Nam Phi - vết thương cũ có dấu hiệu tái phát
Những chiếc Mercedes và BMW xếp cạnh nhau dưới bãi đỗ ở tầng dưới. Những ông chủ đang thả phanh nốc sâm-panh, cốc-tai và rượu mạnh ở tầng trên. Nhậu nhẹt ê chề rồi, họ kéo nhau vào các hộp đêm ngay các tầng cao hơn và lại tiếp tục với những vũ điệu bốc lửa, quay cuồng. Đó là cảnh thường diễn ra ở một trong những nhà hàng ăn chơi bậc nhất thành phố Johannesburg, Nam Phi.
Đô thị Nam Phi. |
Có một thế hệ những người mới giàu như vậy ở Nam Phi. Họ thuộc thế hệ được gọi là "sống thêm một lần nữa" - những người sinh ra trong thời kỳ đất nước vẫn còn nằm dưới chế độ Apartheid nhưng vẫn còn đủ trẻ trung để hưởng thụ cuộc sống mới với quá nhiều đổi thay.
Nhiều người trong số họ điều hành các công ty lớn, thuê văn phòng tại những toà nhà chọc trời theo phong cách Manhattan. Bữa ăn trưa văn phòng của họ diễn ra tại những nhà hàng Âu Mỹ ngay gần đó. Cuối tuần nếu không làm náo loạn các hộp đêm và nhà hàng ở trung tâm Johannesburg thì họ đi chơi polo hoặc đánh golf ở khu ngoại ô Inanda.
Thế vẫn chưa có gì ghê gớm lắm đối với một số đại gia. Chẳng hạn, Tokyo Sexwale, một tỷ phú làm việc trong ngành tài chính ở đây, mới vừa mua một đội đua xe Công thức 1 cho riêng mình để tiêu khiển những lúc nghỉ ngơi. Một đại gia khác làm việc trong ngành khai khoáng có tên Patrice Motsepe lại tậu hẳn đội bóng địa phương gọi là Sundowners để xem cho vui mỗi dịp cuối tuần!
Cuộc sống xa hoa đó đang gây những nỗi hiềm khích gay gắt đối với không ít người, trong số đó có những người từng đồng cam cộng khổ với các nhà tỷ phú mới nổi từ thời người da đen còn chịu nhiều thiệt thòi. Họ lên án rằng những tỷ phú này đã vơ vét tài nguyên, của cải theo kiểu "đục nước béo cò", khi đất nước diễn ra quá trình chuyển giao chế độ chính trị và kinh tế một cách cơ bản. Cụ thể, nhiều người trong số họ kiếm chác được những khoản lợi lớn trong các vụ buôn bán khoáng sản với nước ngoài.
Tệ hại hơn, người ta còn cho rằng, những tỷ phú da đen mới này có được những khoản lợi béo bở là nhờ có quan hệ với các quan chức chính phủ, qua đó dành được những hợp đồng lớn. Nhưng họ lại ít thực thi chúng, mà thường là bán lại cho những nhà tư bản da trắng để hưởng chênh lệch. Điều này rõ ràng đang khơi lại vết thương cũ hơn 10 năm trước, khi người da trắng chi phối hoàn toàn nền kinh tế Nam Phi, còn người da đen chịu cảnh làm thuê đãi ngộ thấp.
Trong khi đó, vẫn còn một phần lớn dân số Nam Phi sống trong cảnh nghèo khổ, thậm chí đói kém. Và khoảng cách mà những nhà tỷ phú đang tạo ra một cách vô tội vạ đó, theo họ, vô hình chung sẽ dẫn đến tình trạng cũ. Đó là việc xã hội lại bị phân chia thành hai khối riêng biệt như xưa.
Desmond Tutu, một trong những người đã tham gia phong trào chống chủ nghĩa apartheid năm xưa, chua chát nói: “Trong khi họ đang tận hưởng cảnh giàu sang, chi tiêu xa hoa thì chúng tôi - những đồng đội cũ của họ, lại đang chịu cảnh cơ cực thiếu thốn."
Đúng như vậy. Thu nhập bình quân của 33 triệu người da đen ở đây nằm trong khoảng 1.100USD/người/năm, trong khi của 5,5 triệu người da trắng là 7.000USD/người/năm. Số ít những người da đen giàu có thu nhập tăng tới 30% kể từ năm 1994 tới nay. Ngược lại, khoảng 45% số người da đen ở tốp dưới có thu nhập giảm xấp xỉ 10%. Thất nghiệp cũng đang đe doạ 8 triệu người da đen ở đất nước 43 triệu dân này. Hơn 20 triệu người đang sống trong cảnh nghèo khổ xét theo chuẩn của thế giới.
Những tỷ phú mới nổi ở Nam Phi đang làm tăng sức nóng của thị trường với mức tiêu pha như vũ bão của mình. Quả là có lý do để lo lắng, bởi điều đó đang làm gia tăng nỗi hiềm khích ở đất nước từng nhiều năm bị chia cắt về xã hội này. Nếu không sớm được khắc phục, Nam Phi sẽ phải tìm cho được một Nelson Mandela mới.
(NHQ - Theo I-Africa)