,
221
1602
Tin tức
tintuc
/thegioi/tintuc/
547482
"Cách mạng nhung" ám ảnh Kiev
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
,

'Cách mạng nhung' ám ảnh Kiev

Cập nhật lúc 09:21, Thứ Tư, 24/11/2004 (GMT+7)
,

Hàng trăm ngàn người đang biểu tình tại trung tâm thủ đô Kiev của Ukraina bất chấp giá lạnh của mùa đông nơi đây. Thấp thoáng trong đoàn biểu tình xuất hiện những lá cờ của Grudia. Những người này đang mong một "cuộc cách mạng nhung" sẽ diễn ra như tại Grudia cách đây không lâu.

Soạn: AM 203124 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phe đối lập biểu tình.

Sự kiện ở Ukraina diễn ra đúng một năm sau ngày "cách mạng nhung" diễn ra tại Grudia, khi những người biểu tình đã buộc Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Eduard Shevardnadze phải nhường lại văn phòng cho vị tổng thống mới Mikhail Saakashvili. Có nhiều nét tương đồng giữa hai trường hợp này.

Trước hết là giống nhau ở nguyên nhân và bối cảnh: dân chúng phản đối kết quả bầu cử, tình hình kinh tế đất nước đang sa sút, nội các bị chia thành hai phe: một thân Nga và một có sự ủng hộ của phương Tây.

Thứ hai là  giống nhau ở các diễn viên chính: người đứng đầu phe đối lập của Grudia (Saakashvili) và Ukraina (Yushchenko) đều là người từng giữ chức vụ trong nội các hiện tại, được phương Tây ủng hộ. Còn đối tượng lật đổ đều là người thân Nga và từng là công chức dưới thời Xô viết (Shevardnadze của Grudia và Yanukovych của Ukraina). Nếu như Saakashvili tuyên bố thẳng sẽ phát triển quan hệ với Mỹ và coi trọng Nga thì Yushchenko cũng đặt mục tiêu đưa Ukraina gia nhập NATO và EU càng sớm càng tốt.  

Trong cả hai trường hợp, các cuộc biểu tình đều không bị hỗn loạn và phân tán nhờ có những tình nguyện viên hướng dẫn và tổ chức khá quy củ. Họ có ý đồ và cách hoạt động rõ ràng chứ không phải là cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát. Những người này thậm chí đã kêu gọi Quốc hội họp phiên khẩn cấp để xem xét việc huỷ bỏ kết quả bầu cử.

Người dẫn đầu một nhóm biểu tình ở thủ đô Kiev cho biết: "Nếu quốc hội không có biện pháp giải quyết tình hình, chúng tôi không có cách nào khác là phong toả đường phố, sân bay và tràn vào toà thị chính!". Đó chính là cách làm của đoàn biểu tình ở Tbilisi năm ngoái.

Tuy vậy, những sự tương đồng đó không hẳn sẽ đảm bảo cho thành công của những người biểu tình ở Ukraina. Một cuộc "cách mạng nhung" thường dễ thành công hơn ở một nước nhỏ. Dân số của Grudia chỉ có 5 triệu người trong khi dân số Ukraina gấp gần mười lần (48 triệu). Tìm được tiếng nói chung sẽ khó khăn hơn rất nhiều đối với ông Yushchenko.

Ở Grudia, dân số tập trung hơn nửa vào Tbilisi, nên khi Saakashvili có được sự ủng hộ ở thủ đô, ông nắm chắc phần thắng. Ở Ukraina, chính quyền ở 5 thành phố lớn là Kiev, Lviv, Ternopil, Vinnytsia và Ivano-Frankivsk đã tuyên bố ủng hộ ông Yushchenko. Tuy nhiên, vùng Donetsk rộng lớn và giàu có với nguồn than đá dồi dào vẫn là căn cứ vững chắc ủng hộ Thủ tướng Yanukovych.

Khi dân chúng biểu tình và tràn vào văn phòng chính phủ ở Tbilisi, lực lượng an ninh đã làm lơ, một số thậm chí còn tự hoà mình vào đoàn người biểu tình. Còn ở Kiev, cảnh sát đã cho biết sẽ áp dụng biện pháp cần thiết để xoá bỏ tình trạng hỗn loạn vô pháp luật nếu xảy ra. Ngoài ra, sự ủng hộ từ điện Kremlin cũng là một nguồn cổ vũ lớn cho phe Yanukovych đang nắm quyền.

Chính vì vậy, tình hình có thể vẫn rất phức tạp trong những ngày tới. Cả hai bên đều có vị thế riêng của mình, hứa hẹn một cuộc tranh chấp chính trị vô cùng căng thẳng, đúng như một người biểu tình đã nhận xét: "Đây là lần khai sinh mới của Ukraina và sẽ rất quan trọng đối với mọi người".

(NHQ - Theo Kiev Post, AP)

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,