Sudan: Đụng độ ở Darfur, 17 người thiệt mạng
Đụng độ xảy ra hôm qua (22/11) gần một ngôi làng ở Darfur, Sudan làm ít nhất 17 người thiệt mạng, một số người bị thương và một bệnh viện bị phá huỷ.
Ngoại trưởng Ahmed Haroon cho biết, bạo động xảy ra ở thị trấn Tawilla, bắc Darfur hôm qua (22/11) khi lực lượng nổi dậy tấn công vào khu vực này. Bản báo cáo của một tổ chức cứu trợ cho hay, máy bay của chính phủ đã ném bom xuống thị trấn này.
Tuy nhiên, ông Haroon phủ nhận việc chính phủ đã vi phạm thoả thuận ngừng bắn giữa lực lượng nổi dậy và chính phủ. "Các khu vực này vẫn đang trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Nhận định cho rằng chúng tôi vi phạm thoả thuận là không có căn cứ", ông nói.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc (LHQ), George Somerwill, cho biết, các nhân viên gìn giữ hoà bình thuộc Liên minh châu Phi đã đưa 45 người đến nơi an toàn bằng máy bay khi đụng độ giữa lực lượng nổi dậy và dân quân Ả-rập ở thị trấn Tawilla diễn ra. 45 người này đã phải trốn vài giờ trong các bụi cây rậm bên ngoài thị trấn Tawilla để lánh nạn.
George Somerwill cho biết, không có tổ chức cứu trợ nhân đạo nào đến hỗ trợ cho hàng nghìn người bị mất nhà cửa vì bạo động ở Tawilla. Theo ông Somerwill, cuộc tranh cãi của bộ tộc về vấn đề gia súc đã châm ngòi cho các vụ đụng độ.
Tawilla là một địa điểm chiến lược mà chính phủ dùng để tiếp tế cho các lực lượng có căn cứ ở phía tây Sudan, gần biên giới Chad và các khu vực ở tây bắc Darfur. Đó cũng là nơi khoảng 30.000 dân làng châu Phi mất nhà cửa vì các cuộc xung đột.
Ông Somerwill cho biết, ở phía nam Darfur, lực lượng nổi dậy đã tấn công doanh trại Kalma, nơi ở của hàng nghìn người mất nhà cửa trong cuộc xung đột Darfur kéo dài 21 tháng. Vụ đụng độ làm 4 cảnh sát Sudan thiệt mạng và 5 người bị thương. Đồng thời, 4 kẻ nổi dậy đã bị bắt. Sau đó, lực lượng chính phủ Sudan đã lấy lại được quyền kiểm soát khu doanh trại.
Xung đột Darfur bắt đầu khi Quân đội Giải phóng Sudan cùng Phong trào Công bằng và Bình đẳng cầm vũ khí đòi có thêm quyền lực. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, bệnh tật, bệnh suy dinh dưỡng và đụng độ giữa những người vô gia cư đã làm hơn 70.000 người thiệt mạng kể từ hồi tháng 3.
Trong vòng 48 năm độc lập, đất nước lớn nhất châu Phi này đã trải qua tới 39 năm nội chiến. Cả miền bắc và miền tây đã có xung đột nội bộ trước khi độc lập. LHQ hi vọng rằng sự chấm dứt nội chiến ở miền nam có thể giúp dẹp yên xung đột Darfur.
Phát ngôn viên của LHQ, Radhia Achouri, cho biết, LHQ đang xem xét việc triển khai 7.000 nhân viên gìn giữ hoà bình và thiết lập các tổ chức LHQ ở miền nam Sudan để giúp có được một thoả thuận hoà bình. Tất cả các tổ chức LHQ đang hoạt động ở Sudan nhằm chấm dứt nội chiến sẽ được triển khai tới miền nam Sudan, trong vòng 6 tháng.
(Việt Hằng - Theo AP)