Cúm A/H1N1 nguy hiểm hơn với phụ nữ mang thai
Một cặp vợ chồng đeo khẩu trang phòng cúm A/H1N1 trong lúc chờ đợi tại Bệnh viện Souza Aguiar ở Rio de Janeiro. (Ảnh: AFP)
Các tác giả của nghiên cứu đề nghị phụ nữ mang thai bị nhiễm H1N1 hãy dùng thuốc chống virus để bảo vệ bản thân và thai nhi.
"Nếu cảm thấy không khỏe, họ cần gọi cho bác sĩ của mình và các bác sĩ hãy nhanh chóng kê thuốc cho họ", Tiến sĩ Denise J. Jamieson, trưởng nhóm nghiên cứu hiện đang công tác tại Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói.
Thực tế, một số bác sĩ bất đắc dĩ mới kê thuộc cho phụ nữ mang bầu bởi họ lo ngại sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Tuy nhiên, Tiến sĩ Jamieson kêu gọi họ hãy gạt những lo lắng đó sang một bên, viện dẫn lợi nhiều hơn hại.
Theo thống kê, trong số 266 ca tử vong liên quan tới cúm A/H1N1 mà CDC nắm thông tin chi tiết, có 15 người là bà bầu. Con số này chiếm 6% trong khi số phụ nữ mang thai chỉ chiếm 1% dân số Mỹ. Hầu hết họ đều khỏe mạnh trước khi nhiễm cúm.
Bên cạnh đó, số phụ nữ mang thai nhiễm H1N1 phải nhập viện cao gấp 4 lần các đối tượng khác. Mặc dầu vậy, nghiên cứu gợi ý rằng điều này có thể là do các bác sĩ "ưu tiên" bà bầu nhập viện hơn so với những người bình thường nếu có cùng triệu chứng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng bất thường của H1N1 đối với phụ nữ mang thai là điều dễ hiểu, bởi vì trong thời kỳ thai nghén, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, theo bà Jamieson. "Vì bào thai tăng trưởng sẽ đẩy cơ hoành lên cao nên có ít chỗ trống cho phổi", ảnh hưởng tới hệ hô hấp của người mẹ, nữ Tiến sĩ này cho biết.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ngay cả cúm theo mùa cũng là một mối đe dọa đối với phụ nữ mang bầu, đặc biệt là ba tháng cuối, do những thay đổi ở phổi và hệ miễn dịch.
Trong một diễn biến khác, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này đang muốn thành lập các nhóm binh sĩ khu vực để trợ giúp các nhà chức trách dân sự địa phương trong trường hợp bùng phát một ổ dịch lớn vào mùa thu này. Đề xuất trên đang chờ được Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thông qua.
Vào đầu tháng 8, Mỹ sẽ bắt đầu các thử nghiệm đầu tiên trên người loại vaccine mới chống cúm A/H1N1. Bên cạnh việc đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của thuốc, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực xác định liều lượng thích hợp.
Cúm A/H1N1, bùng phát ở Mexico hồi tháng 4, đã nhanh chóng lây lan ra các nước khác, cướp đi mạng sống của hơn 800 người. Tính đến nay đã có hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ bị căn bệnh này tấn công. WHO khuyến cáo không một nơi nào trên thế giới thoát khỏi đại dịch và trong vòng 2 năm tới, số người nhiễm bệnh có thể lên tới 2 tỷ, chiếm 1/3 dân số toàn cầu.
WHO cho biết hiện nay không thể ngăn chặn được cúm A/H1N1 mà chỉ có thể giám sát chặt chẽ những dấu hiệu biến đổi hoặc kết hợp của virus này với các loại virus khác.
Theo Keiji Fukuda, một quan chức cấp cao của WHO, sự lây lan của loại virus nguy hiểm này hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
- Thanh Hảo (Theo CNN, AP, BBC)