Nước Mỹ - tuần cuối cùng nóng bỏng
00:48' 27/10/2004 (GMT+7)

TT G.Bush và TNS J.Kerry chỉ còn đúng 7 ngày cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Từ Washington DC, phóng viên VietNamNet đã có những ghi nhận riêng về nước Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.

 

Khi số ít có vai trò quyết định

 

Ở thời điểm mà ứng cử viên tổng thống của  cả  hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều đã tương đối yên tâm với “sân nhà” - tức các bang truyền thống chỉ bỏ phiếu cho hoặc Dân chủ, hoặc Cộng hoà, thì lá phiếu của những cử tri tại những vùng thường ngày ít có vai trò trong đời sống chính trị Mỹ bỗng trở nên rất quan trọng trong chương trình vận động bầu cử.

Những biểu tượng trước nhà của người Mỹ trong mùa bầu cử

 

Theo kết quả thăm dò của các cơ quan truyền thông Mỹ, sự chênh lệch giữa Bush và Kerry không quá lớn, Bush được 51% và Kerry 47%. Chính vì vậy Ohio, Pensnylvania hay Michigan, những bang trung dung hoặc cử tri còn phân vân chưa quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào (swing state) đang là những bang quyết định chiến thắng cho Bush hoặc Kerry, đặc biệt là Kerry. Vì vậy, trong khi TT Bush cùng tuỳ tùng của mình vận động tích cực các cử tri Ohio, thì TNS Kerry - với sự hỗ trợ đắc lực của cựu Tổng thống Clinton – tìm mọi cách thu hút sự chú ý của cử tri Philadelphia, Pensylvania.

 

Còn thành phố hẻo lánh Kalamazoo ở vùng Ngũ Hồ, bang Michigan thì năm nay ‘được’ đón đội quân vận động của cả vị tổng thống đương nhiệm lẫn TNS J.Kerry. Cả hai đều đã cố gắng thuyết phục người dân nơi đây về những điều họ sẽ làm nếu tiếp tục, hoặc trở thành tổng thống.

 

Sự cẩn trọng về lá phiếu

 

Sau kết quả đầy tranh cãi tại bang Florida dẫn đến thất bại của ứng cử viên Al Gore năm 2000, năm nay người Mỹ rẩt cẩn trọng về yếu tố kỹ thuật của lá phiếu và quá trình kiểm phiếu. Một trong những giải pháp của người Mỹ là ứng dụng công nghệ cao.

Soạn: AM 180165 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chiếc máy bỏ phiếu tại hạt Fairfax

 

Tại hạt Fairfax, bang Virginia, một thành viên của hội đồng bầu cử rất hào hứng giới thiệu với chúng tôi về chiếc máy bỏ phiếu (voting machine) công nghệ cao của họ. Ứng dụng kỹ thuật touchscreen, người dân của khu vực này có thể ‘’sờ màn hình - bầu tổng thống’’ với 12.063 chiếc máy như vậy (tất nhiên các dạng phiếu bầu cử khác cũng tồn tại song song). ‘’Ngoài việc tức thời ghi nhận kết quả bầu của cử tri và gửi về trung tâm xử lý dữ liệu, mỗi chiếc máy bỏ phiếu còn được gắn thẻ nhớ USB để backup dữ liệu đề phòng có trục trặc hay tranh cãi cần phải kiểm tra…’’ - người phụ trách kỹ thuật của hội đồng bầu cử hạt Fairfax  khẳng định với phóng viên VietNamNet.

 

Tại thành phố Kalamazoo, ông Tim Snow, Thư ký hội đồng thành phố cho biết mỗi chiếc máy quét đặc dụng dùng để quét các lá phiếu cử tri đều được gắn thêm một cuộn giấy để có thể in kết quả, đề phòng sự trục trặc nào đó về phần mềm hoặc thiết bị. Ngoài ra, các máy quét đều tự động phân tích và thông báo những lá phiếu có sai sót hoặc không hợp lệ.

 

Sau sự cố về lá phiếu của mùa bầu cử năm 2000, người Mỹ đã thận trọng hơn rất nhiều. Nhưng theo lời ông Richard Soudriette - Chủ tịch IFES, một tổ chức chuyên về các hệ thống và kỹ thuật bầu cử - thì chỉ có thể đợi đến ngày 2/11 tới người Mỹ mới biết hệ thống kỹ thuật của họ hoàn hảo tới đâu, còn hiện tại chỉ hy vọng là sẽ  không có trục trặc gì.

 

Cadillac và BMW, độc thân và có gia đình hay sự khác biệt giữa Bush và Kerry

 

Người Mỹ gắn chặt với chiếc ôtô. Và ở một mức độ nào đó, chiếc xe nói lên khá nhiều về chủ nhân của nó, thậm chí phần nào cả …xu hướng chính trị của người sử dụng.  Nghe có vẻ lạ, nhưng theo những gì mà phóng viên VietNamNet ghi nhận ở nước Mỹ trong những ngày này, thì điều này đúng.  Trên đường phố Washington DC hay các đường cao tốc của nước Mỹ, rất nhiều người lái xe dán đằng sau xe họ biểu tượng và tên của Kerry hoặc Bush, những biểu tượng giống như họ cắm trước khoảng vườn nhỏ trước mỗi ngôi nhà của người Mỹ.

Biểu tượng ủng hộ Kerry sau xe trên đường phố Washington

 

Tuy không phải tất cả, nhưng rất nhiều xe dán biểu tượng ủng hộ đảng Cộng hoà là những loại xe đắt tiền và rất đặc trưng kiểu Mỹ như Cadillac, Dodge, Crysler, GM - loại xe của những người Mỹ khá giả. Và cũng nhiều không kém những chiếc xe mà chủ nhân treo cờ hoặc dán biếu tượng ủng hộ đảng Dân chủ là xe nhập ngoại kiểu BMW, Toyota, hoặc những chiếc SUV năng động – xe của giới trẻ, tầng lớp bình dân hoặc mới thành đạt.

 

Theo kết quả thăm dò của cả tờ Washington Post và kênh MSNBC cuối tuần qua, ủng hộ TT Bush là những người đã có gia đình (hơn 60%), còn ủng hộ TNS Kerry lại là giới trẻ với hơn 60% những người chưa có gia đình. Về mặt giới, tới 67% phụ nữ Mỹ ủng hộ TT Bush. ‘’Đảng Cộng hoà đã tạo được hình ảnh về việc duy trì truyền thống, một Chính phủ mạnh mẽ kiểm soát được tình hình…’’ – đại diện của Liên đoàn cử tri nữ thành phố Kalamazoo nói.

 

Có vẻ như TT Bush đã thành công khi tạo ra cảm giác về sự quyết đoán, ổn định - điều mà phụ nữ và những cử tri có gia đình thường đề cao, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ thời khủng bố mấy năm lại đây. Trong khi đó, hình ảnh về TNS Kerry đọng lại nhiều trong những người Mỹ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc là một người năng động, ôn hoà và cởi mở.

 

Tràn ngập trên các tờ báo buổi sáng, các bản tin truyền hình ở khắp nước Mỹ những ngày này là cuộc chạy nước rút của TT Bush và TNS Kerry. Nhất cử nhất động của ứng cử viên đều được các cây bút và ống kính camera  ghi nhận. Hàng loạt các cuộc thăm dò cử tri được công bố mỗi ngày. Và nếu như kết quả các cuộc thăm dò là chính xác, thì TT Bush đang chiếm ưu thế so với TNS Kerry, nhưng cũng chưa thể nói trước được điều gì bởi nền chính trị Mỹ vốn đầy những bất ngờ.

 

  • An Biên
    (từ Washington D.C)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
TNS John Kerry: ''Chúng tôi đều yêu nước Mỹ''
TNS Kerry chọn ông Edwards làm đối tác liên danh
Laura Bush và Teresa Heinz Kerry là bạn bè?
Bush, Kerry chuẩn bị cho buổi tranh luận thứ 2
8h sáng nay, tranh luận Bush - Kerry lần cuối
Bush - Kerry "mài giáo" cho cuộc tỉ thí ngày mai
Bush giống Reagan khi "hành động đơn phương"?