Quan sát viên quốc tế sẽ giám sát bầu cử Mỹ
09:59' 09/08/2004 (GMT+7)

Bộ Ngoại giao Mỹ mới thông báo một đoàn quan sát viên quốc tế thuộc Tổ chức an ninh và Hợp tác châu Âu sẽ giám sát kỳ bầu cử tổng thống tháng 11.

Trụ sở OSCE tại Vienna, Áo.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được đích thân Bộ Ngoại giao Mỹ mời giám sát cuộc bầu cử quan trọng này. Các thành viên đội giám sát đều là nhân viên Phòng phụ trách các Thể chế dân chủ và Nhân quyền thuộc OSCE.

Đây sẽ là lần đầu tiên một đoàn giám sát kiểu này có mặt trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. "Mỹ đã mời chúng tôi, giống như tất cả các nước thành viên của OSCE", phát ngôn viên Urdur Gunnarsdottir cho biết, "Luật pháp không quy định việc này, song đó là cam kết chính trị. Cách đây 10 năm họ đã ký một văn bản yêu cầu OSCE giám sát các kỳ bầu cử".

Lo ngại khả năng vi phạm nhân quyền có thể xảy ra giống như tại bang Florida và một số nơi khác trong kỳ bầu cử năm 2000, 13 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã viết thư gửi Tổng thư ký LHQ Kofi Annan hồi tháng 7, yêu cầu ông gửi giám sát viên quốc tế tới mỹ.

Sau khi ông Annan bác bỏ đề nghị trên, giải thích rằng đích thân chính quyền Mỹ phải đăng ký, các thành viên đảng Dân chủ đã yêu cầu sự giúp đỡ của Ngoại trưởng Colin Powell. Vấn đề này đã được thảo luận rất gay cấn tại Hạ viện, tới mức các nghị sĩ đảng Cộng hoà đã sửa đổi một đạo luật viện trợ nước ngoài theo đó cấm sử dụng ngân sách liên bang để hỗ trợ LHQ giám sát bầu cử Mỹ.

Trong một bức thư viết ngày 30/7 công bố hồi tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Paul Kelly thông báo với các thành viên đảng Dân chủ về việc mời OSCE và không đề cập tới vai trò của LHQ.

 
Bên ngoài trụ sở OSCE tại Vienna.

"Tôi hài lòng khi thấy Ngoại trưởng Powell rất tôn trọng tiến trình dân chủ và công bằng", Hạ nghị sĩ Eddie Bernice Johnson, đảng Dân chủ phát biểu, "Sự hiện diện của các giám sát viên quốc tế sẽ đảm bảo rằng chính phủ Mỹ quan tâm tới lá phiếu của các cử tri và quan tâm tới vị thế của nước Mỹ trên thế giới".

OSCE, tổ chức an ninh khu vực lớn nhất thế giới sẽ cử một đoàn tiền trạm tới Washington vào tháng 9 để đánh giá quy mô, mức độ và chi phí của nhiệm vụ này. Sau đó, OSCE sẽ quyết định về số lượng quan sát viên cần thiết và địa điểm cụ thể họ được gửi tới.

OSCE có trụ sở tại Vienna, Áo. Tổ chức này đã gửi hơn 10.000 nhân viên tới giám sát hơn 150 cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý tại hơn 30 quốc gia trong suốt 10 năm qua. Tháng 11/2002, OSCE đã gửi 10 quan sát viên tới giám sát cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Tổ chức này cũng gửi quan sát viên tới cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Thống đốc California hồi năm ngoái.

(Huyền Trang - Theo CNN)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi