Hội nghị Bộ trưởng APEC kết thúc với nhiều cam kết
09:19' 19/11/2004 (GMT+7)

Bộ trưởng của 21 thành viên kinh tế thuộc APEC hứa nỗ lực hơn nữa nhằm đương đầu với những thách thức về đầu tư và thương mại trong khu vực.

Các bộ trưởng chụp ảnh chung sau khi dự hội nghị.

Chống khủng bố và phổ biến vũ khí hạt nhân là những chủ đề được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp, đúng ra chỉ tập trung chính vào vấn đề thương mại. Hội nghị bộ trưởng các nước và vùng lãnh thổ thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong hai ngày 17-18/11 tại Santiago, Chile.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng cam kết sẽ thành lập một hệ thống thương mại mở nhằm tạo thêm nhiều cơ hội mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động và phụ thuộc lẫn nhau. Tiếp tục coi việc nối lại cuộc đàm phán WTO là ưu tiên hàng đầu, các bộ trưởng khẳng định lại cam kết cải tiến và tự do hoá trong hệ thống thương mại đa phương. 

Các bộ trưởng tuyên bố đã nhất trí phê chuẩn Thoả thuận trọn gói tháng 7 đã được Đại hội đồng WTO thông qua, và coi đây là bước đột phá trong chương trình phát triển DOHA (DDA).

Cũng tại hội nghị, các bộ trưởng cam kết không để máy phóng tên lửa rơi vào tay lực lượng khủng bố đồng thời cam kết ngăn ngừa Iran và CHDCND Triều Tiên phổ biến hạt nhân. Sáng qua (17/11), ngoại trưởng 19 nước, ngoại trừ Đài Loan và HongKong, hứa kiểm tra chặt chẽ hơn nữa đối với các loại tên lửa vác vai có khả năng bán hạ máy bay.

Ngoại trưởng Australia Alexander Downer nói: ''Cuộc bàn luận tập trung vào việc đảm bảo cho khu vực châu Á Thái Bình Dương được trang bị đầy đủ để đương đầu với mối đe doạ từ MANPAD (hệ thống phòng không dễ vận chuyển). Ngoài ra, một nội dung khác cũng được nói tới là kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt đối với các vật liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí huỷ diệt hàng loạt''.

Trong bản tuyên bố chung, các ngoại trưởng tuyên bố sẽ cố gắng loại trừ mối nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thiết lập chỉ dẫn nhằm thắt chặt sự di chuyển của tên lửa vác vai.

APEC thành lập năm 1989 nhằm đáp ứng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương và nhu cầu thúc đẩy sự năng động về mặt kinh tế cũng như tính cộng đồng ở khu vực. Thành viên của tổ chức này là Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc (gồm cả Hong Kong và Đài Loan), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Trong hai ngày cuối tuần (20-21/11) hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra với sự có mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia. 

Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 12 chính thức sẽ diễn ra trong hai ngày 20 và 21/11 tại Santiago, Chile. Tham dự hội nghị bao gồm nhiều vị nguyên thủ quốc gia và các đoàn đại biểu đến từ các nước Châu Á - Thái Bình Dương.

Thành phần đại biểu

Hội nghị thường niên này sẽ tề tựu đông đủ các vị nguyên thủ quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật bản, Hàn quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Giunea, Philippines, Singapore, Đài loan, Thái lan, Hoa kỳ, Pêru, Nga, và Việt nam như Tổng thống Chile Ricardo Lagos, Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Canada Paul Matin, Thủ tướng Australia John Howard, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương...

Chương trình nghị sự

Năm nay APEC có chủ đề là “Vì một cộng đồng tương lai của chúng ta” với 7 nội dung cụ thể:

1. Cam kết phát triển thương mại.

2. Chia sẻ lợi ích thông qua những thực tiễn tốt nhất.

3. Kỹ năng đương đầu với thách thức.

4. Cơ hội cho phát triển doanh nghiệp (vừa, nhỏ và siêu nhỏ).

5. Tăng trưởng và ổn định: Những nhân tố cho sự hội nhập của APEC.

6. Cam kết đối với tăng trưởng bền vững.

7. Vượt qua sự khác biệt.

Tham gia hội nghị cấp cao lần này, các thành viên sẽ thảo luận và xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường thuận lợi hoá về thương mại, đầu tư trong khu vực cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kỹ thuật. Dành ưu tiên cho việc hỗ trợ và xây dựng năng lực đối với các thành viên đang phát triển. Bên cạnh đó sẽ có tất cả các hoạt động chính của APEC gồm các phiên họp kín, phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với hội đồng tư vấn doanh nhân APEC (ABAC)...

