Bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức diễn ra vào ngày 2/11, VietNamNet xin giới thiệu một số nét khái quát về cuộc bầu cử năm nay.
I. Tổng quan chung về bầu cử Tổng thống Mỹ
1. Sự hình thành các đảng phái chính trị Mỹ
Sự phát triển của các đảng phái chính trị gắn bó chặt chẽ với việc mở rộng quyền bầu cử khi tiêu chuẩn để đi bầu cử là phải sở hữu tài sản được dỡ bỏ vào đầu những năm 1800. Với số lượng cử tri vô cùng lớn, cần phải có phương tiện để huy động được số cử tri đông đảo đó. Các đảng phái chính trị đã được thể chế hóa để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Do vậy, các đảng phái ở Hoa Kỳ đã xuất hiện như một phần của sự mở rộng dân chủ này và vào những năm 1830, chúng là một bộ phận được hình thành vững chắc trong nền tảng chính trị.
Ngày nay, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã thâm nhập vào toàn bộ tiến trình chính trị. Khoảng 60% người Mỹ tự coi mình là người của Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, ngay cả những người nói rằng họ là những người độc lập cũng có khuynh hướng ủng hộ các đảng và tỏ lòng trung thành cao độ với đảng mà họ ủng hộ. Ví dụ, trong năm cuộc bầu cử tổng thống trong giai đoạn 1980 - 1996, 75% cử tri độc lập “có khuynh hướng” ủng hộ Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu cho những ứng cử viên tổng thống của đảng mà họ ủng hộ. Năm 2000, 79% những người có khuynh hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho George W. Bush, trong khi 72% số người có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore.
Ảnh hưởng của các đảng phái cũng lan sang cả đảng cầm quyền. Hai c hính đảng hiện đang chi phối chức tổng thống, Quốc hội, các chức thống đốc, và cơ quan lập pháp các bang. Tất cả các tổng thống từ năm 1852 đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, và trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, số phiếu phổ thông bầu cho ứng cử viên tổng thống của hai chính đảng trung bình là 94,8%.
Sau các cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương năm 2002, trong số 100 thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ có duy nhất một Thượng Nghị sĩ là người độc lập, và chỉ hai trong tổng số 435 Hạ Nghị sĩ trong Hạ viện Hoa Kỳ là những người độc lập. Ở cấp bang, tất cả 50 thống đốc đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ, và chỉ có 21 trong hơn 7.300 (0,003%) nghị sĩ bang là những người không thuộc các Đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Đây là hai chính đảng tổ chức và chi phối chính phủ trung ương và bang.
Mặc dù về tư tưởng các đảng phái ở Hoa Kỳ có xu hướng kém liên kết và không máy móc bằng các đảng phái ở nhiều nền dân chủ, song chúng đóng một vai trò lớn và thường là có tính chất quyết định trong việc hình thành chính sách công. Thực vậy, kể từ những cuộc bầu cử năm 1994, các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội đã bộc lộ những khác biệt rõ nét về chính sách và sự thống nhất cao độ bất thường trong đảng so với những chuẩn mực lịch sử. Những bất đồng về chính sách giữa hai đảng trong các cuộc bầu cử Thượng Nghị sĩ và Quốc hội tổ chức hai năm một lần có khả năng dẫn đến một sự thay đổi trong việc kiểm soát của các đảng đối với Hạ viện và Thượng viện. Trong những năm gần đây, sự kết hợp giữa tình trạng chia rẽ về chính sách và cạnh tranh căng thẳng nhằm kiểm soát hai viện đã tạo ra một bầu không khí xung đột vô cùng gay gắt trong các đảng ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Và trong cuộc chạy đua bầu cử năm 2004, lãnh đạo hai đảng trong Quốc hội và các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ cũng như chính quyền Bush đã tham gia vào hàng loạt nỗ lực vận động liên tục nhằm giành được lợi thế bầu cử.
