Các quan chức Nhật Bản hôm nay công nhận, thi thể người chết vừa được tìm thấy ở Iraq rất giống Shosei Koda, công dân Nhật bị bắt cóc ở Iraq, và đang cho chuyển tới Qatar để xác minh thêm.
|
Cuốn băng về con tin Shosei Koda được tung lên Internet. |
Nhóm khủng bố do Abu Musab al-Zarqawi đứng đầu, đồng minh của Al Qaeda, hôm 27/10 đã tung lên Internet một cuốn video dọa sẽ chặt đầu con tin Shosei Koda trong vòng 48 tiếng nếu Nhật không rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, Tokyo đã bác bỏ yêu sách này.
Trước đó, hãng tin Kyodo cho hay, xác người được tìm thấy phát hiện tại Tikrit, quê hương cựu lãnh đạo Saddam Hussein, là của Shosei Koda, năm nay 24 tuổi. Anh bị bắt cóc trên xe buýt tuyến Jordan - Baghdad, trong người chỉ có một chút tiền mặt và không có vé đặt trước khách sạn.
Thông tin về vụ hành quyết con tin người Nhật ở Iraq đặt ra một thách thức mới đối với Thủ tướng Koizumi, vốn là một đồng minh thân cận của Mỹ và đã gửi quân tới Iraq bất chấp sự phản đối gay gắt của dân chúng. Sự kiện này cũng sẽ làm phức tạp thêm quyết định của chính phủ Nhật về việc liệu có nên kéo dài thời hạn đóng quân của binh lính nước này ở đất nước vùng Vịnh hay không.
Tuy nhiên, người Nhật lại đổ lỗi cho Koda đã tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm khi quyết tới Iraq.
Thời điểm này, rất nhiều ống kính truyền hình đều hướng về nhà riêng của Koda ở thành phố Nogata, miền nam Nhật Bản. Báo chí địa phương đưa tin, người nhân của con tin này đang bàn kế hoạch bay tới Qatar nếu thi thể người châu Á được tìm thấy ở Iraq chính là Koda. Mặc dù khả năng này là rất lớn, hãng tin Kyodo dẫn lời Bà Setsuki Koda, mẹ của Koda cho hay, bà vẫn tin rằng con trai mình còn sống. "Tôi tự an ủi nó sẽ trở về nhà bình an".
|
Người qua đường ở Tokyo nhận thông tin về xác người được tìm thấy ở Iraq trông rất giống với Shosei Koda. |
Chưa rõ khi nào hết thời hạn chót mà nhóm Zarqawi đặt ra đối với chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, các quan chức quốc đảo này nhận định, thời hạn chót đã trôi qua lúc 2h sáng ngày 28/10 (giờ Tokyo). Họ cũng tìm kiếm sự trợ giúp cứu mạng con tin từ khoảng 25 nước, trong đó có Mỹ, Anh và các quốc gia Trung Đông. Tokyo cũng đã cử một phái viên đặc biệt tới Jordan.
Du kích Iraq bắt đầu chiến dịch bắt cóc người ngoại quốc từ tháng 4 năm nay với mục đích gây sức ép khiến Mỹ và liên quân phải rút khỏi đất nước này. 4 người Nhật gồm hai nhà ngoại giao và hai phóng viên cũng đã bị giết ở Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein hồi tháng 3/2003. 5 dân thương Nhật bản gồm các phóng viên và một nhân viên cứu trợ ở Iraq cũng bị làm con tin hồi tháng 4. Nhóm bắt cóc ra yêu sách quân đội Nhật Bản phải rút quân về nước để đổi lấy mạng sống của những người này. Tuy nhiên, sau đó tất cả đã được phóng thích và sự kiện này đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích nặng nề từ phía công chúng đối với chính phủ Nhật Bản vì đã cử quân tới Iraq bất chấp nguy hiểm.
(Thanh Hảo - Theo BBC, Reuters) |