Ý kiến một số lãnh đạo các nước trước thềm Hội nghị

Lãnh đạo các nước dự thảo sẽ đưa ra những đề xuất tại Hội nghị cấp cao lần này. Tổng thống Mỹ George Bush và người đồng minh thân cận, Thủ tướng Australia John Howard sẽ đưa ra vấn đề nguyên tử hạt nhân. Washington và Canberra mong muốn các thành viên APEC tán thành nghị định thư của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế về vấn đề xuất nhập khẩu vũ khí hạt nhân, củng cố thêm sức mạnh cho các quốc gia... Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ George Bush sẽ vẫn tiếp tục giữ quan điểm chống khủng bố. Ông cũng mong muốn thúc đẩy mậu dịch tự do, tăng trưởng kinh tế, thắt chặt an ninh để đảm bảo thành công trong lĩnh vực kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đồng ý tưởng, coi việc đấu tranh chống tham nhũng và chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết, ông có ý định thảo luận về việc nâng số lượng tích trữ dầu lên. Mặc khác căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cũng là vấn đề cần bàn tại hội nghị lần này. Còn Tổng thống Rô Mu Hiên Hàn Quốc sẽ tiến hành hội đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ George Bush về giải pháp vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các biện pháp phát triển quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm của cuộc hội đàm và phía Hàn Quốc muốn coi việc giải quyết vấn đề này là "dự án trọng điểm" của lãnh đạo cấp cao hai nước Hàn - Mỹ...

Riêng Việt Nam, tại hội nghị lần này Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ nêu ra các vấn đề như thúc đẩy thực hiện các biện pháp thuận lợi hoá thương mại và đầu tư trong APEC. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực đối với các thành viên, tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Đặc biệt, Việt Nam mong muốn các thành viên ủng hộ Việt Nam và Nga (2 nước còn lại trong APEC) sớm gia nhập WTO. Và cuối cùng, thúc đẩy hợp tác y tế trong APEC cũng là điều cần bàn. Đây là hành động có ý nghĩa thiết thực đối với mục tiêu bảo đảm an ninh con người trong khu vực…

Năm tới, Hội nghị thượng đỉnh APEC-13 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc và năm 2006, Việt Nam chúng ta sẽ là nước chủ  nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC-14.

(Hoài Linh, Hồng Thái - Tổng hợp)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
" Ông Bush bổ sung thành phần nội các mới (18/11/2004)
" Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn bàn về khủng hoảng Sudan (18/11/2004)
" Bình Nhưỡng bỏ những từ tán dương Kim Jong Il (18/11/2004)
" Thượng nghị sĩ Bỉ bị dọa giết (18/11/2004)
" 47 đảng phái ở Iraq tẩy chay tổng tuyển cử (18/11/2004)
" Jordan giúp Iraq đào tạo kỹ sư điện (17/11/2004)
" Tháng 12, Nhật ra đề cương sửa đổi hiến pháp (17/11/2004)
" Tình hình Iraq khiến thế giới nguy hiểm hơn (17/11/2004)
" Putin - Bush: Hai Tổng thống có cùng tư tưởng (17/11/2004)
" Liên quân tái kiểm soát các đồn cảnh sát Mosul (17/11/2004)
" Lãnh đạo thế giới lên án vụ sát hại Hassan (17/11/2004)
" 6 năm tù cho kẻ tham gia vụ đánh bom Madrid (17/11/2004)
" Đụng độ ở Nepal, 41 người chết (17/11/2004)
" Mỹ: Bộ trưởng An ninh Nội địa sắp từ chức (17/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang