Ấn Độ - Pakistan nối lại đàm phán về Kashmir
Sau 3 năm gián đoạn, Ấn Độ và Pakistan hôm qua (27/6) chính thức nối lại đàm phán về vấn đề Kashmir. Ngày làm việc đầu tiên đã diễn ra một cách "tích cực và xây dựng".
Những vấn đề chính được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao cao cấp Ấn Độ và Pakistan là hoà bình, an ninh và giải pháp để thúc đẩy hoạt động thông tin liên lạc giữa 2 nước. Hai bên đã cân nhắc việc mở cửa trở lại lãnh sự quán của Pakistan tại Mumbai, Ấn Độ, và lãnh sự quán của Ấn Độ tại Karachi, Pakistan; thiết lập tuyến xe buýt xuyên Kashmir, đi qua khu vực ngừng bắn; và xây dựng một lộ trình giải quyết các vấn đề liên quan đến hạt nhân.
Hôm nay (28/6), cũng tại New Delhi, 2 bên sẽ có ngày làm việc cuối cùng, tập trung vào khu vực tranh chấp Kashmir.
Theo kế hoạch, ngay sau khi kết thúc hội đàm, phái đoàn Pakistan sẽ hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Ngoại trưởng Natwar Singh và Cố vấn An ninh Quốc gia J.N. Dixit.
Kể từ năm 1947, khi một phần lãnh thổ Ấn Độ bị chia cắt để lập nên nhà nước Pakistan, 2 quốc gia láng giềng Nam Á này đã đối đầu với nhau trong 2 cuộc chiến chính thức. Mới đây, năm 2002, họ đã huy động lực lượng và gần như chuẩn bị lao vào cuộc chiến thứ ba. Tuy nhiên, 2 cường quốc hạt nhân ở châu Á đã biết dừng lại đúng lúc và xuống thang, tránh cho nhân loại một cuộc chiến được dự báo là sẽ rất tàn khốc. Từ đó, mối quan hệ giữa New Dehli và Islamabad được cải thiện dần dần. Hai nước đã nối lại các tuyến xe buýt, đường sắt và hàng không chung.
Theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pakistan, các cuộc hội đàm cấp bộ sẽ liên tục được tổ chức để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ 2 nước, tiến tới giải quyết rốt ráo vấn đề Kashmir.
Hiện hai phần ba khu vực Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, phần còn lại thuộc Pakistan. Cả 2 đều khăng khăng rằng khu vực này là lãnh thổ của mình. Hàng chục nghìn người dân của cả 2 quốc gia đã thiệt mạng kể từ năm 1989, khi một phong trào Hồi giáo ly khai đứng lên chủ trương dùng bạo lực để phản đối sự quản lý của Ấn Độ tại khu vực này.
(Tiến Dũng - Theo BBC, CNN)