Lầu Năm Góc và phương tiện chiến tranh mới
Lầu Năm Góc đang tiến hành xây dựng một loại vũ khí đặc biệt mà theo họ là tổng hợp của cả bộ binh, hải quân, không quân, lính thuỷ đánh bộ, và còn hơn thế nữa. Đó là mạng Internet quân sự nhằm phục vụ cho những mục đích chiến tranh trong tương lai.
Mạng này sẽ liên kết các vệ tinh, máy bay, vũ khí các loại và các đồn bốt khắp nơi lại với nhau với mục đích cung cấp cho các sĩ quan cũng như binh lính Mỹ những thông tin và hình ảnh của quân địch cũng như các nguy cơ tiềm ẩn bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo Lầu năm góc, mạng Internet quân sự mà họ gọi là Hệ thống Thông tin toàn cầu (GIG) sẽ là một cuốn bách khoa chứa những thông tin "chết người" của quân địch mà quân Mỹ có thể dễ dàng tra cứu.
"Mạng Internet quân sự GIG," theo như thuyết trình của Thư ký Không quân Mỹ Peter Teets trước quốc hội, "sẽ cho phép lính thuỷ đánh bộ ở mãi tận Humvee hay một nơi xa xôi nào đó, mở máy tính xách tay ra xem xét tình hình quân địch từ vệ tinh và tải xuống trong chốc lát."
Lầu năm góc đã ấp ủ GIG từ cách đây 6 năm nhưng tới giờ mới chính thức đi vào thực thi. Có thể sẽ phải mất vài thập kỷ cùng hàng trăm tỷ đô-la để hoàn thành mạng Internet chiến tranh này. Chính vì vậy đã không ít người tỏ ra hoài nghi với dự án to lớn ấy.
Vint Cerf, một trong những người đầu tiên xây dựng nên Internet và là cố vấn của Lầu năm góc về vấn đề mạng, tỏ ra băn khoăn: "Tôi muốn biết chắc về tính khả thi của dự án và triển vọng của nó, để chắc rằng chúng ta không phí tiền của công sức vào những chuyện không tưởng, kiểu như dự án 'Chiến tranh giữa các vì sao', khi mà công nghệ và khả năng con người không thể đáp ứng kịp tham vọng của chính họ."
Những người đã quen với chiến tranh truyền thống ở Lầu năm góc cũng e ngại rằng dự án này sẽ chẳng giúp ích gì hơn, và cũng chẳng cần phải nghĩ tới nó, bởi hiện nay, những cuộc truy quét trên đường phố với súng đạn thông thường vẫn phát huy hiệu quả tốt ở Fallujah và Baghdad, dù trước giờ cũng đã có nhiều sáng kiến muốn thay thế chúng.
Họ cũng chỉ ra rằng, một dự án lớn như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ quan liêu trong quân đội. Từ lâu nay, người ta phải rất kỳ công để rèn luyện cho binh lính thuộc đủ các binh chủng để có được các kỹ năng chiến đấu phù hợp. Nếu có hệ thống ấy, người ta sẽ chủ quan và quên mất kỹ năng chiến đấu truyền thống, chắc chắn vẫn sẽ còn phải dùng đến rất nhiều nữa.
Nhưng dù có đồng ý hay không thì Lầu năm góc cũng đã bắt đầu thực hiện dự án ấy, và hàng triệu đô-la đã được bỏ ra cho tới nay. Ước tính, trong vòng 5 năm tới, Lầu năm góc sẽ chi tới khoảng 24 tỷ đô-la, số tiền còn lớn hơn dự án chế tạo bom nguyên tử mang tên Manhattan trước đây. Cho tới khi hoàn tất, ít nhất khoảng 120 - 200 tỷ đô-la sẽ được chi cho dự án khổng lồ này!
Để được phép thực hiện một dự án lớn như vậy, Lầu năm góc đã biện hộ rằng mạng GIG sẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất người Mỹ có được trong tương lai, rằng Internet sẽ làm thay đổi quân đội của họ một cách tích cực như đã thay đổi kinh tế và văn hoá hiện nay.
"Đó cũng chính là điều duy nhất cần phải thay đổi trong hệ thống quốc phòng của chúng ta hiện nay,'' Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld cho biết, "đó không phải là một thứ vũ khí đơn lẻ, mà là một hệ thống kết hợp hoàn hảo hầu hết các vũ khí hiện có, và sẽ có."
Theo ông, quân đội Mỹ sẽ chiến đấu được mọi kẻ thù dù nhìn thấy hay dấu mặt mà không phải dùng hàng loạt máy bay, tàu chiến, xe tăng hay trại lính để do thám và càn quét hòng tìm kiếm quân địch. Do đó, đường tới thành công sẽ nhanh hơn vào ít tốn kém hơn rất nhiều. Mỗi người lính Mỹ sẽ có một bức tranh toàn cảnh về chiến trường, cũng như từng góc cụ thể, để từ đó tóm gọn quân địch mà không phải chịu những rủi ro lớn về tính mạng như hiện nay, do phải dò dẫm không có trọng điểm.
Robert J. Stevens, Tổng Giám đốc hãng Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất ở Mỹ, cho biết: "Có thể thấy một mạng Internet như vậy sẽ rất an toàn và hiệu quả cho quân đội Mỹ. Và hiệu ứng của mạng Internet đó với những cuộc chiến của thế kỷ này cũng sẽ giống như hiệu ứng mà vũ khí hạt nhân có được đối với chiến tranh lạnh ở thế kỷ trước".
Cùng với Lockheed Martin, các nhà thầu quân sự quen thuộc cũng như những nhà tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin đã được huy động để thực thi dự án như: Boeing; Cisco Systems; Factiva; Hewlett-Packard; Honeywell; I.B.M; Microsoft; Northrop Grumman; Oracle; Raytheon và Sun Microsystems. Hiện họ đang phối hợp với nhau triển khai các khâu đầu tiên của dự án một cách hối hả.
(NHQ - Theo The New York Times)