* Công bố băng video mới về vụ chặt đầu công dân Mỹ
Bị hãng thông tấn AP dựng dậy trong đêm (giờ địa phương), Benjamin Vanderford cho biết, đoạn băng 55 giây ngụy tạo cảnh mình bị chặt đầu là một tiểu xảo để anh thu hút sự chú ý của mọi người trong chiến dịch tranh cử vào Ủy ban Giám sát thành phố San Francisco hồi đầu năm. "Trường quay" là nhà một người bạn.
Mộng chính trị không thành, anh thanh niên 22 tuổi tung đoạn băng lên Kazaa - phần mềm tải tệp tin miễn phí thông dụng nhất thế giới hồi tháng 5. Nó trôi nổi trên mạng rồi bỗng nhiên thu hút được sự chú ý của toàn thế giới khi xuất hiện trên một trang web của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ngay chiều qua (giờ VN), Vanderfold đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thẩm vấn. Bà LaRae Quy - nữ phát ngôn viên của FBI cho biết, FBI mở cuộc điều tra với mục đích ban đầu là thẩm tra tính xác thực của cuộn băng. Bà nói, phía kiểm sát sẽ quyết định có đưa Vanderfold ra tòa hay không.
"Con tin" giả hiệu
Cuộn băng được gỡ khỏi mạng ngay sau khi Vanderfold tiết lộ nó là "đồ giả". Trong đoạn băng có tựa đề tiếng Ảrập "Abu Musab al-Zarqawi giết một công dân Mỹ", "con tin" ngồi trên ghế, hai tay bị trói quặt về phía sau và đang run rẩy. Anh ta tự nhận là Benjamin Vanderford, đến từ San Francisco, Mỹ và hổn hển nói: "Chúng ta cần phải để đất nước này yên, cần phải chấm dứt sự chiếm đóng. Mọi người sẽ đều bị giết bằng cách này".
"Con tin" giả hiệu còn cho biết, bọn bắt cóc đề nghị trao đổi anh ta lấy các tù nhân ở Iraq.
Sau đó, đoạn băng quay cảnh một bàn tay cầm dao cứa vào cổ một người nằm bất động và máu phun ra.
Vanderford thú nhận đó là máu giả và nhiều hình ảnh trong băng được lấy từ một trang web của tổ chức vũ trang Hamas.
Vanderford làm nghề lập trình trò chơi điện tử, thích chơi nhạc rap và là người có tham vọng chính trị. Anh ta phản đối cuộc chiến tranh Iraq và không có ý định xin lỗi về trò chơi khăm này.
Tháng trước, trong một tuyên bố trên mạng, một tổ chức tự xưng là Quân đội Ansar al-Sunna tuyên bố đã chặt đầu đại úy Mỹ Wassef Ali Hassoun. Sau đó, chính tổ chức này bác bỏ thông tin trên. Hiện Hassoun đã được trả tự do và hiện đang ở Mỹ.
Trong thời gian gần đây, mỗi tháng có hàng chục tuyên bố trên mạng đe dọa tấn công các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á, châu Âu và Trung Đông. Nhưng không ai có thể xác định được tính xác thực của chúng.
(Đ.H - Theo AP)