Sau tranh luận, Bush và Kerry vẫn ở thế giằng co
10:30' 14/10/2004 (GMT+7)

Theo kết quả thăm dò chớp nhoáng sau tranh luận, hiện TNS Kerry đang dẫn ông Bush với số điểm 49/48 (chưa kể sai số). Như vậy, qua cuộc tranh luận cuối cùng, TNS Kerry đã tăng 2 điểm, còn Tổng thống Bush lại giảm 2 điểm, nhưng cả hai vẫn đang ở thế giằng co.

Trong buổi tranh luận sáng nay (14/10), hai ứng viên Tổng thống Mỹ tập trung vào các vấn đề đối nội, trọng tâm là kinh tế, y tế, giảm thuế và hôn nhân đồng tính.

Mở đầu buổi tranh luận, người dẫn chương trình Bob Schieffer nêu câu hỏi đối với TNS Kerry liên quan tới an ninh nội địa.

"Liệu con cháu chúng ta có được sống trong một thế giới an bình như thế giới ta đang sống hay không?", Schieffer hỏi.

Đáp lại, TNS Kerry khẳng định: "Chúng ta cần phải được an toàn. Đó là mục tiêu". Ông tiếp tục chỉ trích ông Bush vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của một Tổng thống: bảo vệ đất nước trước hiểm hoạ khủng bố.

Ông Bush cho rằng: "Nước Mỹ có thể trở thành một quốc gia an toàn nếu chúng ta tấn công khủng bố và nếu chúng ta phổ biến sự tự do trên toà thế giới".

Y tế

Câu hỏi thứ 2 liên quan tới vấn đề chăm sóc y tế. Nội dung câu hỏi là yêu cầu Tổng thống Bush giải thích về tình trạng thiếu vaccine phòng bệnh cúm tại Mỹ vào đầu mùa cúm. Chớp lấy cơ hội này, TNS bang Massachusetts lập tức chỉ trích chính sách y tế của chính quyền Bush. "5 triệu người Mỹ đã mất bảo hiểm y tế ngay tại đất nước này", ông Kerry nói và khẳng định ông có một kế hoạch để tăng cường việc chăm sóc y tế cho người dân.

Soạn: AM 170359 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đang tranh luận.
Đáp lại, Tổng thống Bush nói: "Tôi muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng kế hoạch không giống như một quyển kinh cầu nguyện và kế hoạch không phải là vẽ ra các chương trình mà bạn không kiếm đâu ra tiền để thực hiện".

TNS Massachusetts lập tức phản công: "Mọi kế hoạch tôi đề xuất - kế hoạch y tế, giáo dục, kế hoạch giúp thanh thiếu niên có thể nhận những khoản vay ưu đãi hơn khi vào đại học - tôi đều nêu rõ tôi sẽ chi trả thế nào".

Việc làm và thuế

"Thưa Tổng thống, ngài sẽ nói gì với một người dân Mỹ vừa bị mất việc làm vào tay một ai đó ở nước ngoài đang được nhận một phần chi trả từ công việc tại đây?". Schieffer hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Bush nói: "Bob, tôi đã có những chính sách nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và tạo ra nhiều việc làm trong thế kỷ 21. Đó là sự trợ giúp để các bạn được giáo dục, được tới các trường trung học trong nước".

Đáp lại, ông Kerry nói: "Tôi muốn các bạn lưu ý về việc Tổng thống đã chuyển trọng tâm từ việc làm sang giáo dục như thế nào. Chính quyền hiện nay đã cắt giảm tiền dành cho đào tạo. Họ không hề tăng cường trợ cấp thất nghiệp, không mở rộng dịch vụ chăm sóc y tế đối với những người mất việc làm".

Liên quan tới vấn đề thuế, ông Bush cáo buộc TNS Kerry từng 98 lần bỏ phiếu tán thành việc tăng thuế. Đáp lại, ông Kerry cho rằng Tổng thống đang cố tình làm "méo mó sự thật".

"Mọi người đều biết rằng tôi đã ủng hộ hoặc bỏ phiếu ủng hộ việc giảm thuế hơn 600 lần. Tôi đã bất đồng quan điểm với đảng Dân chủ trong việc cân bằng ngân sách và chính Ronald Reagan đã thông qua luật giảm thuế mà Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ. Tôi cũng bỏ phiếu thuận đối với các dự luật giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ".

Hôn nhân đồng tính

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, câu hỏi đặt ra là liệu các ứng viên có tin đồng tính luyến ái là sự lựa chọn đúng đắn hay không.

Đáp lại, ông Bush nhấn mạnh ông từng đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm cấm hôn nhân đồng tính. "Lý do tôi làm vậy là vì tôi lo ngại các vị thẩm phán bảo vệ người đồng tính đang tìm cách định nghĩa hôn nhân. Và tôi cho rằng cách chắc chắn nhất để bảo vệ quan niệm hôn nhân truyền thống giữa một người đàn ông và một người đàn bà là sửa đổi Hiến pháp".

TNS Kerry, người cũng phản đối hôn nhân đồng tính, phản bác: "Tôi tin rằng vì chúng ta đang ở nước Mỹ - một đất nước có Hiến pháp tuyệt vời, với những quyền mà người dân được hưởng, chúng ta không thể phân biệt ở công sở và không thể có sự phân biệt trong những quyền dành cho người dân".

Được biết, sau cuộc tranh luận này, cả hai ứng viên đều có kế hoạch tranh cử tại một số bang trọng điểm - nơi kết quả thăm dò dư luận cho thấy cả hai đang ở thế "giằng co".

Tổng thống Bush sẽ tới Nevada, Iowa và Florida trong khi Kerry sẽ tới Nevada, Iowa, Wisconsin và Ohio.

Buổi tranh luận hôm nay là cơ hội cuối cùng để hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh thủ các cử tri chưa đưa ra quyết định tại một số bang trọng điểm trước thềm cuộc bầu cử chính thức ngày 2/11 tới.

  • Huyền Trang, Trần Kiên - (Tổng hợp)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi