Tướng James Jones, Tổng tư lệnh quân sự của Nato vừa tiết lộ một tin không vui đối với tổ chức này, rằng khoảng 10 nước thành viên đã từ chối đưa quân tới Iraq để tham gia với lực lượng Liên quân tại đây.
|
Quân lực NATO. |
Ông James không muốn tiết lộ cụ thể tên các nước từ chối gửi quân tham gia các nhiệm vụ tại Iraq, trừ các nước đã công khai từ chối là Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Luxembourg và Hy Lạp. Ông cho rằng việc từ chối hàng loạt như vậy sẽ làm yếu thêm lực lượng vốn đã bị phân tán ở cả Afghanistan và Balkan.
"Khoảng 10 nước sẽ không tham gia gửi quân tới Iraq. Điều này không những gây khó khăn cho Liên quân tại đây trong việc thực thi các nhiệm vụ quan trọng của mình mà còn có hại cho khối đoàn kết của Nato trong tương lai. Hy vọng đây là lần duy nhất xảy ra việc thiếu hợp tác như vậy"
Hiện tại, Nato cũng không có đủ quân số và trang thiết bị cần thiết cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình ở Kabul, Afghanistan. Nhưng theo tình hình tại Iraq và theo yêu cầu của Mỹ - Anh, đã đến lúc họ phải thực hiện sứ mệnh của mình tại đây. Trước hết, việc huấn luyện quân đội ở Baghdad sẽ cần thêm khoảng 300 nhân viên huấn luyện cùng khoảng 1.000 - 1.500 quân sĩ bảo vệ chung cho việc huấn luyện. Và Mỹ mong muốn Nato sẽ cố gắng đảm nhận tốt sứ mệnh ấy, sau khi họ đã chiếm được Falujah.
Do đó, Nato dự định sẽ tổ chức "Hội nghị phát triển lực lượng toàn cầu" trong tuần tới, một hội nghị quan trọng nơi tất cả 26 thành viên Nato sẽ thảo luận tìm cách huy động đủ quân số cho các nhiệm vụ quốc tế ngày càng nhiều như hiện nay. Không đủ quân số và khí tài cũng đồng nghĩa với việc uy thế lâu dài của tổ chức này sẽ giảm sút trầm trọng.
Trước mắt, nếu không cải thiện được tình hình nội bộ, sẽ không có đủ quân để phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện quân chính phủ Iraq. Nếu như vậy, đó sẽ khởi đầu cho một "nhiệm vụ bất khả thi" đáng hổ thẹn đối với Nato - khối quân sự chung thể hiện mối liên hệ giữa Mỹ với châu Âu.
(NHQ - Theo AFP) |