Ở Hoa Kỳ, tiêu chuẩn để bầu các nghị sĩ bang và quốc gia chính là hệ thống khu vực bầu cử “một đại diện”. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai nhận được đa số phiếu (tức là số phiếu bầu lớn nhất ở bất cứ khu vực bầu cử nào) sẽ trúng cử. Không giống như hệ thống dựa trên tỷ lệ, quy định khu vực bầu cử một đại diện cho phép một đảng chỉ có thể thắng cử tại một khu vực nhất định. Do vậy, hệ thống một đại diện tạo ra động cơ để hình thành hai đảng với cơ sở rộng, có khả năng giành đa số phiếu ở khu vực bầu cử, trong khi làm cho các đảng nhỏ hơn và đảng thứ ba hầu như phải chịu thất bại liên tục, chứ không phải một liều thuốc trường sinh trừ khi họ có thể kết hợp lực lượng với một chính đảng. Tuy nhiên, kết hợp lực lượng với một chính đảng không phải là một giải pháp đối với hầu hết các đảng nhỏ vì tất cả, ngoại trừ một số ít các bang, đều cấm cái gọi là những lá phiếu hợp nhất trong đó một ứng cử viên chạy đua với tư cách là một người được đề cử bởi hai đảng trở lên.
Một cản trở mang tính thể chế nữa đối với hệ thống hai đảng là hệ thống đại cử tri phụ trách việc bầu chọn tổng thống. Theo hệ thống đại cử tri, về mặt pháp lý người dân Hoa Kỳ không trực tiếp bỏ phiếu bầu cho những người có trong danh sách ứng cử viên tổng thống. Thay vào đó, họ bỏ phiếu bầu danh sách “đại biểu của cử tri” tại các bang, những người cam kết ủng hộ ứng cử viên tổng thống này hoặc ứng cử viên tổng thống khác. Để được bầu làm tổng thống đòi hỏi ứng cử viên phải giành được đa số tuyệt đối trên tổng số 538 phiếu bầu của đại cử tri của 50 bang. Với yêu cầu này, việc đảng thứ ba có thể giành được chức vụ tổng thống trở nên cực kỳ khó khăn, bởi phiếu bầu của đại cử tri của các bang được phân bổ theo quy định người thắng được tất. Điều đó có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu bầu phổ thông trong một bang-dù đó chỉ là đa số sít sao-sẽ giành được tất cả số phiếu bầu của đại cử tri ở bang đó. Giống như hệ thống khu vực một đại diện, hệ thống đại cử tri gây bất lợi cho các đảng thứ ba, họ có ít cơ hội giành được phiếu bầu của đại biểu cử tri ở bất cứ bang nào, chưa tính đến lôi kéo đủ số bang để chọn tổng thống.
2. Đại cử tri và cách thức hoạt động
Khi cử tri Hoa Kỳ đi bỏ phiếu bầu tổng thống, nhiều người cho rằng họ đang tham gia vào một cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp. Về mặt pháp lý thì điều đó không đúng do có sự tồn tại của chế độ đại cử tri, một di sản hiến pháp của thế kỷ 18.
Đại cử tri là tên đặt cho một nhóm “các đại biểu cử tri”, được các nhà hoạt động chính trị và thành viên các đảng ở các bang đề cử. Khi đã cam kết với một ứng cử viên này hoặc ứng cử viên khác, vào ngày bầu cử các đại biểu này được bầu theo phương thức phổ thông.
Có thể là trong một cuộc chạy đua sít sao hoặc một cuộc chạy đua giữa nhiều đảng, đại cử tri có thể không bỏ 270 phiếu cho bất cứ một ứng cử viên nào - khi đó Hạ viện sẽ chọn vị Tổng thống tiếp theo.
Các cử tri đã đăng ký ở 50 bang và Quận Côlômbia bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống vào thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên của tháng 11 trong năm bầu cử tổng thống.
Những ứng cử viên nào giành thắng lợi trong cuộc bầu phiếu phổ thông ở bang thường giành được tất cả số phiếu bầu của đại biểu ở bang đó. (Về mặt pháp lý, tất cả các đại biểu cam kết bầu cho những ứng cử viên đã được lựa chọn).
