nổ khổng lồ được tìm thấy bên trong thánh đường do giáo sĩ Abdullah al-Janabi chỉ trì. Ông này là một trong những thủ lĩnh của quân nổi dậy được cho là đã chạy trốn khỏi Fallujah, theo một bài báo đăng trên website của tờ Thời báo New York. Nhà thờ này tọa lạc trên một khu dân cư có nhiều kho chứa TNT, đạn cối, bom, súng, súng phóng lựu và đạn dược. Các sĩ quan quân đội Mỹ cho biết họ không tìm thấy vũ khí trong nhà riêng của al-Janabi ở gần đó nhưng phát hiện có nhiều tài liệu về những người bị tra tấn và hành quyết vì hợp tác với Mỹ và đồng minh.
|
Một số vũ khí lính Mỹ thu giữ được trong chiến dịch truy lùng du kích tại từng căn hộ ở Fallujah. |
Hôm qua, bác sĩ Rafie al-Issawi, Giám đốc Bệnh viện tổng hợp Fallujah, xuất hiện trên Đài truyền hình Al-Jazeera kêu gọi các bác sĩ đã rời khỏi thành phố này hãy thông tin cho Bộ Y tế để "cùng chúng tôi giúp đỡ cư dân Fallujah". Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi ông al-Issawi có một cuộc họp với các quan chức Mỹ - Iraq và được bảo đảm rằng liên quân muốn khôi phục các dịch vụ y tế ở thành phố càng sớm càng tốt.
Tính đến hôm qua (24/11), ít nhất 1.230 lính Mỹ đã tử trận ở Iraq kể từ khi bắt đầu cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein hồi tháng 3 năm ngoái. Trong số này, ít nhất 961 người là nạn nhân của các hành động bạo lực, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Quân đội Anh công bố tổng số binh sĩ của họ thiệt mạng tại Iraq là 74, Italia: 19; Ba Lan: 13; Tây Ban Nha: 11, Ukraine: 9; Bulgaria: 7, Slovakia: 3; Thái Lan: 2; Estonia: 2, Hà Lan: 2, Đan Mạch, El Salvador, Hungary và Latvia, mỗi quốc gia có 1 lính chết ở Iraq.
(Thanh Hảo - Theo AP, Reuters)
|