Số đại cử tri của một bang bằng số Thượng Nghị sĩ và Hạ Nghị sĩ của bang đó. Quận Côlômbia không có đại diện bỏ phiếu trong Quốc hội thì được ba phiếu đại cử tri.
Các đại biểu gặp gỡ và chính thức bầu tổng thống và phó tổng thống vào thứ hai đầu tiên sau ngày thứ tư thứ hai tháng 12 trong năm bầu cử tổng thống. Một ứng cử viên muốn trúng cử phải giành được đa số phiếu. Vì có 538 đại cử tri nên cần phải có tối thiểu là 270 phiếu bầu để giành thắng lợi trong đại cử tri.
Nếu không ứng cử viên tổng thống nào đạt được đa số phiếu của đại cử tri, Hạ viện sẽ phải quyết định người chiến thắng trong số ba người giành nhiều phiếu bầu nhất của đại cử tri. Khi làm như vậy thành viên của Hạ viện biểu quyết theo bang, mỗi đoàn cử tri bang có một phiếu.
Nếu không ứng cử viên phó tổng thống nào giành được đa số phiếu của đại cử tri, Thượng viện sẽ phải quyết định người giành thắng lợi trong số hai người giành nhiều phiếu nhất của đại cử tri.
Tổng thống và Phó Tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau, sau khi bầu cử.
Số đại cử tri theo từng bang:
Alabama - 9 Alaska - 3 Arizona - 10 Arkansas - 6 California - 55 Colorado- 9 Connecticut - 7 Delaware - 3 Hat Columbia - 3 Florida - 27 Georgia - 15 Hawaii - 4 Idaho - 4 Illiniois - 21 Indiana - 11 Iowa - 7 Kansas - 6 Kentucky - 8 |
Louisiana - 9 Maine - 4 Maryland - 10 Massachusetts - 12 Michigan - 17 Minnesota - 10 Mississippi - 6 Missouri - 11 Montana - 3 Nebraska - 5 Nevada - 5 New Hampshire - 4 New Jersey - 15 New Mexico - 5 New York - 31 Bắc Carolina - 15 Bắc Dakota - 3 Ohio - 20 |
Oklahoma - 7 Oregon - 7 Pennsylvania - 21 Rhode Island - 4 Nam Carolina - 8 Nam Dakota - 3 Tennessee - 11 Texas - 34 Utah - 5 Vermont - 3 Virginia - 13 Washington - 11 Tây Virginia - 5 Wisconsin - 10 Wyoming - 3
Tổng số 538 đại cử tri |
3. Thủ tục bỏ phiếu
Việc bỏ phiếu ở Hoa Kỳ là một quá trình gồm hai bước. Không có một danh sách toàn quốc về những cử tri đủ tư cách, do vậy một công dân trước hết cần phải đủ tiêu chuẩn bằng cách đăng ký. Việc đăng ký bỏ phiếu của công dân gắn liền với nơi họ sống; nếu họ chuyển đến một địa điểm mới thì thường họ phải đăng ký lại. Các hệ thống đăng ký đã được thiết kế để loại trừ gian lận. Song những thủ tục đăng ký cử tri ở các bang lại khác nhau. Những thủ tục đăng ký trước đây đôi khi được sử dụng để khiến một số công dân nhất định nản lòng không tham dự bầu cử nữa. Gần đây xuất hiện xu hướng giảm bớt các yêu cầu đăng ký, và Đạo luật Quốc gia về Đăng ký Cử tri năm 1993 (đạo luật “Cử tri ôtô”) đã cho phép nhân dân được đăng ký bầu cử khi họ đổi bằng lái xe mới.
Bước thứ hai trong quá trình bầu cử là để công chúng tiếp cận việc bỏ phiếu. Đối với hầu hết cử tri đủ tư cách, điều này có nghĩa là đi tới một địa điểm bầu cử gần nhà họ để bỏ phiếu.
4. Phương tiện bầu cử
Những quyết định về thiết bị bầu cử và mẫu lá phiếu được đưa ra ở cấp địa phương bởi vì chi phí cho những hệ thống này do địa phương chu cấp. Như vậy, cách thức bầu cử - bao gồm loại thiết bị được sử dụng và tình trạng bảo dưỡng thiết bị - có liên quan đến tình hình kinh tế xã hội và cơ sở đánh thuế của địa phương đó. Vì nguồn thuế địa phương cũng phải chi cho trường học, các ngành cảnh sát và cứu hoả, các công viên và địa điểm giải trí, nên những khoản đầu tư cho công nghệ bầu cử thường có mức độ ưu tiên thấp.
Ở Hoa Kỳ có nhiều loại thiết bị bầu cử đa dạng, và tình hình công nghệ bầu cử thay đổi liên tục. Ngày nay, có rất ít nơi tiến hành bầu cử thông thường với những lá phiếu đánh dấu “X” bên cạnh tên của ứng cử viên như trước đây, song nhiều hệ thống được vi tính hóa vẫn phụ thuộc vào lá phiếu giấy trên đó người ta điền vào vòng tròn hoặc nối các đường kẻ. Sau đó những lá phiếu này được quét bằng máy để lấy kết quả bỏ phiếu.
Nhiều khu vực bầu cử vẫn sử dụng máy “cần gạt”, trên đó cử tri gạt một chiếc cần nhỏ bên cạnh tên của những ứng cử viên họ ưa thích hoặc bên cạnh một vấn đề mà họ ủng hộ. Việc bỏ phiếu của họ được ghi nhận vào cuối quá trình này bằng việc kéo một chiếc cần to. Người ta thôi sản xuất những chiếc máy này đã hơn 30 năm nay, vì thế việc bảo dưỡng chúng rất khó khăn và tốn kém. Hệ quả là chúng dần bị loại bỏ.
Một thiết bị khác rất phổ biến là máy “đục lỗ thẻ”. Lá phiếu được làm trên một chiếc thẻ nơi người ta đục lỗ bên cạnh tên của ứng cử viên, hoặc chiếc thẻ được đưa vào một bộ phận ứng với lá phiếu và sau đó phiếu được đục lỗ. Đây là hình thức bỏ phiếu đã gây tranh cãi trong việc kiểm phiếu của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 tại Florida. Và do hậu quả của trường hợp này, các thiết bị đục lỗ thẻ cũng dần bị loại bỏ.
Xu hướng hiện nay là sử dụng các thiết bị điện tử ghi nhận trực tiếp (DRE) có màn hình cảm ứng được vi tính hóa giống như máy tự động ở ngân hàng. Mặc dù có khá nhiều cuộc thảo luận về việc bầu cử bằng máy tính hoặc Internet để làm cho quá trình này dễ dàng hơn - và một hệ thống như thế đã được thử nghiệm trong một cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Arizona - song các chuyên gia an ninh vẫn đang phải làm việc để cải tiến các hệ thống nên chúng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.
Một thay đổi lớn về bỏ phiếu trong những năm gần đây là việc áp dụng các thủ tục cấp lá phiếu cho cử tri trước ngày bầu cử. Xu hướng này khởi đầu với những điều khoản về việc bỏ phiếu sớm cho cử tri vắng mặt, áp dụng đối với những cử tri dự định đi xa nơi họ ở (và cũng là nơi họ bầu cử) vào ngày bầu cử. Một số địa phương dần dần tự do hóa điều khoản này, cho phép các công dân được đăng ký như những “cử tri vắng mặt thường xuyên” và đến kỳ lại gửi lá phiếu đến nhà họ.
Một điều khoản mới khác là “bỏ phiếu sớm”, theo đó các máy bầu cử được đặt trong các siêu thị và những nơi công cộng khác trong vòng 3 tuần trước ngày bầu cử. Các công dân có thể tiện đường ghé vào để bỏ phiếu. Và ở một số bang, các công dân có thể bỏ phiếu bằng thư. Tại bang Oregon, tất cả các công dân được nhận một lá phiếu 20 ngày trước ngày bầu cử, và họ có thể gửi trả lá phiếu bằng thư hoặc tự mình bỏ phiếu tại những địa điểm được chỉ định. Những nơi khác - chẳng hạn như Seattle và Hạt King tại bang Washington - đã áp dụng việc bỏ phiếu bằng thư, nhưng các địa phương quanh đó vẫn sử dụng DRE hoặc các thiết bị đục lỗ thẻ. Trên toàn nước Mỹ, hơn một phần năm tổng số cử tri bỏ phiếu trước ngày vốn được coi là “ngày bầu cử".
5. Kiểm phiếu
Do tỷ lệ công dân bỏ phiếu trước ngày bầu cử tăng lên nên có lẽ sẽ thích hợp hơn nếu coi ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên trong tháng 11 - ngày bầu cử tổng thống truyền thống của nước Mỹ - không phải là “ngày bầu cử” mà là “ngày kiểm phiếu”. Mặc dù việc bỏ phiếu sớm ngày càng trở nên phổ biến, song những lá phiếu này chỉ được kiểm vào cuối ngày bầu cử, mục đích là để trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa không có thông tin nào được tiết lộ về việc ứng cử viên nào đang dẫn điểm hay tụt lại sau. Những thông tin sớm kiểu như vậy có thể tác động đến các nỗ lực và cách thức tranh cử, cũng như kết quả bỏ phiếu.
II. Bầu cử năm 2004
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 2/11/2004. Sau khi Đại hội đại biểu cử tri chính thức họp và chọn ứng viên vào ngày 13/12, người thắng cuộc sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2005.
Hạ viện Mỹ (435 thành viên) và khoảng 1/3 Thượng viện (34 trong tổng số 100 thành viên) cũng sẽ tiến hành bầu cử.
1. Các ứng viên chính
Ngày 11/3/2004, sau các cuộc họp với những đại biểu đảng Dân chủ tại Washington, D.C và các đối thủ trong vòng sơ bộ bầu ứng viên Tổng thống của đảng, TNS John Kerry, bang Massachusetts đã giành được sự ủng hộ của 2.162 đại biểu và đủ tư cách nhận sự đề cử của đảng Dân chủ. Cùng lúc này, trang web của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ đã thừa nhận Kerry là ứng viên của đảng ra tranh cử Tổng thống, trước khi Đại hội đảng diễn ra 3 tháng.
Ngày 6/7/2004, TNS Kerry chính thức công bố TNS John Edwards bang Bắc Carolina làm đối tác liên danh của ông. Hai người đã chính thức nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ tại Đại hội toàn quốc đảng họp ở Boston tháng 7/2004.
Ngày 9/3/2004, Tổng thống George W. Bush đã chính thức nhận được sự ủng hộ cần thiết để được đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hoà, New York. Ngày 2/9/2004, ông Bush chính thức nhận sự đề cử của đảng và chọn đương kim Phó Tổng thống Dick Cheney làm đối tác liên danh.
Ralph Nader sẽ xuất hiện trong cuộc tranh cử Tổng thống 2004 tại một số bang với tư cách là ứng viên đảng Cải cách và một số bang khác với tư cách là ứng viên độc lập. Tại những bang còn lại, ông sẽ không được coi là ứng viên vì không đáp ứng những điều kiện các bang này đưa ra.
2. Cương lĩnh tranh cử hai đảng
3. Các cuộc tranh luận trực tiếp
4. Các bang trọng điểm
Dưới đây là danh sách các bang trọng điểm, nơi hai chính đảng tạp trung các chiến dịch quảng cáo nhằm thu hút cử tri.
Colorado - Florida - Iowa - Maine - Michigan - Minnesota - New Hampshire - New Mexico - Nevada - Ohio - Oregon - Pennsylvania - Tây Virginia - Wisconsin.
|